GIẢI TRÍ

 “Lão đại” của “Chị Mười Ba”: Kẻ ẩn mình bí hiểm (kỳ 2)

Phạm Lữ • 21-05-2019 • Lượt xem: 1412
 “Lão đại” của “Chị Mười Ba”: Kẻ ẩn mình bí hiểm (kỳ 2)

Có một dạo, dân nghệ sĩ Sài Gòn gần náo động bởi sự ra đời của quán café hổng giống ai. Đó là một ý tưởng độc của Lê Quốc Nam anh và đàn anh Hoàng Triều, từng là một “trùm cascadeur” thứ thiệt, kiêm thiết kế, phó đạo diễn, kiêm diễn viên của làng phim Sài Gòn. Hai gã “quái” này hợp tác làm nên một cái quán “chơ vơ lạ” giữa thành phố sôi động. Những ký ức của thời chiến như tràn về làm người ta bồi hồi...

Tin, bài liên quan:

“Lão đại” của “Chị Mười Ba”: Kẻ ẩn mình bí hiểm (kỳ 1)

Chị Mười Ba thu nạp 650.000 huynh đệ trong một tuần

Chị Mười Ba vỡ trận, Tiến Luật - Thu Trang mắc kẹt trong vòng vây khán giả

Vâng, cái quán café nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Trương Định Quận 3 đến nay đã tồn tại hơn 5 năm, mà trong lần nghêu ngao với bạn bè thân thiết anh đã báo lỗ gần 5 tỷ… Nói là lỗ, nhưng xem ra anh vẫn vững như bàn thạch, bởi trong mỗi nụ cười của anh luôn chứa những điều bí ẩn. Và nếu như một nghệ sĩ chưa thuộc hạng sao Vip như anh mà lỗ như thế chắc là toi… đời. Nhưng ở anh, vẫn cứ ngạo nghễ với đời, hàng đêm thành lập ban nhạc chơi với khán giả thân thương. Lâu lâu lại nghe anh khoe mới chơi thêm dàn trống chuyên nghiệp, có lúc thấy anh báo được ông anh tới lắp đặt cái màn hình điện tử mà không cần trả tiền.

Đạo diễn Lê Quốc Nam trong phim Chị Mười Ba

Những câu chuyện têu tếu thế này luôn làm tăng thêm chất “quái” trong con người của Lê Quốc Nam. Một gã nghệ sĩ đã không còn trẻ, nhưng cũng chưa bị liệt vào hàng… lão tướng.

Quán café của anh tuy không lớn, nhưng khách đến đây sẽ được gặp hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi là khách hàng thường xuyên ở quán này như: Nhật Cường, Hồng Tơ, lão tướng Tòng Sơn, nhiếp ảnh gia Thái Ngọc Sơn… Ngoài thức ăn, thức uống quen thuộc của người Sài Gòn, khách đến đây sẽ được sống lại với những kỷ vật của thời chiến tranh, từ chiếc radio, cái chuông lắc, đồng hồ cổ, bàn ghế… Tất cả đều là cổ vật quý do anh sưu tầm.

Vui mắt nhất, nếu như ai vô tình đọc được hàng chữ: Tại đây không tiếp khách Trung Quốc… khiến nhiều người ngạc nhiên thích thú. Một câu chữ khá bình thường nhưng sẽ đầy ắp ý nghĩa đối với người lần đầu đến với quán Lê Quốc Nam. Và “quái” nhất phải nhắc đến hình ảnh của người lính trước 75 cho đến anh bộ đội Cụ Hồ…. đều được sắp đặt theo “ý đồ” của vị chủ nhân, khiến người xem phải công nhận: Lão chủ quán này… quái thật!

Ẩn mình qua những sự kiện đình đám

Có lần lúc 12 giờ đêm, tiếng Lê Quốc Nam từ chiếc điện thoại vang lên lời.. trách móc. “Tại sao làm một chương trình lớn như Tiếng chuông đời mà không mời tôi?”. Cứ tưởng anh nói đùa, ai ngờ anh lại tha thiết “xin” được làm, làm gì cũng được, làm quân sĩ, làm trợ lý hay làm… đạo diễn gì tôi cũng làm. Sau đó anh bỏ nhỏ: “Tôi không lấy tiền thù lao và nhớ đừng ghi tên tôi vào bảng quảng cáo chương trình nhe”.

Ngay phần đầu đã quái như thế, vào chương trình độ quái của anh còn nhân lên gấp mấy lần. Có lần, đang vào đường dây tập luyện, Lê Quốc Nam dám cho ngừng ban nhạc rồi góp ý thẳng với một ngôi sao đàn anh tên tuổi. Cứ sợ anh nóng tính làm liều, nhưng khi nghe anh dặn ban nhạc bắt nhịp, chuyển tông, để người diễn dễ đi sâu vào lòng khán giả hơn hay chia bài, sắp xếp tiết mục, dặn bộ phận âm thanh, ánh sáng từng chi tiết… mới thấy để làm đạo diễn là vô cùng phức tạp. Chương trình thành công, các nghệ sĩ ai cũng hồ hởi ăn mừng chiến tích, nhưng Lê Quốc Nam lại lặn mất tiêu. Hỏi ra mới biết, anh đã trở về quán café nhỏ bé Sài Gòn 1975 của mình để tính thêm các dự án mới. 

Là người được đào tạo bài bản về chuyên môn, Lê Quốc Nam dư sức đo được tần số khán giả đang muốn ăn món gì, đưa khán giả vào nhiều tình huống có tính nhân văn từ những câu chuyện tử tế mà mình đã đầu tư.

Với anh, nghệ sĩ phải biết về mạng, chơi thoải mái với face book để tìm hiểu làm mới các tiểu phẩm của mình. Anh bảo: “Ngày xưa, mỗi tiểu phẩm của anh em chúng tôi, đi diễn từ Nam ra Bắc, từ trong nước cho đến nước ngoài, tuổi thọ được tới 4 -5 năm, thu về hàng tỷ đồng là chuyện bình thường. Còn ngày nay, các nhóm “nuốt” kịch bản như gỏi, có khi áp lực mỗi tuần phải có một cái mới, tôi thấy “xài” như thế là hơi sang và chắc chắn nhanh, gấp như thế thường là đi đôi với chất lượng kém. Nếu không tinh ý, sớm muộn gì cũng đi vào lối cụt!”.

Lê Quốc Nam với những nỗi… sợ

 

“Sợ” là tên một vở kịch của đạo diễn Lê Quốc Nam thực hiện trên sân khấu Hồng Vân, hiện được xem là một dấu ấn đặc biệt đối với anh bởi quy tụ dàn diễn viên trẻ đầy tiềm năng, mang theo một làn gió mới lên sân khấu. Tên tuổi đạo diễn Lê Quốc Nam ngày càng in đậm dấu ấn qua hàng loạt vở kịch: 3 5 7, rồi 2 4 6 và tiếp đến là Điềm báo, Oan hồn truyện, Đình cõi âm. Mỗi vở diễn của anh đều đem đến cho khán giả những nỗi… sợ lạ kỳ.

 

 

Bình thường anh rất “ghét” nhà báo, bởi anh sợ họ “moi” những thông tin về mình, mà tính anh thường thích ẩn danh, âm thầm làm những việc mình thích. Thậm chí, anh còn ẩn danh sau hàng loạt chương trình mang tầm vóc hoành tráng, chấp nhận để tên người khác, còn mình cứ mỉm cười sau hậu trường, tận hưởng sự thành công của đêm diễn. Kế đến là lặng lẽ đếm catse nhằm trang trải cho việc kinh doanh café luôn trong tình trạng “không khá lắm” của mình.