VĂN HÓA

Làm thế nào để trẻ thích đọc sách?

Yellowly • 24-07-2022 • Lượt xem: 861
Làm thế nào để trẻ thích đọc sách?

Chúng ta thường hay nghe người ta nói với một đứa trẻ hãy ăn nhiều, ngủ nhiều thay vì hãy đọc nhiều, chiêm nghiệm nhiều. Tất nhiên ăn, ngủ chính là những nhu cầu tối cần thiết với con người đặc biệt là những đứa trẻ được xem là tuổi ăn tuổi lớn. Thế nhưng, một con người khỏe mạnh, không chỉ là khỏe mạnh về mặt thể chất, mà cả về mặt tâm hồn. Để phát triển trí tuệ và bồi dưỡng tâm hồn thì đọc được các nhà khoa học xếp ở vị trí hàng đầu.

Ai cũng biết rằng đọc sách là một việc vô cùng bổ ích. Sách mang lại nhiều kiến thức thiết thực và nuôi dưỡng tâm hồn cho con người. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề phải làm sao để trẻ đọc sách là chưa đủ. Mà phải làm sao để trẻ thích đọc sách và duy trì được thói quen đọc mới là cách toàn diện và hiệu quả.

Dưới dây là một số cách tiêu biểu để cha mẹ có thể từ từ mà dẫn dắt con bước vào con đường đọc sách “gian nan vạn dặm” này:

Phụ huynh chính là phương pháp hiệu quả nhất

Con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Cha mẹ và ngôi nhà chính là thế giới xung quanh mà trẻ tiếp xúc đầu tiên và nhiều nhất trong những năm đầu đời. Trẻ con sẽ tiếp thu những thói quen, hành động của cha mẹ, sau đó bắt chước lại như những gì mình đã quan sát. Nên để đứa trẻ muốn đọc sách, trước tiên, chúng phải thấy cha mẹ thường xuyên đọc sách. Hơn nữa, trong nhà cũng cần phải có không gian trưng bày những cuốn sách, hoặc chí ít có sự xuất hiện của cuốn sách thì mới có thể bước đầu làm cho con chú ý đến đọc sách. Xin dẫn một lời mà tác giả Hoàng Anh Đức đã viết trong cuốn sách “Readology: Đọc thế nào?” : Nếu bạn muốn nuôi dưỡng một độc giả, hãy trở thành một độc giả!

Gợi ý trẻ tìm những câu trả lời trong sách

Trẻ con luôn tò mò về thế giới xung quanh và muốn khám phá những điều mới lạ. Chắc hẳn phụ huynh nào cũng đã nghe con hỏi ti tỉ điều từ đơn giản đến phức tạp. Thông thường cha mẹ sẽ dùng sự hiểu biết của mình để giải đáp các thắc mắc đó. Nhưng để tận dụng cơ hội cho trẻ đọc sách, hãy thử khuyến khích trẻ tìm kiếm câu trả lời, thông tin trong các cuốn sách. Như vậy vừa giúp trẻ có thêm nhiều kiến thức mới, vừa giúp chúng cảm thấy lợi ích của việc đọc sách. Từng chút từng chút tạo thành thói quen, khi cần tìm hiểu vấn đề nào đó, bé sẽ tự tìm kiếm trong các cuốn sách xung quanh mình.

Đọc sách là một trò chơi có quà

Việc đọc sách có thể trở thành một nỗi sợ của trẻ nếu chúng bị ép buột phải làm thế. Cho nên việc khơi gợi sự thích thú nơi trẻ là rất quan  trọng.

Cha mẹ có thể biến việc đọc sách trở thành một trò chơi hoặc thử thách nhỏ, nếu con hoàn thành, sẽ được nhận lời tán thưởng hoặc một món quà nhỏ. Ví dụ, cha mẹ và bé cùng nhau lập ra một danh sách những cuốn sách mà bé muốn đọc. Cho bé lần lượt đọc từng cuốn một trong một khoảng thời gian nhất định. Sau khi hoàn thành bé sẽ tự tích vào danh sách. Cha mẹ sẽ có một lời khen ngợi hoặc , phần quà cho bé. Như vậy con sẽ cảm thấy mình đã vượt qua được một thử thách hay đạt được một thành tựu đáng tự hào. Hoặc đơn giản chỉ là một trò chơi dùng sách làm đạo cụ như là xếp sách theo màu, xây tháp từ sách,… Cha mẹ có thể sáng tạo nhiều kiểu trò chơi khác nhau để con có nhiều cơ hội tương tác với sách.

Sách nói cũng là một lựa chọn hữu ích

Những năm gần đây, bên cạnh sách giấy truyền thống, sách nói cũng đang dần trở nên phổ biến và là sự lựa chọn của nhiều  phụ huynh. Sách nói mang lại nhiều lợi ích như sự tiện lợi, có thể nghe mọi lúc mọi nơi mà không phải đem theo quá nhiều sách. Việc này cũng giúp giải phóng đôi mắt cho trẻ, giảm áp lực tập trung vào thị giác khi phải nhìn quá lâu. Điều quan trọng là sách nói ngoài phần nội dung chính, còn có các âm thanh phụ họa sống động giúp trẻ con thích thú và giảm bớt sự nhàm chán. Nó cũng rất có ích đối với những phụ huynh có con còn bé chưa rành mặt chữ, việc đọc nhiều chữ có thể gây khó khăn cho con. Cho nên cũng nội dung như vậy, thì nghe lại dễ dàng tiếp thu hơn.

Sách nói cũng mang lại những lợi ích tương tự như sách giấy truyền thống như cung cấp kiến thức,  nâng cao trí tưởng tượng và sáng tạo của bé. Tuy nó chưa thể thay thế hoàn toàn sách giấy nhưng vẫn là một hình thức bổ trợ hoàn hảo.

Con sẽ có thể đi được xa hơn nếu có bạn đồng hành

Người bạn đồng hành với con trong suốt quãng đường đời không ai khác đó là cha mẹ. Trên hành trình đọc sách đôi lúc có những đoạn bỗng nhiên con cảm thấy thật khó khăn. Nó có nhiều nguyên nhân như chưa đủ sự kiên trì, dễ nản và bỏ cuộc. Việc tiếp cận các kiến thức mới lạ nằm ngoài sự hiểu biết thông thường của con cũng làm con thấy khó để hiểu và khó tiếp thu được. Những lúc này rất cần sự đồng hành của cha mẹ. Hãy dành thời gian đọc cùng con. Phụ huynh sẽ phát hiện ra ngay có những từ ngữ, kiến thức con chưa được trang bị, sau đó giải đáp cho con phần đó. Ngoài ra, sau khi kết thúc một cuốn sách, hãy hỏi con đã đọc được những gì, hoặc bàn luận về một nhân vật bất kỳ mà con yêu thích trong sách. Việc này giúp con nhớ lâu hơn, và trên hết là cảm thấy việc đọc sách trở nên thú vị hơn vì có người để chia sẻ những tâm tư của mình với cuốn sách hoặc câu chuyện mình đã đọc.

Lợi ích của việc đọc sách mang lại là hết sức to lớn. Nói một cách khoa trương là có thể giúp con vượt qua những ngày tháng u tối, tìm được lẽ sống trong cuộc đời. Còn nói một cách đơn giản, việc đọc sách cất cao trí tưởng tượng của con, vì mọi thứ chỉ nằm trên con chữ. Bồi dưỡng tâm hồn con phong phú và lành mạnh. Một tòa tháp hùng vĩ được xây nên từ những viên gạch nhỏ. Hy vọng cha mẹ chính là người đặt những viên gạch đầu tiên, nhỏ nhưng chắc chắn, rồi từ đó từng bước một giúp con xây nên tòa tháp hùng vĩ nhất của mình.