VĂN HÓA

Làng Quảng Phú Cầu rộn ràng sắc màu tăm hương hút khách

Lan Hương • 24-03-2023 • Lượt xem: 1008
Làng Quảng Phú Cầu rộn ràng sắc màu tăm hương hút khách

Làng hương Quảng Phú Cầu được biết đến là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch những năm gần đây. Bên cạnh việc lưu lại những bức hình độc đáo, du khách đến với làng nghề hơn trăm tuổi này còn có cơ hội tìm hiểu về nghề tăm hương truyền thống và những giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời của người Việt.

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 35 km, làng hương Quảng Phú Cầu thuộc xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, là địa điểm có lịch sử truyền thống làm hương đã hơn một thế kỷ.

Sức sống làng nghề với tuổi đời hơn trăm năm

Tại quê hương Quảng Phú Cầu, nghề làm tăm hương đã tồn tại từ rất lâu qua bao thế hệ. Dù đã hơn trăm tuổi nhưng trải qua từng năm tháng, nét đẹp làng nghề vẫn được lưu truyền và ngày càng khắc họa rõ nét bản sắc làng quê đồng bằng Bắc Bộ đến tận bây giờ.

Trước kia, làng hương chỉ xuất hiện rải rác ở một vài thôn trong xã, chủ yếu là khu vực thôn Phú Lương Thượng. Thế nhưng chẳng biết từ khi nào, làng nghề đã được lan rộng khắp nhiều thôn như Cầu Bầu, Đạo Tú và cho đến nay là cả một xã Quảng Phú Cầu rộng lớn. Tính đến hiện tại thì 100% người dân trong xã đều làm nghề.

Chia sẻ của anh Nguyễn Đình Đảm, trưởng thôn Cầu Bầu cho biết làm tăm hường từ chỗ là nghề phụ, người nông dân Quảng Phú Cầu tranh thủ lúc nông nhàn rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập thì nay làng nghề đã phát triển mạnh hơn, trở thành nghề chính và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Đến thăm làng nghề, du khách như được hòa mình vào những đóa hoa rực rỡ khoe sắc màu dưới nắng. 

Quy trình tạo nên những bó hương hoàn chỉnh

Làng nghề truyền thống mang những nét đẹp mà nếu chỉ nhìn qua sản phẩm chúng ta khó có thể cảm nhận hết được nét đẹp trong lao động, sự công phu, tỉ mỉ và tâm huyết với nghề.

Từ những bước chân đầu tiên khi bước vào làng, khách tham quan đã nhận thấy được sự tất bật, không khí náo nhiệt của người lao động. Mỗi người mỗi việc, những đôi tay thoan thoắt chẻ vẩu, se hương, nhuộm phẩm… một cách thành thạo được rèn luyện qua bao năm tháng và lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Những âm thanh lạch cạch của tiếng chẻ vẩu, tiếng bó tăm, tiếng máy xẻ, tiếng se hương, tiếng người nói chuyện to nhỏ hòa quyện vào nhau lẫn cả mùi chân hương ngai ngái càng tô đậm thêm nét đặc trưng của làng Quảng Phú Cầu.

Từ khâu bắt đầu đến khâu thành phẩm hoàn chỉnh, mỗi nén hương đều đòi hỏi ở người thợ sự tận tâm và nhiệt huyết với nghề. Nguyên liệu để tạo nên những bó hương cũng cần được lựa chọn cẩn thận, bởi nghề này mang nhiều yếu tố tâm linh.

Tùy từng loại hương khác nhau mà người thợ sẽ lựa chọn những nguyên liệu sao cho phù hợp. Các nguyên liệu làm hương hương thường được dùng như trầm, hoắc hương, tùng, trắc, quế chi, hoa hồi, bạch chỉ, rễ cây hương hoài, than xoan… Đồng thời các khâu từ vót tăm, nhuộm chân nhang, se hương, phơi khô cho đến đóng gói đều đòi hỏi ở người làm nghề sự công phu, tủ mỉ và cẩn thận trong từng chi tiết nhỏ.

Trước kia khi chưa áp dụng máy móc vào sản xuất, các gia đình còn thực hiện theo phương pháp thủ công, ở công đoạn se hương, người thợ phải làm sao lăn thật nhẹ nhàng nhưng chắc tay để bột bám đều vào que hương. Hương sau khi se xong cần được phơi đủ nắng để dùng được lâu mà không bị mốc.

Các nguyên liệu thảo mộc làm hương cần pha trộn theo tỷ lệ đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, bởi thế mà hương của làng Quảng Phú Cầu luôn thơm lâu, đẹp mắt và bền màu.

Ngày nay, với sự tiến bộ của công nghệ, người dân đã áp dụng máy móc trong các công đoạn khiến cho việc sản xuất trở nên nhanh hơn, cho ra sản lượng tăng gấp nhiều lần. Các sản phẩm hương Quảng Phú Cầu không chỉ bán cho các thương lái trong nước mà đây còn là mặt hàng được đón nhận ở nhiều thị trường nước ngoài.

Tăm hương được phơi ở khắp mọi nơi trong làng, từ sân nhà, sân đình đến các bãi đất trống.

Sự kết hợp làng nghề và du lịch

Du lịch làng nghề hiện nay đang được ưa chuộng bởi đây là loại hình du lịch văn hóa tổng hợp về nhiều mặt. Du khách vừa đến tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa có thể mua sắm những sản phẩm đặc trưng.

Làng hương Quảng Phú Cầu cũng đã khai thác được mảng du lịch làng nghề nhờ biết tận dụng cái đẹp, cái bắt mắt của chính công việc người dân trong làng. Để quảng bá, giới thiệu cho du khách biết đến công việc truyền thống của người dân nơi đây, đồng thời tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch bằng cách bài trí những bó tăm hương bắt mắt với nhiều khối hình màu sắc và đầy nghệ thuật, khiến nhiều người phải tìm đến để lưu giữ những bức hình kỷ niệm độc đáo và mua sản phẩm về làm quà hay sử dụng.

Người dân Quảng Phú Cầu phơi hương ở khắp mọi nơi, từ sân nhà đến sân đình, những bãi đất trống.... Những bó hương được bó lại thành từng bó lớn, đầu chụm vào nhau và chân hương xòe ra như những đóa hoa khổng lồ đang bung nở dưới ánh nắng vàng rực tạo nên khung cảnh vô cùng ấn tượng.

Tăm hương ở Quảng Phú Cầu nổi bật với hai màu vàng – đỏ, đây là màu sắc may mắn của phương Đông. Cũng chính nhờ khung cảnh quá đỗi đẹp mắt này, nhiều năm liên nơi đây đã thu hút rất nhiều nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước đến chụp ảnh, đã có rất nhiều tác phẩm về làng hương của nhiều nghệ sĩ đạt được giải thưởng lớn.

Vừa phơi hương, người dân vừa tạo các bó hương hình thành những đóa hoa màu sắc, thu hút sự chú ý của khách tham quan và nhiều nhiếp ảnh gia đam mê nghệ thuật.

Ngoài việc tận hượng khung cảnh đẹp mắt của những đóa hoa nhang, du khách còn có thể ghé thăm các xưởng sản xuất tăm hương lâu đời để tìm hiểu quy trình sản xuất tăm của người dân nơi đây. Để biết được các công đoạn hình thành nên những sản phẩm mang ý nghã văn hóa tâm linh, đồng thời gìn giữ và phát triển được nét văn hóa luôn tìm về cội nguồn dân tộc cho nhiều thế hệ sau này.