VĂN HÓA

Làng rau Trà Quế đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Thanh Trà • 26-07-2022 • Lượt xem: 516
Làng rau Trà Quế đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Làng rau Trà Quế nổi tiếng từ lâu đời với nghề chuyên trồng các loại rau gia vị như hành, húng, tía tô, ngò… Trải dài hơn 400 năm tuổi đời, vừa qua làng rau Trà Quế ở TP. Hội An (Quảng Nam) đã chính thức đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 16/7. 

Sáng 16/7 vừa qua, làng nghề trồng rau Trà Quế ở xã Cẩm Hà đã được UBND TP. Hội An (Quảng Nam) tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở hạng mục tri thức dân gian nghề thủ công truyền thống. Đại diện UBND TP. Hội An thay mặt phát biểu tại lễ đón nhận danh hiệu, ông rất lấy lòng vinh dự vì văn hóa truyền thống được sự ghi nhận, động viên địa phương và cư dân trong làng tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị của nghề trồng rau và làng rau Trà Quế.

Được xây dựng và phát triển cách đây hơn 400 năm, đâu đó khoảng thế kỷ thứ XVI, một bộ phận cư dân thuộc các tộc Phạm, Mai, Nguyễn, Lê ở phía Bắc của Đại Việt di cư đến khai hoang lập làng xã. Làng rau Trà Quế nằm cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 2,5 km về phía Đông Bắc. Đây được xem là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Hội An. 

Với hơn 90% dân cư nơi đây kiếm cơm bằng nghề nông nghiệp, làng rau Trà Quế hiện chú trọng chuyên canh sản xuất các loại rau gia vị như rau húng, rau răm, rau é, rau ngò,… trên diện tích khoảng 18 hecta, có hơn 200 hộ nông dân theo nghề trồng rau. Không chỉ là nguyên liệu đặc trưng trên các mâm cơm gia đình Việt , các loại rau ở Trà Quế còn được xem là những bài thuốc dân gian có khả năng chữa trị các bệnh cảm cúm, phong hàn, phát ban và nhiều bệnh thời khí khác.

Trong lịch sử, Trà Quế ban đầu được gọi nhiều danh xưng như Nhự Quế, Thanh Quế, Nhà Quế. Truyền tai nhau câu chuyện dân gian, vào khoảng thế kỷ XVIII có một vị vua triều Nguyễn du ngoạn trên dòng sông Đế Võng, nghe dân xôn xao nơi đây có nhiều loại rau lạ nên bèn ghé vào thưởng thức. Vị vua nhận thấy có một loại rau mang vị thơm giống hoa trà, cay nồng giống quế. Từ đó vị vua đổi tên Nhự Quế thành Trà Quế và cái tên đó đã lưu truyền đến tận ngày nay. 

Lý do rau Trà Quế đã nức tiếng khắp nơi chính là nhờ địa lý và kỹ thuật trồng trọt. Vị trí địa lý nằm cách phố cổ Hội An không xa, cảnh quan hài hòa, được bao bọc bởi hệ thống sông Đế Võng và đầm Trà Quế nên vùng đất này khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, thuận lợi với việc chuyên canh trồng rau. Trải qua nhiều quá trình tự cư sinh sống bằng nghề nông, người dân nơi đây đã tận dụng những mặt thuận lợi mà tự nhiên ưu ái, kết hợp với phương pháp truyền thống và kinh nghiệm trồng trọt cộng với sự cần cù chăm bón nên sản phẩm rau của người dân Trà Quế có vị riêng biệt độc đáo.

Nhằm tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của cộng đồng cư dân về quá trình gìn giữ, phát triển nghề trồng rau Trà Quế, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quyết định 784 ngày 4/4/2022 công nhận các giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, sinh thái, nhân văn của làng rau Trà Quế, ghi danh nghề trồng rau Trà Quế vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia loại hình tri thức dân gian nghề thủ công truyền thống. 

Thành phố cổ Hội An luôn nằm trong top địa điểm được du lịch nhiều nhất ở Việt Nam, tạo điều kiện cho danh tiếng làng rau Trà Quế lan rộng, từ đó mà các nông phẩm của làng có mặt từ mâm cơm của các gia đình, chợ quán cho đến siêu thị, nhà hàng, khách sạn sang trọng trong và ngoài địa phương. Định hướng phát triển của thành phố trong thời gian tới sẽ luôn nhất quán chủ trương ưu tiên bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa nhằm tạo động lực để hướng đến xây dựng TP.Hội An toàn diện về sinh thái, văn hóa và du lịch.