Sáng 19.02, UBND huyện Tuy Phước phối hợp Sở Văn hóa Thể thao long trọng tổ chức lễ đón bằng di sản văn hóa phi vật thể "Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn" tại Chùa Bà thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định đánh dấu bước ngoặt mới trong việc duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Theo đó di sản văn hóa "Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn" được Bộ Văn hóa xét duyệt di là sản văn hóa thứ tư của tỉnh Bình Định theo Quyết định số 1839/QĐ-BVHTTDL ngày 04/8/2022, công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tiếp theo sau Võ cổ truyền, Hát bội Bình Định và Nghệ thuật bài chòi Bình Định. Phát biểu tại buổi lễ, ông Lâm Hải Giang, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã nhấn mạnh việc tôn vinh lễ hội Chùa Bà - Cảng thị đã góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa dân gian của loại hình này.
Đồng thời, đó cũng là sự khẳng định về vị trí và vai trò của sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng trong đời sống nhân dân và thể hiện thái độ tôn trọng và trân quý với những di sản vô giá của vùng đất Bình Định. Mặt khác, với sự gia nhập của loại hình di sản mới này đã góp phần củng cố, bổ sung làm hoàn thiện hơn hệ thống di sản văn hoá đa dạng, đặc sắc của Việt Nam.
Lễ hội Chùa Bà là một trong những lễ hội ra đời từ rất sớm tại Bình Định, được tổ chức thường niên từ ngày 30 tháng giêng đến hết ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch với nhiều nghi thức tín ngưỡng đặc sắc và hấp dẫn. Một số nghi lễ nổi bật như: lễ cầu an, lễ tế thần linh phù hộ trong lao động sản xuất, buôn bán, sinh nở,... đảm bảo đời sống người dân được an toàn, ấm no, hạnh phúc luôn được ưu tiên thực hiện. Ngoài ra, lễ nghinh thần rước sắc với các biểu trưng cho các nghề ngư, tiều, canh, mục cũng được chú trọng nhằm tưởng nhớ công ơn cha ông đã khai sinh và phát triển vùng đất hoang sơ ven biển chỉ toàn đầm lầy trở thành một đô thị phồn thịnh.
Tại lễ hội chùa Bà, bên cạnh phần lễ đặc sắc, phần hội cũng không kém phần hấp dẫn thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân với các trò chơi dân gian, biểu diễn múa lân, kêu bài chòi, võ cổ truyền,... Qua đó thúc đẩy tinh thần yêu nước, hướng về nguồn cội và đoàn kết của nhân dân.
Thế kỷ 17, thời kỳ có nhiều biến động trong lịch sử Việt Nam, cảng Thị ra đời như một điểm kết nối, giao thương nhộn nhịp giữa Đàng Trong và các quốc gia trong khu vực và thế giới với sự sầm uất và phồn hoa. Nơi đây đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của thương nghiệp với sự lui tới, trao đổi tấp nập của người dân trên khắp các miền xuôi ngược tạo nên khu vực đa dạng cả về thành phần dân cư lẫn văn hóa. Tàu thuyền buôn bán, xuất nhập hàng hoá nhộn nhịp, các thương nhân nước ngoài thường xuyên ghé thăm đã góp phần làm nên thủ phủ Quy Nhơn sôi động.
Từ năm 1610 trở đi, Chùa Bà trên cơ sở ra đời như một nơi phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ và được người dân xây dựng và hoàn thiện dần theo thời gian nhằm thể hiện lòng biết ơn với Thiên Hậu Thánh Mẫu, vị thần bảo hộ họ đến sinh sống ở vùng đất mới Bình Định xa xưa. Bên cạnh đó, Cảng thị Nước Mặn còn là nơi tiến hành nghiên cứu chữ Latinh Việt hóa, đặt nền tảng cho sự ra đời của chữ quốc ngữ.
Trong thời gian tới, huyện Tuy Phước, Sở Văn hóa và Thể thao cùng người dân trên địa bàn sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ di sản "Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn", tổ chức kiểm tra, nhận diện và phục hồi những thành tố di sản đã mai một do tác động của thời gian đồng thời tiến hành quảng bá hình ảnh di sản đến du khách trong và ngoài nước.