VĂN HÓA

Kỳ công nghề làm nón lá ở Huế

Cẩm Chi • 24-05-2023 • Lượt xem: 1784
Kỳ công nghề làm nón lá ở Huế

Từ lâu, chiếc nón lá bài thơ đã trở thành biểu tượng của xứ Huế dịu dàng và đôn hậu. Thế nhưng hơn cả một vật dụng che nắng che mưa đơn thuần, những chiếc nón ẩn chứa cả một tác phẩm nghệ thuật với sự sáng tạo, khéo léo, tỉ mỉ và tâm tình của người nghệ nhân.

Nghề làm nón lá đã xuất hiện ở Huế hàng trăm năm nay với nhiều làng nón như Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Mỹ Lam, Sịa... Trong đó Tây Hồ (bên bờ sông Như Ý, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, cách thành phố Huế chừng 12 km) là cái tên nổi bật bởi đây chính là nơi xuất xứ của chiếc nón bài thơ nổi tiếng. Vào năm 1960 ông Bùi Quang Bặc là một nghệ nhân có ý tưởng đã ép những câu thơ lên trên hai mặt của nón lá để tăng thêm nét đẹp của chiếc nón Huế.

Bên cạnh đó, nổi tiếng với nghề chằm nón gần 160 năm là làng nón Mỹ Lam nằm ven sông Như Ý, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, cách trung tâm Huế 8km về phía Đông. Làng vẫn giữ được nghề chằm nón với khoảng 80% số hộ trong làng vẫn theo nghề truyền thống của ông bà. Chính từ lúc đó các khu làng nghề này được lưu giữ cách làm nón vô cùng công phu, tỉ mỉ và đặc biệt trên những chiếc nón là những câu thơ hay nói về sông nước, đất nước Việt Nam.

Nghề làm nón được lưu giữ nhiều đời tại các làng nghề ở đất cố đô

Đặc trưng riêng của nón Huế là sự mỏng manh, hài hòa, cân đối với dạng chóp nhọn, vành rộng vừa phải, vừa mềm mại lại bền chắc, có màu trắng sáng đặc trưng, hòa lẫn trong màu xanh nhẹ nhàng. Một chiếc nón lá đơn sơ, mộc mạc tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại vất vả, kỳ công, đòi hỏi cả một nghệ thuật, đầy công phu của nghệ nhân. Người làm phải thực hiện khoảng 15 công đoạn từ lên rừng hái lá, sấy lá, chọn lá, ủi lá, cắt lá, xây độn vành, chằm, nức vành, cắt chỉ cho tới đính soài, phủ dầu, phơi nắng...

Công đoạn kết lá lên vành nón

Lá được chọn thường là lá dừa hay lá gồi xanh nhạt, lá non của cây Bồ Qui Diệp…Chúng được đem về phơi sương, nức vàng và ủi nhiều lần cho thật thẳng và thật láng. Tiếp theo là người thợ chuẩn bị khung chóp từ 16 nan tre vót nhỏ để chằm. Đặc biệt, chằm nón với thao tác công phu ở kỹ thuật tạo hình và cắt chữ trên giấy màu đậm (màu tím, đỏ...), xếp cân đối giữa hai lớp lá để tăng thêm phần mỹ thuật và nét duyên dáng. Biểu tượng ẩn hiện trong nón lá bài thơ thường là hình ảnh của cầu Trường Tiền, núi Ngự Bình, cầu ngói Thanh Toàn, Ngọ Môn, Phu Văn Lâu… và một số câu thơ viết về Huế, nổi bật giữa màu nền trắng của nón.

Khung chóp chắc chắn để chằm nhiều lớp lá nón

Nón Huế bao giờ cũng được làm từ hai lớp, người thợ phải khéo léo chêm lá không bị chồng lên nhau nhiều lớp, giúp nón mỏng và thanh, sau đó múi nối sợi móc được dấu kín, khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy đều tăm tắp những mũi khâu mịn màng. Chiếc nón hoàn thành khi sợi móc len theo từng mũi kim qua 16 lớp vòng. Bước cuối cùng phủ dầu nhiều lần, phơi đủ nắng để nón vừa đẹp vừa bền.

Nghệ nhân sáng tạo, vẽ tranh tạo sự sinh động cho nón lá

Hiện nay, nón Huế, ngoài nón 3 lớp, nón bài thơ, nón lá kè, sự sáng tạo của các nghệ nhân Huế đã cho ra đời thêm nón lá Bàng, nón lá Sen và nón Trúc chỉ. Ngày nay để làm đẹp thêm cho chiếc nón, những người thợ làm nghề còn ép vào đó cả tranh về sông Hương, núi Ngự cạnh bài thơ.

Trong đó, nón làm từ lá bàng rừng trong suốt được làm với sự kỳ công gấp nhiều lần nón thường. Lá bàng rừng để làm nón phải dày, gân lá phải cứng, Mặt lá không rách, không sâu. Lá bàng tươi được nấu 1 tiếng rưỡi trong baking soda (bột nở) để chuyển thành washing soda, mục đích nhằm loại bỏ mùi hôi. Sau đó, lá được ngâm thêm 1 tháng rưỡi mới được mang ra làm sạch.

 

 Nón lá sen, lá bàng là sáng tạo độc đáo của nghệ nhân Huế

Khi thời điểm thích hợp, ông bắt đầu chải hết phần mục để lấy xương lá, công đoạn này cần sự tỉ mỉ và kiên trì vì mọi thứ đều phải thực hiện bằng tay, nếu không cẩn thận chải lá đúng góc độ thì lá sẽ bị rách. Khi đã có những chiếc xương lá hoàn hảo thì sẽ ghép lên nón rồi mang đến cho thợ để chằm nón. Công đoạn cuối sẽ là bước chống ẩm, chống thấm để tránh mốc và giữ nguyên vẻ đẹp tinh khôi của chiếc nón lá. Những chiếc nón từ bá làng rừng bền chắc như nón lá truyền thống.

Nón lá được người nước ngoài thích thú và chọn làm quà tặng

Ban đầu, nón bài thơ chủ yếu được làm để tặng người thân. Do du lịch phát triển mạnh ở Huế, nón lá trở thành mặt hàng lưu niệm mang nét văn hóa đặc sắc của Huế được du khách ưa chuộng. Rất nhiều du khách đã về tận các làng nón để được tận mắt chứng kiến và tham gia vào các công đoạn của nghề làm nón. Du khách có thể tới các chợ trung tâm hay các cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Huế để mua nón lá, hay ghé chợ Dạ Lê với đủ các nguyên liệu cần thiết cho nghề chằm nón như lá nón, kim chỉ, vành, khuôn nón. Dạo một vòng quanh chợ tìm mua chiếc nón, bạn còn cảm nhận được phong cách sống mộc mạc và tình yêu với nón lá của người dân nơi đây.