VĂN HÓA

Liên hoan Sân khấu Dù kê Khmer trở lại sau 10 năm vắng bóng

Mỹ Nhàn • 07-04-2023 • Lượt xem: 1014
Liên hoan Sân khấu Dù kê Khmer trở lại sau 10 năm vắng bóng

Kể từ lần đầu tiên tổ chức tại Sóc Trăng vào năm 2013, Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ đã có dịp tái ngộ với khán giả sau 10 năm vắng bóng.

Được biết, liên hoan năm nay nhận được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung Ương và do Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp cùng với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh tổ chức từ ngày 1 đến 7/4, tại Đại học Trà Vinh. Chương trình năm nay nhanh chóng nhận được sự tham gia của 13 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, quy tụ sự có mặt của hơn 500 diễn viên.

Thông qua 13 vở diễn trong suốt liên hoan, khán giả đã có dịp thưởng thức các tiết mục dù kê độc đáo, thuộc nhiều thể loại từ lịch sử, dân gian cho đến hiện đại. Ngoài những vở diễn mang màu sắc huyền thoại như Hoàng tử Vê Son Do, Tướng quân Rit Thi Sắc, Chây Sô Ra Vông, Chuyện tình giữa tiên nữ và người phàm, liên hoan năm nay còn có những vở diễn khai thác đề tài mới mẻ, mang đậm tính thời sự như Bài học đắt giá, Giữ vững biển đảo quê hương, Hoa cau tình thắm…

Chia sẻ về lý do khiến chuỗi chương trình về loại hình văn hóa dân gian đặc biệt này bị tạm hoãn khá lâu, ông Dương Hoàng Sum - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh đồng Trưởng Ban tổ chức liên hoan cho biết: “Người dân Khmer Nam Bộ nói chung và Trà Vinh nói riêng rất muốn có những liên hoan, hội thi để nghệ nhân, nghệ sĩ các đoàn trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và phong cách biểu diễn. Mong chờ suốt thời gian quá lâu như vậy, nên giờ đây chúng tôi nhận thấy các tỉnh đều háo hức tham gia với lực lượng đông đảo, chất lượng các vở diễn dự thi theo đánh giá ban đầu của Hội đồng giám khảo, từ chủ đề tư tưởng đến đề tài nội dung đều tốt, đa dạng, đầu tư rất nghiêm túc”. Có thể nói đây là một tín hiệu đáng mừng và là một minh chứng về sức sống mãnh liệt của nghệ thuật văn hóa dù kê trong đời sống tinh thần của người dân Tây Nam Bộ.

Các tác phẩm tham gia liên hoan cần đảm bảo đầy đủ, nghiêm chỉnh các quy định, yêu cầu từ phía Ban Tổ chức. Những vở diễn phải giữ được đặc trưng của loại hình nghệ thuật dù kê truyền thống với nội dung ca ngợi tình đoàn kết hữu nghị của các dân tộc, đề cao cái đẹp và các giá trị nhân văn, lên án cái xấu, sự thấp hèn. Trước khi được chính thức công diễn, các đơn vị có trách nhiệm tóm tắt nội dung vở diễn bằng tiếng Kinh và gửi cho Ban Tổ chức liên hoan để nắm tinh thần.

Hội đồng giám khảo liên hoan gồm các tên tuổi gạo cội trong lĩnh vực sân khấu và gắn liền với nghệ thuật dù kê truyền thống như PGS.TS Trần Trí Trắc, Ủy viên Ban Lý luận phê bình Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng; Đạo diễn, NSƯT Trần Thắng Vinh; Đạo diễn, NSƯT Ca Lê Hồng; NSƯT Sơn Lương và soạn giả Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh. Sau khi tham gia liên hoan, các tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, biên đạo múa có thành tích nổi bật sẽ được Ban Tổ chức trao huy chương vàng, huy chương bạc và giải xuất sắc. 

Ra đời vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, loại hình văn hóa dù kê từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con dân tộc Khmer tại các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, An Giang, Trà Vinh. Đứng trong dòng chảy của nền kinh tế thị trường, sân khấu dù kê đang đứng trước nhiều thách thức và nguy cơ mai một trong văn hóa cộng đồng. Thông qua những hoạt động của liên hoan, cũng là dịp để các nhà chuyên môn tập trung đánh giá chính xác về thực trạng của loại hình nghệ thuật dù kê cũng như có những phương án phát huy, bảo tồn hiệu quả.