VĂN HÓA
Lễ hội Việt: Hơi thở quá khứ trong trái tim người trẻ hôm nay
Tuấn Kiệt • 27-05-2025 • Lượt xem: 95

Lễ hội truyền thống là một phần không thể tách rời trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam. Vì vậy, những giá trị quý báu của lễ hội cần phải được trân trọng và thế hệ trẻ ngày nay chính là lực lượng nòng cốt trong việc giữ gìn và phát huy những di sản ấy.
Lễ hội truyền thống Việt Nam
Lễ hội truyền thống (bao gồm cả lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội dân gian) là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân (trích Khoản 1, Điều 3, Nghị định 110/2018/NĐ-CP). Mỗi năm, có rất nhiều lễ hội được tổ chức trên khắp cả nước. Dù là lễ hội lớn hay nhỏ, tất cả đều gắn liền với những sự kiện lịch sử, tín ngưỡng dân gian, tôn giáo.
Chẳng hạn, lễ hội tưởng nhớ tổ tiên, người có công dựng nước như Lễ hội gò Đống Đa (Giỗ trận Đống Đa) được tổ chức vào ngày mùng 5 tết Nguyên Đán hàng năm. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ đến những chiến công chống giặc ngoại xâm cứu nước của vua Quang Trung. Hay lễ hội Đền Hùng (Ngày Giỗ tổ Hùng Vương), mỗi năm mỗi năm lại vang vọng câu ca dao quyen thuộc:
"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba".
Lễ hội Đền Hùng được tổ chức thường niên tại Thành phố Việt Trì (Tỉnh Phú Thọ) - Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết
Bên cạnh các lễ hội tưởng nhớ và tôn vinh những bậc anh hùng dân tộc, lễ hội truyền thống còn là không gian sống động, lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của người Việt. Từ trang phục truyền thống, các trò chơi dân gian đến những loại hình nghệ thuật diễn xướng như hát quan họ, chèo, tuồng cổ, … tất cả hòa quyện tạo nên bức tranh đa sắc màu về bản sắc dân tộc.
Lễ hội truyền thống là nơi phản ánh chiều sâu của văn hóa bản địa, góp phần khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy đa dạng của văn hóa nhân loại.
Sự hiện diện của thế hệ trẻ ngày nay trong các lễ hội
Với sự phát triển của thời đại, thế hệ trẻ chính là lực lượng giữ vai trò then chốt trong việc gìn giữ và tiếp nối những giá trị của các lễ hội truyền thống. Khi tham gia vào lễ hội, người trẻ có cơ hội hòa mình vào không khí trang nghiêm của các nghi lễ, đồng thời lĩnh hội được các kiến thức lịch sử của đất nước mình.
Các sự kiện văn hóa, lịch sử, con người… cùng những giá trị như lòng yêu nước, đức hiếu thảo, tinh thần đoàn kết, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" - vốn đã được học trong sách giáo khoa - nay được khơi dậy một cách tự nhiên, thấm sâu vào nhận thức của mỗi người trẻ thông qua các hoạt động trong ngày lễ.
Ngày nay, khi các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok, … phát triển mạnh mẽ, người trẻ tận dụng những nền tảng này để quảng bá, giới thiệu các lễ hội truyền thống của dân tộc, tạo được sự chú ý và lan tỏa nhiều giá trị đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Trong thời điểm đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới - "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" - tất cả mọi mặt của đời sống xã hội cần phải được bảo tồn và phát triển, trong đó có lễ hội truyền thống.
Thế hệ trẻ, với tinh thần năng động, sáng tạo và hội nhập, chính là lực lượng kế thừa quan trọng, đồng thời là cầu nối đưa những giá trị đặc sắc của lễ hội Việt Nam lan tỏa mạnh mẽ hơn đến cộng đồng quốc tế. Họ không chỉ giữ gìn mà còn có thể thổi vào lễ hội truyền thống một sức sống mới - hiện đại nhưng vẫn gần gũi và đậm đà bản sắc dân tộc. Giữ gìn không có nghĩa là đóng khung quá khứ, mà là làm cho những giá trị ấy tiếp tục sống, lan tỏa và được yêu mến trong hiện tại và tương lai.