Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 là sự kiện năm thứ ba liên tiếp được tổ chức, nhằm tôn vinh những thiết kế sáng tạo trong công cuộc phát triển đô thị và bảo tồn di sản. Năm nay, chủ đề lễ hội mang tên “Dòng chảy” và diễn ra từ ngày 17-26/11/2023 tại nhiều khu vực ở thủ đô Hà Nội.
Lễ hội của thành phố sáng tạo
Năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành viên Mạng lưới các “Thành phố Sáng tạo” của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế. Đây là tiền đề và là điều kiện quan trọng để Hà Nội khẳng định quyết tâm hiện thực hóa khát vọng đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống. Trong đó, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội đã trở thành hoạt động thường niên là một dấu ấn quan trọng.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 được tổ chức bởi UBND TP Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Sở Văn hóa thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc, với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc UN-Habitat, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, UBND quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình và các quận, huyện, cùng các đơn vị, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và nhà sáng tạo, nghệ sỹ… phối hợp. Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 với chủ đề “Dòng chảy” sẽ diễn ra từ ngày 17-26/11/2023, được kỳ vọng sẽ mang tới những trải nghiệm mới mẻ, đánh thức, tôn vinh nhiều di sản đô thị trăm năm tuổi tập trung ở hai bờ sông Hồng. Các di sản và không gian di sản như Tháp nước Hàng Đậu, Cầu Long Biên; Nhà máy xe lửa Gia Lâm… sẽ trở thành các không gian nghệ thuật sáng tạo đặc sắc… Cùng với đó, tuyến trải nghiệm của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 phát huy các giá trị văn hóa lịch sử tại các quận huyện dọc hai bên sông Hồng sẽ mang lại những giá trị và sức sống mới cho di sản nói riêng, và TP Hà Nội nói chung trong quá trình tái thiết đô thị, thực hiện chiến lược phát triển Công nghiệp văn hoá Thủ đô – hướng đến phát triển bền vững.
Cầu Long Biên, cây cầu hơn 100 tuổi là cảm hứng sáng tạo của rất nhiều nghệ sĩ.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023 tập trung vào 3 chủ đề trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo, bao gồm chuỗi sự kiện hội thảo, triển lãm, cuộc thi, chương trình trình diễn…, nhằm hướng tới kết nối các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, tôn vinh các ý tưởng sáng tạo, truyền cảm hứng sáng tạo, nâng tầm tri thức và thảo luận về những tiềm năng, xu hướng mới trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo.
Chủ đề Thiết kế tập trung vào các hoạt động chuyên môn mang tới giải pháp và sản phẩm ứng dụng cụ thể trong cuộc sống cho đại chúng, gồm nhiều nhánh liên tục được cập nhật theo sự phát triển của xã hội như: Kiến trúc & Cảnh quan, Nội thất, Kiểu dáng công nghiệp, Sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Thiết kế trải nghiệm không gian, Truyền thông & Thương hiệu, Công nghệ và Thiết kế Tuần hoàn.
Các hoạt động mang tính Cộng đồng, hướng tới mọi đối tượng trong xã hội được phát triển mạnh mẽ như tổ chức các điểm chụp ảnh check-in, hoạt động văn hoá thể thao ở nơi công cộng, sân vui chơi cho trẻ em, sinh hoạt CLB cho người cao tuổi, giải thể thao và các hoạt động ẩm thực.
Các hoạt động văn hoá – nghệ thuật kích thích trí tưởng tượng và góc nhìn đa chiều của mỗi cá nhân như nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, nghệ thuật sắp đặt cũng được thiết kế như những sự kiện xương sống của Lễ hội, là nền tảng và cảm hứng cho tất cả khán giả tham gia, đặc biệt là những cá nhân / tổ chức đang hoạt động trong ngành Thiết kế.
Phối cảnh dự án tái thiết Tháp nước Hàng Đậu thành không gian nghệ thuật.
Phối cảnh Ga Gia Lâm trở thành một điểm checkin về miền ký ức.
Phối cảnh công trình Pavillion (nhà trưng bày) tại Di sản Công nghiệp Nhà máy xe lửa Gia Lâm
Với 3 năm liên tiếp được triển khai, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội tiếp tục khẳng định sức sống, nguồn lực sáng tạo và bản sắc của Hà Nội; khuyến khích hình thành cộng đồng sáng tạo; kết nối đa lĩnh vực công nghiệp văn hoá khác nhau như: kiến trúc, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế,..; hình thành các nền tảng sáng tạo nhằm phát huy các nguồn lực văn hóa, bao gồm văn hóa truyền thống của Hà Nội. Đặc biệt, tinh thần sáng tạo đã và đang được lan tỏa tới các quận, huyện và các làng nghề trên toàn Thành phố.
Có thể nói, vai trò của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đã ngày càng được khẳng định, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực cho sự phát triển đô thị bền vững ở các thành phố khác trên toàn quốc và cả trên phạm vi quốc tế.
Tuyến trải nghiệm Lễ hội thiết kế & sáng tạo Hà Nội 2023
Với chủ đề “Dòng chảy”, tuyến trải nghiệm chính của mùa Lễ hội Hà Nội Thiết kế Sáng tạo 2023 vắt ngang qua dòng sông Hồng lịch sử – đánh thức di sản công nghiệp và kết nối cộng đồng bằng nhiều hoạt động sáng tạo mới. Bên cạnh tuyến chính Lễ hội mà Ban tổ chức giới thiệu, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 bao gồm các Tuyến mạng lưới với rất nhiều các hoạt động diễn ra dọc theo dòng sông Hồng và khắp nơi trong thành phố cùng sự tham gia của các quận, huyện, thị xã và các không gian sáng tạo…
Sơ đồ tuyến trải nghiệm bên sông Hồng
Bạn có thể bắt đầu tại khu vực Vườn hoa Vạn Xuân, trải nghiệm các hoạt động sáng tạo, nghệ thuật, thể thao tại đây và tiến tới điểm di sản tháp nước Hàng Đậu với không gian trưng bày được tái thiết kế và sáng tạo vô cùng độc đáo.
Từ tháp nước Hàng Đậu, bạn di chuyển tới địa điểm tiếp theo: Ga Long Biên. Tại đây bạn ngồi uống cà phê thư giãn, chụp ảnh check in với view đường ray hoài cổ, rồi lên chuyến tàu khởi hành từ Ga Long Biên đến Ga Gia Lâm. Trải nghiệm đi tàu hoả là điểm kết nối đặc biệt dành riêng cho mùa lễ hội này. Từ hai bên cửa sổ toa tàu nơi bạn ngồi, dòng sông Hồng và bãi giữa cũng như khung cảnh hai bên sông hiện ra tuyệt đẹp.
Với những bạn thích đi bộ, vừa muốn được thong dong chiêm ngưỡng, vừa muốn vận động khỏe người, bạn có thể đi bộ từ tháp nước Hàng Đậu đến Cầu Long Biên, đi bộ trên cầu để tận hưởng không khí, chụp tấm ảnh lưu niệm, rồi xuống khám phá khu vực bãi giữa sông Hồng. Tuyến khu vực cầu Long Biên sẽ là nơi diễn ra các sự kiện như đi xe đạp áo dài, chạy bộ theo chủ đề “Theo dòng chảy Di sản”, hoạt động trải nghiệm thiên nhiên, một số triển lãm… để cảm nhận rõ hơn không khí hài hòa, tôn vinh thiên nhiên của Lễ hội.
Ga Gia Lâm là một địa điểm lịch sử có tuổi đời hơn 100 năm. Từ Ga Gia Lâm đi bộ vào Nhà máy xe lửa Gia Lâm chỉ 200 mét. Tại đây dự kiến sẽ diễn ra trưng bày về lịch sử nhà ga, cũng là điểm check in kiêm trạm thông tin về Lễ hội.
Cuối cùng, điểm nhấn sáng tạo và mang đến trải nghiệm tuyệt nhất, truyền cảm hứng nhất trong tuyến chính mùa lễ hội năm nay chính là khu vực Nhà máy xe lửa Gia Lâm – một di sản công nghiệp nổi bật của thành phố Hà Nội. Đây sẽ là nơi diễn ra đêm khai mạc, bế mạc lễ hội, cùng hàng loạt sự kiện âm nhạc, thời trang, nghệ thuật sắp đặt độc đáo, các hội thảo, workshop, hội chợ, vui chơi. Vẻ đẹp của nhà máy đã truyền cảm hứng dạt dào cho các nghệ sĩ, nhà sáng tạo để cùng “đánh thức” di sản, biến đổi thành không gian sắp đặt kiến trúc, triển lãm đầy mới lạ, đánh thức các giác quan.
Không gian Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trở thành một di sản công nghiệp và không gian sáng tạo; là một điểm tham quan ý nghĩa trong tuyến trải nghiệm của Lễ hội Thiết kế sáng tạo.