VĂN HÓA

Kỳ 3: Một thời nhạc trẻ - Trường kỳ

DDVN • 16-02-2019 • Lượt xem: 17997
Kỳ 3: Một thời nhạc trẻ - Trường kỳ

Với giới trẻ Việt Nam, từ những năm cuối thập niên 50, Elvis Presley đã trở thành thần tượng cùng với những “teenage - idols” khác như Fabian (với bản “Tiger” một thời oanh liệt), Ricky Nelson, Paul Anka, Frankie Avalon; về phái nữ phải kể đến Brenda Lee (đặc biệt với “Sweet Nothin”s), Connie Francis...

Tuy vậy sự phổ biến nhạc ngoại quốc - nhất là nhạc Pháp từ khoảng năm 63 trở đi - chỉ được thu hẹp trong giới học sinh, đa số là những học sinh các trường tây như Jean Jacques Rousseau, Marie Curie, Taberd, St Paul hay Couvent Des Oiseaux... vì phải công nhận là học sinh các trường này sẵn có vốn liếng về ngoại ngữ. Hơn nữa phần đông thuộc những gia đình có điều kiện nên việc mua sắm đĩa nhạc, báo chí ngoại quốc được dễ dàng hơn. Nếu có người nhà ở Pháp, Anh hay Mỹ lại càng dễ dàng hơn trong việc làm quen với nền văn hóa đến từ ngoài nước. Cũng vì vậy, đã có một thời xảy ra tình trạng phân biệt trường Tây, trường Ta trong giới học sinh. Trường Ta gọi học sinh trường Tây là những tên mất gốc, trường Tây thì coi học sinh trường Việt là... “cù lần”. Tình trạng không đến nỗi trầm trọng lắm, vì đối với tuổi trẻ, đó chỉ là một vấn đề háo thắng và tự ái nhất thời.

Ban nhạc Blues Stars

Cũng từ những lý do nêu trên, phong trào nhạc trẻ đã bắt nguồn từ những trường dạy chương trình Pháp, lôi kéo theo một số những học sinh chương trình Việt (như trường hợp Taberd, lúc đó có hai chương trình: Việt và Pháp). Người bạn tên Đào Thiệu Doãn của tôi - là tên ca sĩ hát bài “Bebop Alula” trong buổi party Giáng sinh năm 60 - từ cuối năm 61 đã trở thành ca sĩ chính thức của ban nhạc The Black Caps do cặp nhạc sĩ Nguyễn Ngọc và Huyền Nga thành lập với tên Thanh Tuấn, vài năm sau đó lại một lần đổi tên thành Paolo. Lớp nhạc của hai ông bà Nguyễn Ngọc và Huyền Nga năm trên đường Phạm Đăng Hưng, sâu tuốt trong một đường hẻm cụt với một số lượng đông đảo học sinh.

Ca sĩ Elvis Phương

The Black Caps, một trong những ban nhạc trẻ đầu tiên của Việt Nam ra đời tại đây với tay lead guitar kiêm trưởng ban nhạc là Ngọc Tùng, con trai ông Ngọc và bà Nga. Một thời gian sau ban nhạc phái nữ đầu tiên của Việt Nam là The Blue Stars cũng được thành lập tại cùng địa điểm và cũng do con gái của hai ông bà là Ngọc Lan (thường được gọi là Câu) lãnh vai trò trưởng ban và sử dụng lead guitar. Trước đó một thời gian, những buổi trình diễn của ban nhạc gồm toàn những nữ nhạc sĩ trẻ tuổi người Mỹ có tên là The Pretty Kittens tại rạp Rex đã gây sôi nổi trong giới trẻ. Và có thể từ đó ông Ngọc và bà Nga đã nẩy ra ý định thành lập một ban nhạc gồm toàn những nữ ca, nhạc sĩ chăng?

Paolo Doãn (ngồi giữa)

Thành phần của hai ban nhạc này đã trải qua nhiều lần thay đổi, nhưng những ca nhạc sĩ nòng cốt của The Black Caps vẫn luôn là Ngọc Tùng, Billy Hùng, Hùng “Lai”, Thanh Tuấn... và của The Blue Stars là Ngọc Lan, Tường Vân (tay trống nữ đầu tiên của nhạc trẻ Việt Nam), Tường Nga, Ngọc Phượng Hồng Loan, Kim Thoa, Christiane Marbec... Không kể có một thời gian còn có Bạch La, con gái cố nhạc sĩ Hoàng Trọng cũng có mặt trong những lần trình diễn của ban nhạc nữ này.

Ban nhạc The Black Caps

Qua những lần tụ tập với nhóm bạn mới quen trên đường Cao Thắng, tôi và Doãn (tức Paolo) trở nên thân thiết để trở thành bạn “mày tao” sau đó. Dạo ấy, Doãn ở căn nhà trong hẻm đường Phan Đình Phùng, gần ngã ba Lý Thái Tổ. Trong suốt những tháng hè năm 61, gần như sáng nào Doãn cũng cưỡi chiếc Xe Mobylette màu vàng lại nhà tôi chơi. Mới buổi sáng khi còn mắt nhắm mắt mở, chưa chui ra khỏi màn đã nghe tiếng xe Mobylette ngừng trước cửa với tiếng huýt sáo làm hiệu, cũng là lúc tiếng ông nội tôi cất lên: “Kìa, “Thằng Twist” nó lại rồi kìa!”. “Thằng Twist” là danh hiệu ông tôi đặt cho Doãn, vì cứ đứng đâu là hai chân hắn nhún nhẩy ở đó trong khi vừa búng ngón tay vừa nghêu ngao hát một cách say sưa, bất kể trời trăng! Có mặt ông già, bà lão cũng không có gì trở ngại để chân tay hắn ngưng cử động.

Hình ảnh của “Thằng Twisi” từ đó trở nên quen thuộc với mọi người trong gia đình tôi. Bây giờ hồi tưởng lại cũng chẳng hiểu sao chúng tôi có nhiều chuyện để nói với nhau đến như thế. Đủ chuyện trên trời dưới đất, chuyện đào địch, thời trang và nhất là ca nhạc. Doãn chở tôi trên xe Mobylette lang thang đủ nơi, đủ chốn. Buổi trưa trở về nhà ăn cơm, sau đó lại tiếp tục chương trình không hề biết mệt. Thường hai đứa khởi đầu bằng một chầu phở Tầu Bay, trước khi lên đường ngao du đây đó. Tôi mê và trở nên một tay nghiền phở do bố tôi gần như mỗi tuần - sau khi đi lễ chủ nhật về - đều đưa đi làm một phùa ních bụng, khi An Lợi, lúc Tầu Bay, thỉnh thoảng phở Huỳnh hay Nghĩa Lợi, sau đó còn có phở Quyền, phở Hòa... Chưa kể thỉnh thoảng vào buổi tối còn ghé những tiệm phở gà trên đường Hiền Vương hoặc ở Phú Nhuận. Tôi mê nhất là món “chín giò” với những miếng thịt được cắt từng khoanh tròn thơm tho và béo ngậy từ những khúc thịt bó lại như những bó giò. Tiệm phở Đông Mỹ cũng trên đường Lý Thái Tổ, cách phở Tầu Bay không bao xa cũng có món “giò” bất hủ. Thỉnh thoảng tôi cũng từ nhà đi đường tắt xuyên qua bao nhiêu ngõ hẻm để đến Đông Mỹ thưởng thức một mình. Cũng nhờ vậy nên quen biết được hai cô con gái xinh đẹp của tiệm này là Hiền và Hậu, đến nay chẳng biết lưu lạc phương nào. Chỉ biết cô Hiền sau đó lập gia đình với một người lai Ấn cũng là bạn quen biết, còn cô Hậu thì bặt vô âm tín.

Trường Jean Jacques Rousseau

Trường Saint Paul

Doãn và tôi nếu không đi ciné thì lại đến chơi nhà anh em Dũng, Quỳnh trên đường Cao Thắng hoặc anh em Hùng và Thư trên đường Hồng Thập Tự, gần tiệm Anh Đào, bán đồ mây nổi tiếng. Doãn thường tâm sự với tôi là muốn trở thành một ca sĩ, và đó cũng là giấc mơ của biết bao nhiêu người trẻ tuổi cùng thời. Đến cuối năm 61 thì Doãn vui mừng báo cho tôi biết là đã gia nhập ban nhạc The Black Caps, lấy tên là Thanh Tuấn với bộ quần áo da đen như Vince Taylor, từng tạo thành một hình ảnh quen thuộc trong giới trẻ một dạo. Cũng với bộ quần áo này Doãn từng xuất hiện trên cuốn phim  "Saigon By Night”. Thật ra trước đó Doãn cũng đã cùng anh em Trung Lang, Trung Phương và Elvis Phương hợp chung thành The Rockin' Stars. Sau một thời gian ngắn, nhận thấy không thích hợp với đường lối hoàn toàn tài tử của ban nhạc này nên Doãn đã tách ra để gia nhập The Black Caps của ông bầu Nguyễn Ngọc. Vì theo anh có tính cách nhà nghề hơn, tức là nhắm vào những buổi trình diễn thương mại, nôm na là có thể “kiếm được chút cháo” trên những chương trình đại nhạc hội hay phụ diễn tân nhạc, chứ không phải là những buổi trình diễn “chùa” như đại đa số các ban nhạc trẻ thành lập trong thời kỳ đầu tiên. Điểm đặc biệt của những ban nhạc trẻ Việt Nam là ở chỗ đó, hoàn toàn đến từ chỗ thích nhạc và ham vui. Tiền bạc không ai nghĩ tới, có dịp trình diễn trước khán giả, “giự le” với đào địch cũng đã đủ sướng rên người.

Trường Merie Curie

Trường La San Taberd

Hình ảnh của những The Shadows, những Les Chaussettes Noires, Les Chats Sauvages đã trở thành những hình ảnh quen thuộc nhất và là khuôn mẫu cho sự thành hình của những ban nhạc trẻ trong suốt 3, 4 năm đầu thập niên 60. Một ca sĩ, một tay lead guitar, một bass guitar, một rythm guitar và một tay trống đã trở thành công thức cho sự hình thành một ban nhạc.

(còn tiếp)