VĂN HÓA

Kỳ 5: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 18-02-2019 • Lượt xem: 9475
Kỳ 5: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Thời kỳ đó là thời kỳ The Rockin' Stars được thành lập và đã trở thành nổi tiếng ngay, mặc dù chỉ trong giới học sinh trường Tây, rồi mới lan dần đến học sinh các trường khác, nổi tiếng có nhiều học sinh “chịu chơi” như Fraternité (Bác Ái), Les Lauriers hoặc Phan Văn Huê. Sau đó mới lan dần đến các trường Việt. Phương mặc quần áo ra sao, chải tóc thế nào, lạng solex “cua đào” ở đâu, vào “Cercle” lúc nào... đều được anh em để ý và dùng làm đề tài nói chuyện một cách rất say sưa và thích thú.

Cũng trong thời gian này, một ban nhạc khác bắt đầu được biết tới là Les Vampires với nam ca sĩ chính là Jacky và các nhạc sĩ De Pollack, Đức Huy, Thái (thường được anh em gọi là “Thái Vampires”, một trong những tay lead guitar nổi tiếng trong thời kỳ đầu tiên của nhạc trẻ Việt Nam). Les Fanatiques cũng là một ban nhạc trẻ được biệt đến rất nhiều trong thời kỳ này. Đó là sự phối hợp giữa các nhạc sĩ là học sinh các trường Jean Jacques Rousseau (Công Thành, ca sĩ) và Taberd (Lý, Khiêm, Nhiệm...). Những ban nhạc vừa kể được coi là tiên phong của phong trào nhạc trẻ, trong những năm đầu tiên có thể được gọi là “thần tượng” của giới trẻ thuộc dân chơi Sài Gòn. Trong khi đó, với giới trẻ ở các thành phố khác tại Việt Nam thì nhạc trẻ vẫn còn được coi là một thứ xa xỉ. Theo họ thì chỉ những con nhà giầu có, học trường Tây mới đủ sức đua đòi. Nhưng chẳng bao lâu sau, nhạc trẻ đã vượt qua lằn biên giới giữa Sài Gòn và các thành phố khác, giữa trường tây trường ta đề trở thành một phong trào có tính cách đại chúng nơi lớp trẻ.

Đức Huy đứng thứ hai từ phải sang

Việc thành lập những ban nhạc trẻ trong thời kỳ đầu tiên tại Việt Nam bắt nguồn từ phong trào nhạc ngoại quốc phát triển mạnh mẽ, đáng kể nhất trong thời kỳ phôi thai với những thần tượng của dân “Yéyé” tại Pháp như Sylvie Vartan, Francoise Hardy, Johnny Hallyday, Sheila hoặc Claude Francois cùng các ban nhạc như Les Chaussettes Noires, Les Chats Sauvages... Tại Pháp, nhưng tên tuổi trên đã tạo nên sóng gió trong giới trẻ qua chương trình ca nhạc nổi tiếng “Salut Les Copains” do Erank Ténot và Daniel Filipacchi thường xuyên cho phổ biến những nhạc phẩm thịnh hành (được giới trẻ Tây gọi là “tubes”, tương đương với những “hits” của Mỹ trong Hit Parade hoặc trong những bảng sắp hạng Top 10, Top 20...) đến với giới trẻ trên làn sóng của đài Europe No I và đã tạo được một sự lôi cuốn không ngờ.

Elvis Phương đang biểu diễn

Theo đà đó, một thời gian ngắn sau, tạp chí ca nhạc nổi danh của Pháp trong thập niên 60 và đầu thập niên 70 mang cùng tên “Salut Les Copains” ra đời để hỗ trợ thêm cho sự lớn mạnh này, và cũng do Daniel Filipacchi thực hiện. Nhân vật này còn đi xa hơn trong mục đích “quyến rũ” thêm phái nữ với tạp chí “Mademoiselle Age Tendre” phát hành một thời gian sau. Ngoài phần thời trang dành cho những “Yéyés” phái nữ, tạp chí này còn có những bài viết và hình ảnh của các thần tượng đương thời. Phải công nhận Filippacchi đã thành công lớn trong việc dùng những phương tiện truyền thông để đưa phong trào yêu nhạc trong giới trẻ tại Pháp lên cao cùng một lúc với những buổi trình diễn tại Golf Drouot ở Paris luôn luôn đầy nghẹt những cô cậu thuộc lứa tuổi “teenager”. Các học sinh trường Pháp tại Việt Nam đã sớm theo kịp phong trào "Yéyé” đến từ Pháp này ngay từ buổi đầu với những mái tóc kiểu Sylvie, cặp mắt kính của Francoise Hardy bắt đầu xuất hiện trong các “bùm”, các “bal đe ƒamille”, quay cuồng trong nhịp điệu Twist.

Ban nhạc The Beatles

Nói như thế không phải để phủ nhận sự ảnh hưởng của nhạc Rock Hoa Kỳ đã được biết đến tại Việt Nam từ những năm cuối thập niên 50, nhưng ảnh hướng trực tiếp với giới trẻ tại đây qua những học sinh trường Pháp, phải nói là nhạc Pháp. Kể từ khi những quân nhân Mỹ đặt chân đến Việt Nam thì nhạc Pop thịnh hành mới theo họ tới đây một cách ồ ạt vào giữa thập niên 60. Đến khi phong trào phản chiến lên cao cùng với sự xuất hiện của những mái tóc dài và những bông hoa hippy thì lúc đó nhạc Mỹ bắt đầu làm mưa làm gió trong giới trẻ. Trước đó, song song với nhạc Pháp, tầm ảnh hưởng của nền ca nhạc và thời trang Anh Quốc đối với giới trẻ Việt Nam cũng không phải là nhỏ. Làm sao có thể quên được cặp mắt kính gọng đen của Hank Marvin trong The Shadows, đã tạo nên một món thời trang không thể thiếu đối vơi những “dân chơi” Sài Gòn. Làm sao có thể quên được những chiếc “mini jupe” xinh xắn du nhập từ Luân Đôn mà đối với phái nữ là một món trang phục bắt buộc phải có trong những năm 63, 64, nếu không muôn bị coi là... “quê một cục”! Còn nam ca sĩ Anh Quốc được mến chuộng nhất tại Việt Nam thời đó chắc chắn phải là Cliff Richard với những nhạc phẩm tươi vui như “The Young Ones”, “We Say Yeah!” hay “Summer Holiday”... hoặc nhẹ nhàng, êm ái như “When The Girl In Your Arms”, “Bachelor Boy”, “Lessons In Love”...

Elvis Phương say sưa biểu diễn, nhận được nhiều ái mộ của người nghe nhạc

Đến khi tứ quái Beatles được biết đến, thì giới trẻ Việt Nam cùng một lúc lên... cơn sốt với giới trẻ khắp nơi trên thế giới. Cũng từ đó ngôi bá chủ của nhạc Pháp cũng bắt đầu tụt dốc, tuy nhiên vẫn còn một số tên tuổi còn được giới trẻ Việt Nam dành cho nhiều ái mộ, đặc biệt với trường hợp của Christophe, rất nổi tiếng với nhạc phẩm “Aline”. John, Paul, George và Ringo với mái tóc dài đã đè bẹp tất cả những tên tuổi trước đó được biết đến tại Việt Nam và đẩy họ xuống hàng thứ yếu. Những ca khúc bất hủ của Tứ Quái như “She Loves You”, “I Saw Her Standing There”... trong thời kỳ đầu tiên đã chinh phục tất cả giới trẻ khắp năm châu, ngay cả giới trẻ ở bên kia bức màn sắt như Nga Sô, Ba Lan, Tiệp Khắc hay Đông Đức. Tại miền Bắc Việt Nam, cũng có những người trẻ tuổi đã cùng nhau lén lút hát những nhạc phẩm của Tứ Quái hoặc đã từng sắm đàn địch chơi nhạc Shadows.

(còn nữa)

Tham Khảo:

She loves you/The Beatles

https://www.youtube.com/watch?v=BOuu88OwdK8