VĂN HÓA

Kỳ 15: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 28-02-2019 • Lượt xem: 4105
Kỳ 15: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Sau chuyến phiêu lưu đầy thích thú ở Đà Lạt cùng với màn khám phá về nụ hôn đầu đời, tôi và Cương còn rủ nhau ra Vũng Tàu chơi. Cả bọn đi xe đò về Sài Gòn rồi chia tay, mấy tên kia trở về nguyên quán với một đống hậm hực trong lòng vì chẳng được mùi gì với nàng Cathy. Câu “hai đánh một chả chột cũng què” trong trường hợp này chẳng hợp tình chút nào.

 

Hai tên Hải và Vượng “đánh” tới tấp mà nàng Cathy vẫn vững như bàn thạch, cuối cùng chỉ có hai tên này mang con tim... què cùng một mối hận tình về nơi cư trú. Từ đó tôi đi đến kết luận là trong việc cua đào, cua địch cần có một sự... hy sinh và biết người biết ta. Hai ba anh cùng một lúc nhào vô cua một chị chắc chắn cóc đi đến đâu. Nếu biết nhường nhịn, cảm thấy có mùi không khả quan thì nên “a-la- de” để cho một tên nào đó có vẻ được nàng “chịu đèn” tiếp tục chương trình. Và tên này bắt buộc phải dùng kế “điệu hổ ly sơn” , “giải” nàng đến một địa điểm nào khác để “ngỏ lời ong bướm” thì chắc ăn như bắp. Cương và tôi tiếp tục lấy vé xe đò đi Vũng Tàu mấy tiếng sau đó. Đã lỡ phiêu lưu thì phiêu lưu luôn, không sợ con chó xồm nào hết sốt cả. Hơn nữa đang hứng chí trong lòng, nên khung cảnh trời trăng mây nước của Vũng Tầu tỏ ra quyến rũ vô cùng. Trong khi đó Cương cũng muốn ra đó để giải sầu, quên đi mối hận vì chẳng được cái giải rút gì ở Đà Lạt. Đi giang hồ vặt một mình, không phải bị kìm kẹp bởi gia đình sao nó sướng thế không biết. Không có ai bắt bôi dầu cù là Con Cọp, không có ai bắt uống thuốc uống men hay mặc áo lạnh sợ bị cảm cúm, trúng gió, nhức đầu, sổ mũi. Đấng trượng phu coi thường mấy thứ đó lắm. Cứ như ta đây quần jean, áo thun, đầu đội trời, chân đạp đất đến những nơi “đường lên núi rừng sao hãi hùng” nào ngán chi ai.

 

Bãi trước Vũng Tàu

 

Trời cao, biển rộng như ở Vũng Tầu đây khoái hơn tù túng trong nhà, ngày nào cũng như ngày nấy, mặc dù được cưng chiều nhưng sao thấy đều đặn, chán nản quá. Một tư tưởng... cách mạng nhen nhóm trong đầu óc tôi sau khi khám phá ra sự “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, cứ ru rú trong nhà với bà nội biết ngày nào mở mắt được! Một tuần lễ ở Vũng Tầu với những đêm cùng Cương mướn ghế bố ở bãi trước ngủ qua đêm đã khiến tôi có những suy nghĩ lẩm cẩm về triết lý. Nhìn lên bầu trời cao thăm thẳm nhiều khi thấy rùng mình vì sự bao la của vũ trụ, tôi nghiệm thấy con người quá nhỏ nhoi, chẳng ra cái con mẹ gì, bởi đó cóc có cái gì là quan trọng trên cõi đời này. Lúc đó tôi đã nghe nói tới Sartre, tới Simone De Beauvoir với thuyết hiện sinh, cũng bầy vẽ mua sách về đọc tới, đọc lui mà chẳng hiểu hai ông bà ấy nói gì.

 

Bãi sau Vũng Tàu

 

Nhưng đại khái theo cái nghĩa của chữ “hiện sinh”, tôi cho là cứ sống, cứ hưởng được ngày nào hay ngày nấy. Phải tận dụng những ngày ta đang sống cho nó khoái tỉ, biết đâu qua hôm sau ngáp ngáp vài cái đề “A men tắt đèn đi ngủ” thì uổng cả đời trai, mới chập chững biết mùi đời và cái... sự đời là cái chi chi. Dạo ấy hình như quyển “Tư Tưởng Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học” của ông Phạm Công Thiện đang nổi đình nổi đám lắm. Tôi và mấy thằng bạn cũng mua về đọc lấy đọc để, nhưng càng đọc càng mù mờ, chẳng hiểu gì, nhưng làm le suy diễn bậy bạ để cùng nhau tán phét, ra điều mình đã thấm nhuần được nhiều tư tưởng hay ho. Nghe nói ông Phạm Công Thiện viết cuốn sách đó khi mới có 16 tuổi đầu, quả là siêu đẳng. Hình như vào lứa tuổi như tôi hồi đó, giới thanh niên mới lớn - làm dáng với những tư tưởng triết lý. Ráng học thuộc lòng vài câu của các vị triết gia đế có dịp là sủa ra lấy le với đào địch. Mặt mũi làm ra vẻ quan trọng, lâu lâu lại lầm lầm, lì lì như đang suy nghĩ về một vấn đề gì cao siêu ghê gớm, như là trái đất sắp vỡ tan đến đít.

 

Bãi Dứa Vũng Tàu

 

Nhiều khi tôi tự hỏi đâu cần phải đến nhà thờ sau những lần bị bà nội tôi dựng đầu dậy đi lễ nhà thờ Bắc Hà trong khi đang ngon trớn ngủ say sưa vào những ngày Chủ Nhật. Theo cái đầu óc non nớt và tật lười đi lễ thì đó chỉ là vấn đề hình thức. Chúa ở khắp mọi nơi thì đâu cứ phải đến nhà thờ mới gặp được Chúa. Đức Tin tôi mạnh mẽ và chắc nịch như vậy mà không ai hiểu nổi! Tôi đã thuộc lòng nhiều kinh ngay từ bé, sau này tiếp tục được các đấng sư huynh Taberd bắt đọc đi, đọc lại hàng ngày đủ mọi thứ kinh. Chả thế mà đã từng oanh liệt chiếm phần thưởng danh dự về... Giáo Lý trong 2 năm liền, khiến ông bà tôi muốn mở tiệc ăn mừng, đi đâu cũng khoe có thằng cháu thông suốt kinh bổn, rất có triển vọng làm... linh mục sau này.

 

Quán bar ở Vũng Tàu

 

Trong khi đó các sư huynh cảm như đã chứng kiến một... phép lạ khi thấy tôi hiên ngang lên lãnh phần thưởng là một quyển... Kinh Thánh (đủ bộ Tân Ước và Cựu Ước) dày cộm. Vậy đã nói là “Chúa ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự, hằng trông thấy tội” thì đi nhà thờ làm chi cho... mất công. Chúa đã ở khắp mọi nơi, đã trông thấy tôi rồi thì đâu cần thiết phải đến nhà thờ, nhờ thánh. Khi biện luận như vậy, bà nội tôi liền phát ngôn ngay rằng “Giê Su Ma, lạy Chúa tôi, cái thằng này mày bị... quỷ ám rồi!” (lúc đó Sài Gòn phim “Quỷ Ám” (The Exorcist) chưa chiếu, nhưng sao bà tôi dùng chữ đúng quá!). Nhưng dĩ nhiên, cuối cùng cũng phải lồm cồm bò dậy để bà tôi... giải giao đi lễ. Nghe nói đến quỷ tôi cũng hơi ớn ớn.

 

Tiệm phở Tàu Bay

 

Ngay từ khi bé tí đã bị “nhồi sọ” về Thiên Đàng, Hỏa Ngục. Hơi làm gì sai trái là bị hăm dọa phải xuống Hỏa Ngục cho quỷ nó ăn tái - nó quẳng vào vạc dầu chiên dòn chấm muối tiêu hay bỏ lên lò làm BBQ, sợ bỏ mẹ! Nhưng đầu óc tôi lại nghĩ lẩm cẩm là xuống Hỏa Ngục thì... teo thiệt. Nhưng dù lên Thiên Đàng cũng... buồn thấy mồ. Đọc kinh, ca hát, nhảy múa hoài ai cũng chán. Nhạc thì dĩ nhiên thuộc loại thánh ca, làm sao có nhạc Rock của Beatles hay Elvis Presley cho nổi. Đàn địch thì làm gì có guitar điện hay trống xập xình như nhạc trẻ hay như tại dancing Olympia hay Hòa Bình là những nơi tôi tập tành dẫn đào đi nhót! Sống triền miên trên Thiên Đàng chắc là buồn lắm lắm buồn quên chết! Thế nhưng có những đêm khuya khi cả nhà đã ngủ hết và sau khi thả hồn theo những triết lý lẩm cẩm, tôi hơi cảm thấy ớn lạnh khi tưởng tượng ra một con ma, con quỷ nào đó nhào ra nhe răng ra cười hì hì cũng đã hết hồn. Bèn làm dấu đọc kinh một cách rất là kính cẩn, thề sống thề chết với Chúa là sẽ siêng năng đi lễ nhà thờ, đọc kinh mỗi tối đều chi.

Xe Sài Gòn - Vũng Tàu

 

Với cái ngông của tuổi trẻ, nhiều khi tôi cho mình là một... thiên tài, bởi vậy những thiên tài thường hay... đãng trí! Hứa thì sốt sắng lắm nhưng sau đó thiên tài thường hay quên đọc kinh (cùng lắm là hứa hẹn đêm sau sẽ đọc... bù, cộng thêm vài kinh gọi là “bonus”! Hoặc dồn vào cuối tuần đọc một lèo để... trả nợ) và không được sốt sắng cho lắm. Dù nếu có tỏ ra sốt sắng cũng tại một phần bị tô phở Tàu Bay ngay sát cạnh nhà thờ Bắc Hà nó quyến rũ với những gầu, nạm, gân, sách, và dòn quá sức thơm tho. Nếu Tầu Bay đông quá thì ghé qua phở Đông Mỹ cách đó vài căn để gặp mặt cô Hiền, cô Hậu. Đến nhà thờ, ít khi nào tôi chịu vào ngồi ghế, chỉ đứng ở bên cạnh hông, chờ cha phán “anh chị em ra về bình an” là tôi được an toàn, ngó trước ngó sau, lẻn ra ngay tiệm phở bằng ngõ tắt cạnh bên, sau khi làm dấu dối giá cho xong.

Vũng Tàu xưa

 

“Những ngày vui qua mau” thật, đúng như ông Tuấn Huy đã dùng làm đề tựa cho tiểu thuyết của ông đăng trên báo hồi đó. Mùa hè năm 63 đã ca bài “ò e con ma uýnh đu” để đẩy tôi trở lại trường Taberd trong lớp Seconde với sư huynh George trong vai trò “chủ trì”. Lấy được cái bằng BEPC rồi nên cảm tưởng mình đã là người lớn. Bố tôi cũng khoái chí đi đâu cũng khoe “thằng cháu nó đã có bằng “đíp-lôm” với một vẻ hãnh diện. Tôi nhủ thầm trong bụng sẽ cố gắng học hết cái bằng Tú Tài Tây cho ông hài lòng, sau đó... sẽ tính.