Theo một nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Zoological của Hiệp hội Linnean, loài chim dodo đã tuyệt chủng do bị con người săn đuổi vào những năm 1600 lại “có sức mạnh phi thường” chứ không ngốc nghếch như quan điểm lâu nay.
Tác giả nghiên cứu trên là giáo sư Mark Young tại Đại học Southampton, Anh. Ông cho biết: “Liệu chim dodo có thực sự là loài vật chậm chạp, ngốc nghếch như chúng ta vẫn tin không? Vài tài liệu viết về loài chim này lúc còn sống lại chỉ ra đây là loài động vật di chuyển nhanh và thích rừng”.
Chim dodo với vóc dáng tròn trịa, không biết bay là loài đầu tiên bị tuyệt chủng mà con người quan sát được trong thời gian thực. Chúng gặp phải “kẻ săn mồi” cuối cùng của mình khi người Hà Lan đến đảo Mauritius vào năm 1598. Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Đại học Oxford, con người chỉ mất 70 năm để xóa sổ một loài và lần cuối ghi nhận chúng được nhìn thấy là vào năm 1662.
Tranh mô tả cảnh săn bắt chim dodo
Quan điểm lâu nay cho rằng trước lúc con người xuất hiện, loài chim dodo to lớn này sống quá thoải mái trên một hòn đảo xa xôi không có thú săn mồi nào. Sự tồn tại không bị đe dọa của chúng là do tiến hóa quá chậm. Câu chuyện về loài này mang tính cảnh báo cao, “dodo” cũng trở thành từ chỉ sự bất tài.
Các nghiên cứu của Đại học Southampton không tin vào quan điểm trên nên bắt đầu tìm kiếm bằng chứng. Sau khi phân tích một số câu chuyện có thật, họ tái phân loại chim dodo và một loài chim có họ hàng gần tên solitaire (Pezophaps solitaria) sống trên đảo Rodrigues. Mối quan hệ họ hàng vẽ ra một “chân dung khác” của dodo.
Theo tiến sĩ sinh vật học Neil Gostling – thành viên nhóm nghiên cứu: “Bằng chứng từ nhiều mẫu xương cho thấy gân của chim Dodo khép các ngón chân lại cực kỳ mạnh mẽ, tương tự như gân của vài loài chim leo trèo và chạy nhảy còn sống ngày nay. Sinh vật như vậy thích nghi hoàn hảo với môi trường nơi chúng sinh sống”.
Mô hình chim dodo được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ
Không chỉ “minh oan” cho chim dodo, một tổ chức tên Colossal Biosciences còn lên kế hoạch hồi sinh loài này. Họ dự tính tạo ra một “bản sao” với ADN qua chỉnh sửa rồi đưa nó đến đảo Mauritius. Tuy nhiên tất cả chỉ mới ở giai đoạn giải trình tự gien và còn cần phải bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu thêm.