Từng là một sản phẩm cao cấp thế nhưng nhờ sự tiện lợi, đơn giản mà nó mang lại nên mì ăn liền đã được bình dân hóa để trở thành một trong những món ăn phổ biến trong mọi nhà bếp và được tiêu thụ trên toàn thế giới.
Món ăn cứu đói dân tộc
Mì ăn liền được Momofuku Ando, chủ sở hữu và là người sáng lập công ty nổi tiếng tại Nhật Bản phát minh và sáng chế thành công vào năm 1958.
Ý tưởng sản xuất ra mì ăn liền của ông Momofuku Ando xuất phát từ thiện ý muốn người Nhật có một món ăn được chế biến nhanh, gọn từ bột mì. Trong bối cảnh chiến tranh thế giới thứ 2 tàn khốc, tuy người Nhật từ trước đã có thói quen ăn gạo và mì sợi, nhưng trong hoàn cảnh đang đối mặt với việc thiếu thốn lương thực, nên chỉ có thể ăn bột mỳ do Mỹ viện trợ (chủ trương sản xuất bột mì thành bánh mì ăn cho nhanh, đỡ tốn thời gian, nhiên liệu). Không tán thành chủ trương đó, Ando có ý tưởng về một loại mì có thể bảo quản ở nhiệt độ thường, và thưởng thức tại nhà ngay sau khi cho nước nóng vào, với giá bình dân cho tất cả mọi người.
Ông Momofuku Ando và căn bếp sáng chế mì ăn liền đầu tiên trên thế giới
Ông Ando đã mất cả năm trời mới tìm ra được cách bảo quản mì lâu hỏng. Cho đến một ngày, tại căn bếp gia đình, từ món Tempura truyền thống mà vợ vẫn làm, ông phát hiện ra rằng chiên trong dầu nóng đã giúp phần bột áo ngoài trở nên mất nước và khô giòn, bảo quản được phần bột trong một thời gian dài. Phương pháp này đã được áp dụng vào công đoạn chiên mì, khởi đầu cho phát minh mì ăn liền sau đó.
Nguyên liệu chính tạo nên vắt mỳ là bột lúa mì, dầu dùng để chiên mì là dầu cọ, phối trộn cùng là nước và một số thành phần phụ gia, gia vị khác. Màu vàng của vắt mì được tạo nên từ chiết xuất củ nghệ hoặc chiết xuất trái dành dành. Các thành phần phổ biến trong gói bột súp là muối, đường, bột ngọt, hạt nêm…
Thương hiệu mì đầu tiên ra mắt năm 1958 tại Nhật
Những gói mỳ lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường vào tháng 8 năm 1958 với tên gọi Ramen Gà, và được bán trong gói giấy bóng kính. Với cách chế biến nhanh chóng, chỉ cần đổ nước sôi tầm 3 phút là có thể dùng được ngày, mì ăn liền ngày càng được tiêu thụ rộng rãi. Đây được xem là bước đột phá của ngành ẩm thực thế giới tại thời điểm đó.
Không dừng lại ở đó, năm 1971, ông Momofuku Ando còn phát minh ra mì ly đầu tiên trên thế giới. Đến năm 2005, sự nghiệp mì gói của ông Ando bước lên một tầm cao mới khi ông phát minh ra "mì không gian" đầu tiên trên thế giới. Cũng như tên gọi, loại mì này có thể ăn trong không gian không trọng lực dành cho các phi hành gia.
Hành trình xâm chiếm thế giới
Khi mỳ ăn liền lần đầu tiên xuất hiện tại các cửa hàng tạp hóa của Nhật Bản, chúng có giá đắt gấp 6 lần so với mỳ tươi. Tuy nhiên, ngày nay, món ăn này lại trở thành loại thực phẩm bình dân đặc trưng và món ăn quốc dân không phân biệt mọi tầng lớp. Ngoài ra, mì gói cũng được sử dụng như loại nhu yếu phẩm chính để viện trợ cho những khu vực thiên tai nhờ giá rẻ và sự tiện dụng của chúng.
Mỳ ăn liền trở thành món ăn vừa rẻ vừa tiện lại nhanh chóng nên có thể tận dụng mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt, ẩm thực với mì gói không chỉ là mì úp nước sôi đơn điệu mà còn được sáng tạo thêm nhiều cách nấu với đủ loại nguyên liệu khác nhau giúp món mì trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều như trứng, xúc xích, rau củ, các loại thịt, hải sản…, hay biến tấu khác như mì xào, mì khô, mì trộn...
Nhiều món mì hiện đại được kết hợp với nhiều thực phẩm bổ dưỡng khác
Trải qua gần 60 năm, với sự tiện dụng của mì ăn liền, nó đã được phát triển lan rộng đến các nước Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á, trên thị trường đã phát triển đa dạng nhiều loại mì khác nhau đến từ các quốc gia trên khắp thế giới.
Từ thành công ban đầu của ông Ando, các công ty thực phẩm trên thế giới cũng bắt tay vào làm ra loại mì đặc trưng riêng cho mỗi quốc gia. Mì ăn liền thay đổi theo từng quốc gia, tuân theo luật lệ tôn giáo như phiên bản không có thịt lợn tại Indonesia và các nước khác có phần lớn dân số theo đạo Hồi, cho đến bổ sung thêm các hương vị quen thuộc như nước mắm ở Thái Lan, bột cà ri ở Ấn Độ và nấm mỡ ở Pháp.
Sáng tạo độc đáo khi kết hợp mì với pizza
Theo Hiệp hội Mỳ ăn liền Thế giới, vào năm 2022, người tiêu dùng ở hơn 50 quốc gia đã tiêu thụ 121,2 tỷ khẩu phần mì ăn liền, một con số cao kỷ lục. Các quốc gia có lịch sử ăn mì lâu đời thường có mức tiêu thụ cao, dẫn đầu là Trung Quốc, Hồng Kông và Indonesia. Việt Nam và Nhật Bản xếp thứ tư và thứ năm, tuy nhiên vị trí thứ ba lại thuộc về Ấn Độ, một dấu hiệu cho thấy món ăn này ngày càng phổ biến ở các quốc gia không có truyền thống nấu mì.
Theo một cuộc khảo sát, người Nhật tin rằng phát minh vĩ đại nhất của họ trong thế kỷ 20 là mỳ ăn liền. Thậm chí còn có một Bảo tàng Mỳ ở Osaka, Nhật Bản do Ando, người phát minh ra Cup Noodles, mở vào năm 1999.