VĂN HÓA

Lá hát như mưa - Tạm biệt là đến bao giờ?

Diên Vĩ • 10-12-2024 • Lượt xem: 663
Lá hát như mưa - Tạm biệt là đến bao giờ?

Ta phải làm gì để chờ đợi một ngày mai, mà không biết ngày mai đó khi nào mới đến?

Trong gần 3 tiếng đồng hồ của chúng ta là 30 năm của Hạ và Nghĩa. Ba mươi năm của sự chờ đợi, và là 30 năm của sự tranh đấu giữa sự hy vọng và sự tuyệt vọng của không chỉ xoay quanh hai nhân vật chính mà còn của tất cả các nhân vật trong vở kịch "Lá hát như mưa" của Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn mang lại.

Poster chính thức của "Lá hát như mưa" - Ảnh: Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn

Mỗi nhân vật đều có một yếu điểm và chấp niệm riêng. Nghĩa quá kiên trì, Hạ quá tình cảm và ngây thơ, Hiệp và Huệ quá bướng bỉnh, Thảo quá giữ lời hứa, bà Sáu quá thương con… Những cái "quá" đó khắc họa nên một dàn nhân vật vừa chân thực vừa bi thương, khiến Lá hát như mưa trở thành một vở bi kịch về những mảnh đời chồng chất đau khổ. Tất cả, hầu như mọi nhân vật, đều đứng chênh vênh trên ranh giới mỏng manh giữa tuyệt vọng và hy vọng. Mỗi khi chạm đáy bất hạnh, họ lại vùng vẫy, bấu víu vào tia hy vọng nhỏ nhoi, để rồi tiếp tục trói buộc mình trong chuỗi đau khổ dai dẳng. Tất cả đều chờ đợi một câu trả lời từ người khác, nhất là từ sự biến mất đột ngột, đầy bí ẩn của Hạ.

Vở kịch được dàn dựng với cấu trúc thời gian đảo ngược, mở đầu bằng buổi lễ bế giảng năm học 1992 và lời hứa "ngày mai" giữa Hạ và Nghĩa. Thế nhưng, lời hứa đó không bao giờ được thực hiện. Người xem bị cuốn vào dòng chảy thời gian, từ những năm 2022 đầy đau khổ, ngược về các mốc 2009, 2004 – thời điểm Hạ biến mất – để dần khám phá căn nguyên của những bất hạnh đeo bám từng nhân vật. Đến khi trở lại năm 2022, chúng ta không khỏi trăn trở về số phận con người và nỗi đau triền miên của sự chờ đợi.

Dàn diễn viên trong vở "Lá hát như mưa" - Ảnh: Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn

Có những chi tiết rất nhỏ khiến cho tôi cảm thấy bùi ngùi cho những số phận như bức tranh gia đình không mặt mũi của Huệ, hay những chén đậu hũ đắng cay không bao giờ rõ vị ngọt bùi tại ngôi nhà của bà Sáu. Những chi tiết này khiến cho người xem phải trải qua những vòng xoay của cảm xúc liên tục dù chỉ trong tích tắc khi họ kịp nhận ra những sự bất hạnh luôn nằm ở mọi ngóc ngách của cuộc sống. Tôi sẽ không tiết lộ thêm về chi tiết của vở kịch để nếu có cơ hội, các bạn nên trải nghiệm cho chính mình.

Là một vở chính kịch, nhưng các bạn sinh viên đã khéo léo lồng ghép những chi tiết hài hước và yếu tố bí ẩn, mang đến cho khán giả một trải nghiệm đầy cảm xúc suốt ba tiếng đồng hồ. Với tư cách là một người thuộc thế hệ thiên niên kỷ, tôi không khỏi bồi hồi khi được trở về những năm tháng thanh xuân của chính mình. Tình yêu ngây ngô thời học trò không chỉ là những rung động đầu đời mà còn là những kỷ niệm khắc sâu, đồng hành cùng chúng ta trên hành trình trưởng thành. Nhiều lần, tôi nhìn thấy hình bóng quá khứ của mình qua những nhân vật, để rồi nhận ra thời gian đã âm thầm lấy đi không ít những điều quý giá mà mình từng có.

Điều đó dường như giúp tôi hiểu thêm về Hạ, Nghĩa, Sĩ, Cô Tư, Huệ, Hiệp, Hiền, Thảo, bà Sáu và cả Trực. Ai trong chúng ta có thể khẳng định một cách tuyệt đối rằng những gì họ làm trong hoàn cảnh của mình là sai? Ai có quyền phán xét sự ích kỷ hay khát khao hạnh phúc của họ là không chính đáng? Tất cả đều là những mảnh ghép của cuộc đời, những tâm hồn tổn thương đang tìm kiếm sự cứu rỗi giữa dòng chảy của thời gian và số phận.

Một số hình ảnh trong buổi công diễn đầu tiên - Ảnh: Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn

Cái kết của Lá hát như mưa là một cái kết mở và để lại nhiều câu hỏi cho số phận của các nhân vật của chúng ta. Liệu, tạm biệt là cho đến bao giờ? Nhưng… hội ngộ có phải là câu trả lời?

Vẫn như lần trước, những thiếu sót nhỏ trong kịch bản đã được bù đắp bởi nhiệt huyết của các diễn viên trẻ của CLB Kịch khoa Báo chí và Truyền thông của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Không chỉ các bạn diễn viên, mà các bạn hậu cần âm thanh ánh sáng cũng đã có một sự phối hợp rất tuyệt vời để tạo nên một sản phẩm chỉnh chu. Các bạn sinh viên đã thể hiện rất xuất sắc nhân vật của mình từ biểu diễn hình thể và thể hiện cảm xúc, đặc biệt là nhân vật thứ chính như Huệ, cô Tư, và Sĩ. Các bạn tuy không nhiều đất diễn như các vai chính các bạn đã liên tục dạo chơi giữa vui và buồn, giữa chính kịch và hài kịch, và chính sự dạo chơi đó đã tôn lên những cảm xúc của vở kịch. Và tất cả công sức và đóng góp của toàn bộ Ekip đã tạo nên sự đặc biệt cho Lá hát như mưa.

Sân khấu kịch của CLB Kịch khoa Báo chí và Truyền thông của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là sân khấu của các bạn sinh viên và là của các diễn viên kịch không chuyên, nhưng các bạn đã đem lại một sản phẩm hoàn chỉnh và tâm huyết. Được biết vở diễn Lá hát trong mưa là kịch bản nguyên bản của hai bạn Nguyễn Đức Huy và Võ Ngọc Quỳnh Như. Tuy vẫn còn vài chi tiết hơi khiên cưỡng và những khuyết điểm nhỏ trong mỗi vai diễn, nhưng đây là một trải nghiệm chỉn chu, đặc biệt là một câu chuyện đầy đủ và liền mạch hơn so với vở “Buồn hết đêm nay” mà chính các bạn đã chuyển thể từ tác phẩm “Thư” của Higashino Keigo vào năm 2023.

Chúng tôi vô cùng vinh hạnh được tham gia buổi diễn đầu tiên của các bạn sinh viên CLB Kịch khoa Báo chí và Truyền thông của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nếu bạn đọc có hứng thú hay đôi chút tò mò thì hãy liên lạc với các bạn qua fanpage và đặt vé vào hai buổi còn lại vào ngày 15 và 20 tháng 12. Chúng tôi tin chắc bạn cũng sẽ có những trải nghiệm khá thú vị như chúng tôi.

Xin cảm ơn các bạn sinh viên CLB Kịch khoa Báo chí và Truyền thông của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và xin hẹn được gặp lại các bạn vào các tác phẩm sau.


Tag: