VĂN HÓA

Lăng mộ các vị khai quốc công thần nhà Nguyễn ở Sài Gòn

Cẩm Chi • 16-08-2022 • Lượt xem: 1369
Lăng mộ các vị khai quốc công thần nhà Nguyễn ở Sài Gòn

Nơi an nghỉ của những bậc đại thần nhà Nguyễn (Võ Tánh, Võ Di Nguy, Trương Tấn Bửu, Lê Văn Duyệt) được bảo tồn khá nguyên vẹn ở các khu dân cư đông đúc tấp nập người qua lại mỗi ngày. 

Quá trình hình thành, phát triển Sài Gòn gắn liền với triều đại nhà Nguyễn. Chín đời chúa Nguyễn khai khẩn miền Nam và đặt những viên gạch đầu tiên. Sau đó, Hoàng đế Gia Long (và 12 đời vua kế vị) đã phát triển thành Gia Định (Sài Gòn xưa) lên một tầm cao mới. Vì lẽ đó, Sài Gòn có nhiều kiến trúc được xây dựng để tưởng nhớ công lao mở mang bờ cõi của các bậc tiền nhân triều Nguyễn.

Lăng Võ Tánh – vị tướng tuẫn tiết theo thành Bình Định

Là một trong những tướng quân tâm phúc bậc nhất của hoàng đế Gia Long, thế nhưng Võ Tánh bất hạnh khi không thể nhìn thấy vinh quang chiến thắng sau cùng. Sinh năm 1768 tại Biên Hòa, từ nhỏ ông đã có năng khiếu và yêu thích tập luyện võ nghệ. Lớn lên nhằm lúc chiến loạn, Võ Tánh nhờ võ nghệ cao cường cùng khả năng lãnh đạo đã tụ tập nhiều trai tráng trong vùng lập nên nghĩa quân nhằm bảo vệ xóm làng.

Lăng mộ tướng quân Võ Tánh nằm trong một con hẻm đường Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận).

Khi chúa Nguyễn Phúc Ánh (Hoàng đế Gia Long sau này) chiêu mộ binh lính chiến đấu với nhà Tây Sơn để khôi phục đất cũ thì ông kéo quân đến hội binh (năm 1788). Bằng tài năng quân sự kiệt xuất, Võ Tánh thăng chức rất nhanh và được trao những trọng trách quan trọng.

Năm 1799, ông theo chúa Nguyễn tiến đánh thành Bình Định và sau đó được trao nhiệm vụ trấn giữ nơi này. Năm 1801, quân Tây Sơn dồn đại quân vây thành tứ phía. Lãnh đạo binh lính dưới quyền giữ thành trong nhiều tháng liền cho đến khi cạn lương thực, ngài đã tuẫn tiết theo thành khi vừa tròn 33 tuổi.

Mộ Võ Quốc Công (đời vua Minh Mạng đã truy phong ông tước hiệu Quốc Công) nằm ở hẻm số 19 đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận.

Hoàng đế Gia Long tiếc thương vị tướng tâm phúc nên đã cho xây lăng mộ ông tại Gia Định. Tuy nhiên, nơi này chỉ là mộ gió. Vì ngài tuẫn tiết theo thành bằng cách cho nổ thuốc súng, vậy nên không còn di hài.

Lăng và đền thờ đức Bình Giang quận công Võ Di Nguy

Cùng số phận như Võ Tánh, Võ Di Nguy cũng là một tướng tâm phúc khác của Hoàng đế Gia Long. Và ông cũng tử trận (cùng năm với Võ Tánh)  trước khi chúa Nguyễn Ánh giành được chiến thắng cuối cùng.

Khác với vị tướng trẻ cùng họ, Võ Di Nguy sinh năm 1745 (tại Huế) và theo binh nghiệp từ nhỏ. Ông từng là sĩ quan thủy quân phục vụ dưới trướng Định Vương Nguyễn Phúc Thuần. Sau khi Tây Sơn lật đổ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, ông lãnh tàn quân vào nam quy thuận huyết mạch hiếm hoi còn sống sót của nhà Nguyễn, ấu chúa Nguyễn Phúc Ánh.

Mộ Bình Giang quận công Võ Di Nguy nằm ở số 19 đường Cô Giang quận Phú Nhuận.

Là một sĩ quan dày dạn kinh nghiệm trận mạc và tuyệt đối trung thành, Võ Di Nguy trở thành một tướng tâm phúc của chúa Nguyễn Ánh. Ông thường được giao chỉ huy, huấn luyện các nhánh thủy quân của chúa Nguyễn; nhất là chỉ huy các chiến dịch tiến đánh quân Tây Sơn bằng đường biển.

Năm 1801, khi Hậu quân Võ Tánh bị quân Tây Sơn vây ở thành Bình Định, ông được lệnh cùng chúa dẫn quân tiến ra giải cứu. Và trong chiến dịch đó, khi dẫn hải quân tiến đánh cửa biển Thị Ngại để mở đường cho quân đổ bộ từ biển tiến đến thành Bình Định, Võ Di Nguy đã tử trận. Thi hài ông được chuyển về thành Gia Định và tổ chức tang lễ rất lớn.

Lăng Long Vân hầu Trương Tấn Bửu

Nằm cách con đường nhộn nhịp Nguyễn Văn Trỗi chỉ hơn trăm mét, lăng Long Vân hầu nằm ở số 41 đường Nguyễn Thị Huỳnh, quận Phú Nhuận.

Có thể cái tên Trương Tấn Bửu ít được biết đến ngày nay. Thế nhưng cách đây hơn 200 năm, ông chính là một trong những vị tướng tài năng bậc nhất. Thậm chí tên ông còn được liệt vào một trong ngũ hổ tướng của chúa Nguyễn Ánh.

Nơi yên nghỉ của Trương Tấn Bửu - vị tướng tài năng và kín tiếng bậc nhất của Hoàng đế Gia Long.

Sinh năm 1752 tại Bến Tre, phải đến năm 1787, khi đã 35 tuổi ông mới theo phò tá chúa Nguyễn. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, Trương Tấn Bửu gần như chưa từng thua trận. Và trong số những khai quốc công thần, ông cũng là người sống thọ bậc nhất, an hưởng tuổi già và ra đi trong an bình.

Ông mất năm 1827 tại thành Gia Định (Sài Gòn) và được chính tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt đứng ra tổ chức tang lễ cũng như xây dựng lăng mộ hiện tại.

Lăng Ông Bà Chiểu – nơi an nghỉ của Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt

Nói đến những lăng mộ nổi tiếng ở Sài Gòn thì không thể không nhắc đến lăng của Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt. Ông là công thần số một của Hoàng đế Gia Long và phục vụ trải hai đời vua (Gia Long, Minh Mạng).

Sinh năm 1763, ông theo hầu chúa Nguyễn Ánh từ rất sớm (năm 1781 khi ông mới 18 tuổi). Và trong suốt cuộc đời binh nghiệp, ông chưa từng thua trận, đánh đâu thắng đó. Xét về những đồng liêu cùng phục vụ chúa Nguyễn Ánh, gần như không ai so được công trạng với Lê Văn Duyệt.

Mộ của Tả Quân Lê Văn Duyệt cùng bà Chánh Thất Tả Quân Phu Nhân Đỗ Thị Phẫn.

Hiện nay, lăng ông nằm ở số 1 đường Vũ Tùng (cổng tây tại số 126 đường Lê Văn Duyệt), quận Bình Thạnh. Do từng làm Tổng trấn thành Gia Định nhiều năm cho tới tận lúc qua đời, lăng Đức Ông cực kỳ hoành tráng và được tấp nập khách hành hương nhang khói hàng ngày.

Vào một ngày cuối tuần đẹp trời, nếu bạn chưa có kế hoạch thú vị thì có thể dành thời gian viếng thăm những địa điểm trên. Thắp nén nhang tưởng nhớ tiền nhân. Đồng thời qua đó để tâm lắng lại, tìm sự yên bình sau một tuần làm việc bận rộn mệt mỏi.