VĂN HÓA

Lễ hội Katê - Văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm ở Bình Thuận

Diễm Hương • 09-05-2022 • Lượt xem: 397
Lễ hội Katê - Văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm ở Bình Thuận

Lễ hội Katê là một trong những lễ hội lớn thể hiện nét văn hóa đặc sắc của người chăm ở Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần đã mang lại cho mọi người cuộc sống thịnh vượng.

Lễ hội Katê là lễ hội dân gian của người Chăm theo đạo Bà la môn ở Bình Thuận. Lễ hội được tổ chức vào ngày 1 tháng 7 âm hằng năm theo lịch của đồng bào Chăm, khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 dương lịch. Trước hết mang ý nghĩa trả ơn những vị thần đã bảo vệ người dân trong suốt một năm qua, tiếp đó là cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lứa đôi hòa hợp...

Lễ hội Katê là một lễ hội khá lớn, thường diễn ra trong vòng 3 ngày với các nghi lễ đậm nét văn hóa và tín ngưỡng của người Chăm như:

Ngày đầu tiên, là ngày mà người Raglai rước y phục của các vị thần trở về làng của người Chăm ở khu vực có đền thờ của vị thần đó. 

Ngày thứ hai là ngày đặc sắc nhất, vì người Chăm sẽ rước y phục của nữ thần Pô Sah Inư lên tháp, đây là Thần mẹ xứ sở, gắn liền với nhiều huyền thoại, nên có ảnh hưởng rất nhiều đến tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc Chăm. Sau đó người Chăm sẽ tiến hành mở cửa tháp chính, thực hiện nghi thức tắm bệ thờ Linga - Yoni và khoác y phục cho tượng thần.

Ngày thứ ba là phần lễ hội ở các làng, gia đình. Mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, cùng cầu mong cho tổ tiên, thần linh phù hộ, để mọi thành viên đều làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn, thuận buồm xuôi gió.

Ngoài ra, lễ hội còn là dịp để đồng bào Chăm phô diễn sắc thái văn hóa truyền thống của mình qua tiếng trống Paranưng, tiếng kèn Saranai cùng với lời ca, điệu múa của dân tộc. Trong lễ hội còn có các trò chơi dân gian đậm nét văn hóa của người Chăm như thi đi cà kheo, làm bánh gừng, thi giã gạo…

Vào lễ hội Katê, không chỉ người Chăm ở Bình Thuận mà các du khách phương xa cũng đều về đây để cầu mong những điều may mắn, bình an.  

Lễ hội Katê của người Chăm ở tỉnh Bình Thuận cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo quyết định số 776/QĐ-BVHTTDL.