VĂN HÓA

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ: Tín ngưỡng đặc biệt của vùng đất Nam Bộ

Thi Thơ • 18-05-2022 • Lượt xem: 652
Lễ hội vía Bà Chúa Xứ: Tín ngưỡng đặc biệt của vùng đất Nam Bộ

Từ lâu lễ hội vía Bà Chúa Xứ đã trở thành một nét đặc trưng không chỉ của riêng vùng đất An Giang mà còn của cả Nam Bộ. Mới đây, lễ hội nổi tiếng của vùng đất Nam bộ đã được chính phủ đồng ý đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Có thể nói, đối với vùng đất Nam Bộ, tín ngưỡng đã trở thành một nét đặc trưng, trong đó có tín ngưỡng Bà. Bà chúa Xứ có nhiều tên gọi khác nhau như Chúa Xứ Thánh Mẫu, Thánh Mẫu Chúa xứ nương nương, Chúa xứ Thánh nương nương… Theo PGS-TS Trần Hồng Liên, Hội Dân tộc học và nhân học TP.HCM, trong quan niệm của người dân, Bà Chúa Xứ là một vị tiên nữ từ trên trời xuống hạ giới với nhiều quyền năng khác nhau, do đó ở từng địa phương cũng sẽ có cách tôn thờ khác nhau. 

Ở vùng núi Sam, người ta tương truyền rằng khi quân Xiêm thường xuyên quấy nhiễu nước ta thì xuất hiện một pho tượng lớn nằm ngự trên lưng chừng núi Sam. Khi cùng nhau khiêng xuống thì một trong số đó làm gãy cánh tay của Bà, bị bà trừng phạt vô cùng nặng nề. Từ đó người dân trong làng luôn mơ thấy Bà về tự xưng là Bà Chúa xứ, báo mộng giúp ích cho cuộc sống của họ rất nhiều. 

Đến hiện tại truyền thuyết về Bà Chúa Xứ vẫn còn nhiều bí ẩn tuy nhiên nhờ sự xuất hiện của bà mà mùa màng trở bội thu, đời sống nhân dân trở nên ấm no hơn. Từ đó, miếu thờ được xây dựng để tôn thờ bà cũng như người dân có thêm một niềm tin vào cuộc sống. Ban đầu miếu thờ được xây dựng khá sơ sài, chỉ nằm ngay một vùng đất trũng. Sau nhiều lần trùng tu đến năm 1992, di tích quốc gia miếu Bà Chúa Xứ trở thành một địa diểm hành hương - tâm linh có quy mô vô cùng hoành tráng. 

Từ đó, ở vùng núi Sam, An Giang, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ đã trở thành một dịp lễ quen thuộc đối với người dân ở đó nói riêng và du khách nói chung. Thông thường, lễ hội sẽ diễn ra vào cuối tháng 4 âm lịch (23/4 - 27/4) như rước tượng bà từ đỉnh núi xuống miếu thờ, lễ túc yết, xây chầu, chánh tế.… 

Phần hội sẽ được đan xen với phần lễ chính, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đã được người dân đua nhau tổ chức và hưởng ứng như múa lân, múa mâm thao… cùng với nhiều loại thức ăn đặc sắc của vùng đất Nam Bộ. Phần hội này sẽ được tổ chức vào trước đêm lễ tắm bà (đêm truyền thống) với nhiều tiết mục đặc sắc như biểu diễn múa lân hay ca múa nhạc dân tộc Khmer. Tiếp theo đó, lễ phục hiến sẽ tiến hành dựng lại cảnh rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam. 

Có thể nói rằng, thông qua các hoạt động tại Lễ hội vía Bà Chúa xứ, nhiều giá trị văn hóa dân tộc, lịch sự, các điểm du lịch đã được phát huy rõ nét không chỉ riêng của mỗi An Giang mà còn của cả Nam Bộ. Do đó vào năm 2014, Lễ hội được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống.

Hơn thế nữa, vào tháng 3/2022, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng ý đệ trình UNESCO xem xét đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây được xem như một dấu mốc quan trọng không chỉ riêng đối với người dân ở vùng núi Sam mà còn đối với cả Nam Bộ.