VĂN HÓA

Kỳ 9: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 22-02-2019 • Lượt xem: 24221
Kỳ 9: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Tại miền Nam Việt Nam dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm, những vụ bắt bớ sư sãi và sinh viên học sinh xuống đường xảy ra liên tiếp đưa đến vụ tự thiêu của thượng tọa Thích Quảng Đức vào ngày 11 tháng 6. Mọi người sống trong phập phồng lo âu. Các phương tiện giải trí như phòng trà, vũ trường đều bị đóng cửa ban đêm cùng một lúc lệnh giới nghiêm được ban hành.

Gần cuối năm, một ngày sau cuộc đảo chính 01.11.63, tổng thống Ngô Đình Diệm và em trai là Ngô Đình Nhu bị thảm sát. Chưa đầy 3 tuần lễ tiếp theo, tổng thống Kennedy cũng bị thiệt mạng tại Dallas. Tất cả những sự kiện và biến chuyển đó, những tên tuổi đó, tôi và các bạn cùng lớp đều được biết qua báo chí hoặc qua những câu chuyện của người lớn.


Riêng trong lĩnh vực ca nhạc và điện ảnh thì tôi rành rẽ hơn cả. Với số tuổi 17, ý thức về chính trị chưa hề có nơi tôi. Những diễn biến, xáo trộn của một năm 63 đầy biến cố đối với tôi đều là những chuyện của... người lớn, chả cần phải để ý làm gì cho mệt. Lớp tuổi ham vui, ngoài việc học chỉ biết đến ca nhạc và... đào địch. Cũng khoảng từ giữa năm 63, nhờ Teenager's Club tôi quen được với một nhóm nữ sinh Trưng Vương, sau đó trở thành rất thân thiết, như chị em Minh Hạnh (Dung, Mai..), Chu Mai, Lệ  Quân... Những cô bạn gái dễ thương này đã kết hợp với chúng tôi thành một nhóm khá đông đảo, cũng đi nhảy, đi nhót, đi ăn “cà lem” và “xi la ma” như bất cứ... người lớn nào, mặc dù lúc nào cũng đã tự nhận mình là người lớn. Ai coi là trẻ con thì mặt mũi câng câng ngay lên. Mỗi anh có cảm tình với một cô, gọi là cặp kè cho có cặp, có đôi mà chẳng hề có... mưu đồ đen tối nào khác. Anh nào cũng tự coi mình là anh hùng, hảo hán nhưng chẳng may có lần đi chơi gặp đám du đãng chặn đường cũng... té đái ra quần!

 

Học sinh Trưng Vương thập niên 60

 

Với tính khoái bắt chước những đàn anh dạn dày kinh nghiệm chiến trường tình ái, mấy đứa chúng tôi cũng bày vẽ ra đón em trước cửa trường, cũng tặng bông hồng này nọ. Noel hay tết nhất, và nhất là sinh nhật không sao thiếu được màn “cống hí”. Tiền dành dụm trong mấy dịp này được tung hê ra xài thả dàn để sau đó “thắt lưng buộc bụng” dài dài sau khi đi theo chủ trương là càng “công hỉ” xộp bao nhiêu, càng dễ lấy cảm tình các nàng bấy nhiêu. Mấy cây me trước cửa Trưng Vương cũng đã một thời cho chúng tôi núp bóng để đứng chờ các “nàng”. Thời gian dựa gốc cây me chờ đào của chúng tôi không thấm tháp vào đâu với anh chàng Tiến Chỉnh cùng nhóm và cũng là tay đờn bass của những ban nhạc trẻ nổi tiếng một thời là The Teddy Bears và The Spotlights.

 

Rạp Hưng Đạo ngày đó

 

Chàng này mê mệt một cô nữ sinh Trưng Vương, được coi như hoa khôi trường, nên ra sức “cua” ráo riết. "Sì tin" của Chính theo chiến thuật “gây ấn tượng”. Liên tiếp hơn 3 tháng trời ròng rã, ngày nào chàng cũng ra dựa gốc me vào giờ tan học để chờ người tình chưa hề quen biết từ cửa trường bước ra. Chỉ nhìn thấy nàng và được nàng nhìn lại là Chỉnh ta lẳng lặng bước đi, như một anh “Django” chính hiệu, mặt lạnh như tiền. Chàng lý luận về “sì tin gây ấn tượng” như sau: làm như thế “nó” mới để ý mình, cứ xông lại tán “búa xua” thì xưa quá rồi. Cứ kiên trì như vậy chừng một tuần lễ, sau đó lặn đi một ngày không ra cửa trường để làm “hòn vọng nữ” thì chắc chắn “nó” sẽ thắc mắc tự hỏi sao hôm nay không thấy mình đứng chờ như thường lệ. Làm vài lần như vậy, bảo đảm “nó” sẽ có ấn tượng về mình. Hơn nữa, ta cứ nhìn “nó” xong rồi “nó” bị tự ái và tự hỏi “quái, sao mình đẹp thế này mà nó cứ lờ đi, chẳng hỏi han gì cả, tức muốn chết!”.

 

Chiến thuật “gây ấn tượng” thế mà cuối cùng đã thành công một cách mỹ mãn, nhưng chỉ được một thời gian Chỉnh cũng lâm vào tình trạng “Em ơi, tiếng pháo vui như vô tình xé nát tim anh”. Lời ca của bản nhạc tôi không nhớ tựa này tôi thuộc lòng khi thỉnh thoảng cuối tuần cùng với nàng Chu Mai trong nhóm Trưng Vương và cả bọn kéo nhau đi nhót “matineé” ở Olympia gần rạp Vĩnh Lợi. Nói là đi nhảy đầm cho xôm, thật ra chỉ chuyên trị Slow và Boston cho dễ dàng chân cẳng, lâu lâu ra Twist vài bổn cho có với thiên hạ. Chính ra chỉ mượn cớ ôm đào, tưởng tượng đủ thứ chuyện. Nào là đang ôm em đây, một ngày nào đó em “ô rờ lui” đi lấy chồng, chắc anh buồn thấy bà. Nào là tưởng tượng gần nhà em trong xóm, có một tên đáng ghét, tối ngày đá lông nheo em và em sẽ nghe lời rủ rê đường mật của nó làm anh tức ứa gan. Nào là em chê anh nghèo, em thay trắng đổi đen, mê cảnh giàu sang phú quý nên đã ra đi không một lời từ biệt.

 

Cổng trường Trưng Vương

 

Chẳng biết tại sao ở tuổi 17, 18 mà tôi lại khoái tưởng tượng những cảnh ủy mị, ướt át, não nùng đến như vậy, không khác gì nội dung được diễn tả trong những bài hát thuộc loại “tình cảm phổ thông”, thường được gọi nôm na là nhạc “sến” rất thịnh hành. Phải công nhận mấy ông nhạc sĩ đặt lời nhạc “tình cảm phố thông” thật tài tình, đánh đúng phóc vào tâm lý người nghe bằng những lời ca rất giản dị và gần gũi với thực tế. Hồi trẻ chỉ chuyên nghe nhạc ngoại quốc thế mà nhạc “tình cảm phổ thông” thấm vào đầu óc lúc nào không biết.

 

Năm 1964 cũng là năm tôi đang học lớp 2nd ở Taberd sau khi đã may mắn chớp được mảnh bằng B.E.PC (thường được gọi là bằng Brevet, tương đương với bằng Trung học Đệ Nhất cấp bên Chương trình Việt) vào năm 63. May mắn ở chỗ đã kịp thời theo học một “cours particulier” (lớp tư, dạy luyện thi) của giáo sư Phan Thế Khôi trên đường Trần Quí Cáp về môn Toán. Có rất nhiều lớp dạy luyện thi nổi tiếng khác như “cours” của ông Chánh,  ông Từ... nhưng sở dĩ tôi chọn lớp của giáo sư Phan Thế Khôi vì 2 lý do: thứ nhất là người nhà, tôi gọi ông Khôi là anh họ. Thứ hai là giá học phí có phần đặc biệt hơn những người anh em khác. Thoạt đầu tôi là học sinh Taberd duy nhất theo học lớp luyện đặc biệt này, sau đó mới lôi kéo thêm một vài tên bạn học cùng lớp khác theo học cho... vui. Trong số đó có Chu Văn Hải (tức - Phương, một producer của đài VOA hiện nay). Ngoài ra toàn học sinh Jean Jacques Rousseau và Marie Curie. Tôi còn nhớ được tên của một số bạn như Chánh (con ông chủ nhiệm báo Lẽ Sống), Vũ Lê Cương (cháu ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu, hiện là bác sĩ chuyên khoa về tim ở Paris), Sĩ Hiệp, Sĩ Hùng (con ông Trần Sĩ Nghi, bao thầu tất cả những... cột đèn điện ở Việt Nam), Trí (con ông chủ rạp Hưng Đạo, Đỗ Đức Nhuận, chuyên sưu tầm về máy bay, một thời làm việc cho Trung tâm Nguyên tử Lực Âu Châu)... Về phái nữ, tôi chỉ chú trọng đặc biệt đến cô Đào và cô Ánh. Cô Đào da ngăm đen, tóc đuôi ngựa rất có duyên. Cô Ánh nhu mì, thon thả và học giỏi nhất lớp. Bọn chúng tôi lấy đề tài từ hai cô học sinh Marie Curie này để mỗi khi gặp nhau đều cất tiếng hát “Cô Đào, cô Ánh, hai cô anh thích cô nào?”. Tôi luôn trả lời bằng câu “tôi thích cô Đào, mặt cô ấy hơi tròn tròn” vừa vần vò lại đúng ý mình.

 

Quyển sách dạy toán của tác giả Le Bossé đã hành hạ tôi không ít khi theo học lớp luyện thi này. Nhưng cũng chính nhờ nó tôi đã đậu được B.E.PC mặc dù kết quả chỉ được 2 điểm quá ư là khiêm nhường, sau khi toát mồ hôi hột trong giờ thi, được tổ chức tại trường Jean Jacques Rousseau. Nếu không theo học lớp này chắc chắn đã lãnh một con số không to tướng, nên dù các môn khác có giỏi cách mấy cũng theo chân ông Tú Xương mà đi đứt. Nhờ 2 điểm toán mong manh đó, tôi đã dùng những điểm cao của các môn thi Anh Văn, Pháp Văn và Việt Văn để bù lại nên đã được... bảng hổ danh đề như ai.

 

(còn tiếp)