VĂN HÓA

Lan toả nét đẹp người phụ nữ qua triển lãm 'An & Huy'

Thanh Mai • 20-08-2022 • Lượt xem: 2504
Lan toả nét đẹp người phụ nữ qua triển lãm 'An & Huy'

Sau “Men đàn bà”, đôi vợ chồng hai họa sĩ Đặng Thị Thu An và Nguyễn Đức Huy tiếp tục chiếm trọn tình cảm của những người mộ điệu trong triển lãm chung lần hai mang tên “An & Huy”. Khai thác sâu về đề tài người phụ nữ, các tác phẩm của An và Huy ở triển lãm lần này đã để lại dư âm khó quên và gợi nhiều cảm xúc. Bởi mỗi bức tranh là một nhân vật mà ẩn sâu bên trong đó chứa đựng những tâm tư, bí mật rất đời của người đàn bà.

“Chung” mà “riêng”

Được biết, đôi uyên ương đều có cùng quê quán là Đồng Hới (Quảng Bình) cũng như đã có khoảng thời gian cùng theo học tại Trường Đại học Mỹ thuật Huế. Sau đó ra trường làm cùng nghề và nên duyên với nhau về cùng một nhà. Tiếp theo đó, họ lại tìm ra tiếng nói chung trên con đường nghệ thuật và quyết định theo đuổi lâu dài để tạo nên tính nhất quán. Đó là về hình tượng vẻ đẹp của người phụ nữ Việt.

Tuy nhiên, trường phái tranh mà Thu An và Đức Huy lựa chọn theo đuổi lại trái ngược nhau. Tranh Thu An mang hơi hướng hiện thực, còn tranh của Đức Huy lại tập trung lột tả vẻ đẹp trừu tượng của người phụ nữ. Cảm hứng sáng tác của cả hai cũng rất riêng biệt, được hình thành từ những ý tưởng và chất liệu khác nhau. Thế nhưng, hai sự đối lập này lại mang tính xây dựng thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển bởi ở họ luôn tồn tại sự đồng cảm và chia sẻ. Nói về điều này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cũng nhận thấy rằng tranh An và Huy luôn tồn tại sự nhường nhịn nhau, và chính điểm mạnh đó chắc chắn sẽ tạo nên điểm đặc biệt.

Tranh “An” – nét đẹp người phụ nữ cá tính

Cảm hứng sáng tác của Thu An mang ảnh hưởng từ phong cách tranh của các danh hoạ tên tuổi như Mai Trung Thứ và Lê Phổ… Từ đó kết hợp thêm những cảm nhận cá nhân của riêng nữ họa sĩ về các đường nét và biểu cảm. Tạo hình người phụ nữ trong tranh của chị biết xen lẫn giữa vẻ đẹp thời đại nhưng đồng thời vẫn nêu bật được cốt lõi giá trị văn hoá truyền thống. Cách sử dụng màu sắc cũng đầy cá tính và năng động khi chú trọng lựa chọn những vệt màu sáng, mang gam màu tươi tắn, trong trẻo hoà trộn tinh tế. Nhờ vào năng lực hình họa cũng như kỹ thuật thành thạo, đường nét của nhân vật trong tranh cũng nhẹ như bay tạo nên những bố cục mới mẻ.

Ở các tác phẩm của Thu An, không khó để nhận ra rằng các bức tranh đều mang hình tượng những người thiếu nữ mặc trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam – áo dài. Được biết, điểm đặc biệt từ cảm hứng sáng tác này bắt nguồn từ không ai khác mà từ chính ba người con gái của chị. Nữ hoạ sĩ cũng chia sẻ thêm rằng thực chất đã theo đuổi dòng tranh này được 10-15 năm, từ những ngày chị còn ở Huế và ngắm nhìn được sự dịu dàng của nàng thơ xứ Huế. Vẻ đẹp ấy ngấm ngầm ăn sâu vào tâm trí chị, tạo mạch cảm xúc để theo đuổi dòng tranh về thiếu nữ và phát triển nó mãi về sau.

Tranh “Huy” - ẩn chứa vẻ triết lý trầm tư

Nếu tranh của Thu An mang những tâm tình được bộc lộ rõ ra ngoài thì tác phẩm của Đức Huy lại chứa đựng những gì trầm lắng, dung dị hơn. Anh tìm thấy được nghệ thuật không ở đâu xa mà ở ngay trước tầm mắt, ở nơi người vợ, người bạn đời của mình. Vì vậy các tác phẩm của nam hoạ sĩ sau này bắt đầu tập trung vào hình ảnh những người đàn bà tròn trịa kiểu Botero.

Mặt khác, điểm nhận diện ở bước đi thay đổi hoàn toàn mới trên hành trình sáng tác của anh chính là tập trung khai thác, tìm cảm hứng và cách biểu đạt về bản ngã, tâm tư của người phụ nữ giữa những mối quan hệ đa đoan mà họ phải đối diện hàng ngày trong cuộc sống.

Nam danh họa cũng giải thích rằng người phụ nữ trong tác phẩm của anh mang vẻ biểu tượng để xây dựng liên kết chứ không lột trần hẳn những gì họ có ra vẻ bên ngoài. Điều này tạo nên dấu ấn riêng, mạnh mẽ, trầm lặng và không hề phô trương. Chúng tựa như những tiếng nói thầm kín, sâu sắc, cần nhiều hơn để có thể giãi bày sao cho chân thực nhất.