VĂN HÓA

Kỳ 4: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 17-02-2019 • Lượt xem: 12124
Kỳ 4: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Những ca nhạc sĩ ở thời kỳ phôi thai của nhạc trẻ chỉ một số ít có được một trình độ khá về nhạc lý qua trường lớp. Ngoài ra số còn lại tự mò mẫm học hỏi lấy hoặc tận dụng khả năng bắt chước của mình một cách tối đa. Càng bắt chước giống bao nhiêu, càng được anh em nể phục bấy nhiêu.

Nhái cho tiếng đàn của mình giống như The Shadows hay sau đó là The Ventures đâu phải ai cũng làm được. Cũng do đó những nhà sản xuất trống, đàn bắt đầu ăn nên làm ra. Đáng kể nhất là Lâm Hào, nổi tiếng với việc sản xuất những cây đàn guitar điện về hình thức trông giống y hệt những cây Fender, Hofner hay Gibson chính hiệu. Muốn hiệu đàn nào, kiểu gì cứ đến với Lâm Hào là có ngay. Không riêng về hình thức, những cây “guirar Lâm Hào” còn được khen ngợi rất nhiều về khả năng tạo những âm thanh đáp ứng được với sự đòi hỏi. Số lượng sản xuất guitar “lô can” của Lâm Hào do đó đã phát triển rất mạnh mẽ nhờ giá cả vừa túi tiền so với những cây đàn chính hiệu vào thời đó rất đắt, chỉ có những tay nhạc sĩ con nhà giầu mới đủ tiền sắm.

Thời trang thập niên 60 cho các quý cô

Danh tiếng Lâm Hào nổi như cồn với những cây đàn và bộ trống rất đẹp mắt, được phổ biến cùng với sự thành lập đông đảo những ban nhạc trẻ khắp nơi, không còn phải lo ngại trước giá cả đắt đỏ của những cây đàn “o ri gin”. Một số nhà sản xuất khác, nhờ phong trào nhạc trẻ lên cao cũng đã phất lên một cách mạnh mẽ như những nơi sản xuất đàn, trống Viễn Phương hoặc Đức Thắng. Trong nhiều năm trời, những tên tuổi vừa nhắc tới đã có dịp hốt bạc một cách mạnh mẽ. Về hình thức, tương đối không còn mấy khó khăn, những tay nhạc trẻ bắt đầu nghiên cứu về điệu bộ. Nhún nhẩy, ẹo qua eo lại, chỉ tay hay đá cẳng như Elvis, Gene Vincent, Chubby Checker hay Eddy Mitchell, Dick Rivers... được anh em khai thác triệt để. Giấc mộng trở thành “thần tượng” đã là một giấc mộng lớn đối với những khuôn mặt tiên phong của một phong trào có khuynh hướng lên cao ngay từ khi mới hình thành. Phong trào tổ chức “bal de famille”", những “party” được gọi là “bùm” dấy lên dữ dội nơi giới trẻ Sài Gòn và sau đó tại các thành phố lớn như Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vũng Tàu.

Một số loại xe gắn máy thịnh hành lúc bấy giờ

Được quen với những ca nhạc sĩ trong những ban nhạc trẻ thời đó là một điều hãnh diện. Nhìn thấy anh ca sĩ nọ ở đâu, gặp tay nhạc sĩ kia, tay trống đó ở chỗ nào cũng là một đề tài thảo luận sôi nổi trong giới học sinh. “Cặp bồ” với một nhạc sĩ đã đủ cho chúng bạn nể mặt, làm “đào” của một ca sĩ lại còn hách hơn. Việc thêu dệt những huyền thoại nơi những nhân vật trẻ tuổi biết đàn, biết hát bắt đầu lan rộng. Phong trào nhạc trẻ như một làn sóng mới mẻ có sức lôi cuốn kỳ lạ trong giới học sinh. Làn sóng đó đã xóa đi những lề lối xưa cũ, đưa đến một nếp sống cởi mở hơn. Làn sóng đó đã lôi kéo giới trẻ đến với thời trang Âu Mỹ thịnh hành, với quần ống túm hay “ống voi”, với giầy mũi nhọn hay “bottine” cao cổ, với áo “sơ mỉ” bó chẽn người hay những áo thun màu mè, sặc sỡ. Các tiệm bán vải ở Chợ Cũ, những tiệm may quần áo trên đường Nguyễn Văn Thinh trở nên tấp nập những khách hàng trẻ tuổi. Hàng Dacron, Tergal, Dormeuil được chiếu cố dữ dội. Có rủng rỉnh ta đến với Nguyễn Văn Phú, Chua hay Tố, Tân Tân... Ít “địa” hơn đã có Đinh, có Tuấn, Chiến hoặc Adam. Tiền nào của nấy, không có gì phải thắc mắc. Ông chủ tiệm giầy gia trên đường Gia Long hay tiệm Trinh's Shoes - nổi tiếng nhờ cô con gái tên Hảo, thường được gọi là “Hảo Trinh's Shoes” - trên đường Hai Bà Trưng do đó cũng ăn nên làm ra với những đôi giầy đủ kiểu. Tiệm bán đĩa nhạc Diana trên đường Lê Lợi thì tấp nập khách ra vào. Không ai chối cãi được là giới trẻ đã thực sự chịu ảnh hưởng nặng nề của nền văn minh Âu Mỹ, bắt nguồn từ ca nhạc. Những bậc cha chú bắt đầu e ngại và lên tiếng lo lắng cho “tiền đồ văn hóa dân tộc”, sợ cho tương lai của những người trẻ tuổi đó không biết sẽ đi về đâu. Với thời gian, những sự lo ngại viển vông đó đã không còn một chút ý nghĩa nào.

Lâm Hào - Người nổi tiếng về sản xuất guitar điện ở Sài Gòn lúc đó

Trong số bạn bè thường gặp tại hai nơi tụ họp trên, tôi cũng rất thân với Bùi Thế Chung (hiện là một bác sĩ rất văn nghệ trên đường Bolsa, Little Saigon) ở gần nhà. Gần như tối nào sau giờ cơm, Chung cũng đạp xe lại nhà trò chuyện cả mấy tiếng đồng hồ. Chuyện học hành thì đại khái, chuyện ca nhạc thì nhiều vô số kể, tưởng như không bao giờ dứt. Chung còn kéo thêm một người bạn lai Pháp là Henri Kernis đến chơi. Cứ khoảng 7, 8 giờ tối là y như rằng đã thấy hai tên bạn tà tà tới bằng xe đạp, ngồi trên yên, vịn tay vào hàng rào tán phét cho đến khuya. Hàng xóm láng giểng cũng phải thắc mắc không hiểu sao chúng tôi lại có lắm chuyện để nói đến thế. Cạnh nhà tôi bên tay mặt lúc đó có gia đình nhạc sĩ Anh Việt Thu dọn tới. Người nhạc sĩ hiền hòa này hơn tôi nhiều tuổi nhưng rất có cảm tình với tôi, thỉnh thoảng vẫn chỉ dẫn tôi một chút về nhạc lý và tỏ ra hài lòng mỗi khi tôi kéo đàn nhạc phẩm “Giòng An Giang” nổi tiếng của anh.

Một số nhạc công chơi nhạc cụ của Lâm Hào

Anh Việt Thu nghe nói đã qua đời vào năm 75, với những dòng chữ này, tôi xin được coi như một tưởng niệm về người hàng xóm dễ mến. Căn nhà sát bên trái sau khi đổi qua nhiều đời chủ, đã được một cặp vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng thuê trong một thời gian ngắn. Cặp nghệ sĩ đó không ai khác hơn là chị Thái Xuân của trung tâm Diễm Xưa hiện nay và nam ca sĩ Anh Ngọc. Không ngờ con đường có cái tên quái đản là Da Bà Bầu lại qui tụ được một số nghệ sĩ nổi danh như vậy. Những con đường gần đó như Vĩnh Viễn cũng là nơi nhạc sĩ Nguyễn Đức mở lò dạy nhạc của ông, nơi đã đào tạo ra ban tam ca Sao Băng và một số không ít những nữ ca sĩ mang họ Phương. Đường Nguyễn Duy Dương cắt ngang cũng là nơi cư ngụ của nhạc sĩ Trường Sa, nổi danh với nhạc phẩm “Một Mai Em Đi”. Lớp nhạc của nhạc sĩ Quốc Tuấn cũng cách nơi tôi ở không xa. Biết thì biết vậy nhưng thật sự tôi không quan tâm lắm về những nghệ sĩ tên tuổi này vì không có cùng một... tầng số nhạc trẻ ở lứa tuổi 16, 17 thời đó với những sinh hoạt gần như hoàn toàn khác biệt.

Qua Chung và Kernis tôi được biết mọi sinh hoạt trong giới  học sinh Jean Jacques Rousseau được coi như cái nôi của nhạc Rock Việt Nam với những tên tuổi được nhắc nhở tới nhiều như Elvis Phương, Trung Lang. Trung Phương, Jules Tambicanou, Hùng “Chua” (con chủ nhân tiệm may Chua)... Nhưng nổi bật nhất là Elvis Phương với chiếc xe Vélosolex sơn mẫu xám và mái tóc cùng khuôn mặt tựa Elvis Presley.

(còn tiếp)

Tham khảo:

https://www.youtube.com/watch?v=gj0Rz-uP4Mk&list=RDWb0Jmy-JYbA&index=28
Elvis Presley - Jailhouse Rock (Music Video)
 

Bổ sung tư liệu:
 

(Bài Lâm Hào - Ông "vua" chế tạo guitar điện/tác giả Như Hà, TTVH ngày 28/11/2012)

Lâm Hào còn có tên hiệu là Lâm Nãi Hào. Theo bản sao thẻ căn cước cấp lần hai ngày 17/9/1970 thì Lâm Hào có tên  là Lâm Lục Đê, sinh năm 1933 tại Chợ Lớn, cha tên Lâm Kinh, mẹ tên Tô Mai. Lúc làm căn cước, ông cao 181cm, nặng 61kg.
 

Theo lời kể của vài nhạc công cùng thời, ở tuổi đôi mươi, Lâm Hào là một thợ điện tự học về điện tử, ông đã bỏ tiền ra mua Fender Telecaster, sản xuất thập niên 50 của Mỹ (với giá tương đương một năm lương viên chức) về giải phẫu để nghiên cứu nguyên lý và cấu tạo từng chi tiết. Rất nhanh chóng, chỉ chừng một năm sau là ông đã chế tạo thành công cây guitar điện đầu tiên, mà nền tảng kỹ thuật và âm thanh của nó là cây Fender Telecaster; tất cả thân và cần đàn của Lâm Hào đều do nghệ nhân mộc tên Tiếp (quận 4) đóng.
 

Cũng xin kể thêm, ca sĩ Michel Polnareff (sinh 1944) người Pháp, sau khi nổi danh với ca khúc L’Amour Avec Toi (và ca khúc tiếng Anh tương tự: Love Me, Please Love Me)...  vào năm 1966 trên truyền hình Pháp đã được mời sang Sài Gòn lưu diễn. Khi lên sân khấu chơi, bị quyến rũ bởi phong thái và tiếng đàn của guitar điện Lâm Hào, ông đã đặt mua 5 cây đem về Pháp chơi và làm sưu tập.
 

Có một giai thoại kể rằng, ngay sau khi sang Mỹ định cư, Lâm Hào đã tìm đến Hãng đàn Fender để xin việc, họ chẳng biết kiểm tra tay nghề của ông thế nào, đành để ông làm thử một cây đàn tại chỗ xem sao. Sau khi ông làm xong tại xưởng, với niềm khâm phục, họ đã nhận ông vào làm việc ở bộ phận sản xuất đàn bằng tay và sản xuất theo yêu cầu của khách hàng, ông gắn bó suốt phần đời còn lại với hãng này, gần như không có chế độ nghỉ hưu.