Ngày 24/11/2023, UBND huyện Hoài Đức, Hà Nội tổ chức khai mạc Lễ hội thiết kế sáng tạo làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng năm 2023. Sự kiện nhằm hưởng ứng chuỗi hoạt động của Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 và Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023; hướng tới phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hoài Đức thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, Hoài Đức có 53 làng có nghề, trong đó, 12 làng nghề đã được thành phố công nhận, tiêu biểu là làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng (xã Sơn Đồng) có lịch sử tồn tại và phát triển hàng trăm năm. Năm 2007, làng nghề Sơn Đồng được sách Kỷ lục Việt Nam ghi danh “Làng nghề tạc tượng và đồ thờ phụng Phật giáo lớn nhất Việt Nam".
Các đại biểu thực hiện nghi lễ khai mạc Lễ hội thiết kế sáng tạo làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng.
Sản phẩm của làng nghề Sơn Đồng nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, chiếm thị phần lớn lượng tiêu thụ trong nước về tượng, đồ thờ cúng sơn son thếp vàng, thếp bạc, phủ màu hoàng kim, phục vụ đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân; được nhiều khách hàng quốc tế ưa chuộng, đặc biệt là các quốc gia có nền Phật giáo phát triển.
Hiện tại, làng nghề Sơn Đồng có hơn 4.000 lao động làm nghề thủ công mỹ nghệ thường xuyên, trong đó có nhiều thợ giỏi, thợ được tôn vinh, phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Làng nghề góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và tạo việc làm cho nhiều lao động.
Các đại biểu tham quan nơi sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng.
Những năm qua, huyện Hoài Đức và xã Sơn Đồng luôn chú trọng thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, quảng bá thương hiệu làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, trưng bày, triển lãm sản phẩm tại các sự kiện, hoạt động lớn do Trung ương, thành phố tổ chức.
Lễ hội nhằm giới thiệu, quảng bá làng nghề đến đông đảo du khách, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển du lịch; tuyên truyền, giới thiệu về định hướng phát triển mới của huyện Hoài Đức; tạo các cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo; phát huy tiềm năng, lợi thế sản phẩm của làng nghề thủ công mỹ nghệ gắn với việc tôn vinh và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ lành nghề...
Các đại biểu, khách tham quan trải nghiệm thếp vàng tượng Phật cùng nghệ nhân.
Tại lễ hội, du khách có cơ hội tìm hiểu về các quy trình sản xuất đồ mỹ nghệ của Sơn Đồng, tìm hiểu những giá trị văn hóa dân gian, tôn giáo, tín ngưỡng gắn bó với sản phẩm của làng nghề. Du khách cũng có thể trải nghiệm thực hành sản xuất cùng các nghệ nhân trong một số công đoạn; chiêm ngưỡng những sản phẩm tinh tế mang giá trị nghệ thuật cao của các nghệ nhân Sơn Đồng.
Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, nghệ nhân trên địa bàn Hoài Đức và xã Sơn Đồng có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu, kết nối hoạt động thiết kế sáng tạo, đưa thiết kế mới vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường, góp phần kết nối, phát huy giá trị văn hóa lịch sử trong quá trình phát triển, xây dựng công nghiệp văn hóa Thủ đô, tạo sự kiện điểm nhấn thu hút khách du lịch...