Nhãn là loại trái cây nhiệt đới phân bố chủ yếu ở Trung Quốc và các vùng phía nam châu Á. Ở nước ta, nhãn được trồng khắp nơi nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến Hưng Yên cùng đồng bằng sông Cửu Long.
Không ít người mê đắm loại trái cây này vì hương vị ngọt ngào, có thể ăn tươi hay chế biến thành món khác. Bên cạnh vị ngon khó cưỡng, nhãn còn rất tốt cho sức khỏe do giàu dinh dưỡng như vitamin C, kali, sắt. Thêm nhãn vào chế độ ăn sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, sức khỏe tim mạch và kiểm soát cân nặng. Đặc tính chống oxy hóa của nhãn cũng góp phần chống lại gốc tự do.
Nhãn xuất hiện trong nhiều món ăn, thức uống lẫn thuốc. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, vì có tác dụng thúc đẩy ngủ sâu và thư giãn tinh thần nên loại trái cây này được dùng như một vị thuốc bổ cải thiện tình trạng hồi hộp, chứng hay quên, mất ngủ.
Tăng cường miễn dịch
Vitamin C trong nhãn rất tốt cho hệ miễn dịch. Một quả nhãn chứa khoảng 2.69 miligam vitamin C, tương đương khoảng 3% lượng khuyến nghị hấp thu hàng ngày. Khẩu phần với người bình thường là khoảng 20 quả nhãn.
Tham gia vào quá trình sản xuất tế bào bạch cầu, vitamin C giúp chữa lành vết thương và giảm viêm. Một số thành phần của hệ miễn dịch rất cần vitamin C để duy trì hoạt động.
Giàu chất chống oxy hóa
Nhãn cũng rất giàu chất chống oxy hóa như polyphenol và flavonoid, giúp chống lại gốc tự do và stress oxy hóa trong cơ thể. Các hợp chất này hỗ trợ ngăn ngừa tổn thương tế bào, bảo vệ cơ thể chống lại bệnh mãn tính bằng cách giảm viêm, củng cố miễn dịch tự nhiên.
Nghiên cứu chỉ ra hấp thu chất chống oxy hóa tự nhiên thông qua trái cây và rau quả hiệu quả hơn so với hấp thu qua thực phẩm chức năng. Hàm lượng vitamin C cao cũng tăng tính chống oxy hóa của nhãn.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Bên cạnh bơ và chuối, nhãn cũng là nguồn cung cấp kali - chất cần thiết do duy trì hoạt động cơ và chức năng tim - vô cùng dồi dào. Do đó thêm nhãn vào chế độ ăn uống có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Thiếu kali sẽ dẫn đến nhịp tim không đều, ảnh hưởng tiêu cực đến huyết áp.
Nhưng nạp quá nhiều cũng gây ra tác dụng phụ. Ta nên tìm hiểu nhu cầu kali của cơ thể cũng như tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung cho phù hợp.
Hỗ trợ kiểm soát giảm cân
Nhãn có hàm lượng calo thấp và hương vị ngọt tự nhiên, đáp ứng nhu cầu của người thích ăn ngọt mà vẫn muốn đảm bảo lượng calo tiêu thụ trong ngày.
Nhãn tươi có thể dùng như món ăn vặt nhẹ hoặc ăn cùng bữa chính vì chúng chứa khoảng 82% nước, giúp tạo cảm giác no và hỗ trợ tiêu hóa.
Ăn nhãn đúng cách
Nhãn chứa nhiều đường nên người có tiền sử bệnh tiểu đường hoặc đang kiểm soát lượng đường trong máu nên ăn vừa phải. Người sức khỏe bình thường cũng nên ăn có chừng mực, tránh ăn nhiều ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây đầy hơi, rối loạn tiêu hóa hoặc đi phân lỏng.
Bảo quản nhãn tươi trong tủ lạnh sẽ kéo dài thời hạn sử dụng. Ta có thể lột vỏ bỏ vào hộp kín và cho vào ngăn đông. Với cách này độ tươi của nhãn có thể kéo dài đến 2 tuần.
Còn nhãn sấy khô có thể được bảo quản trong hộp kín ở nơi mát mẻ, tránh ánh sáng trực tiếp.
Nhãn phù hợp với cả món ăn như xào, salad đến thức uống như sinh tố, trà, nước ép. Chế biến chúng bằng nhiều cách sẽ làm tăng hương vị và cảm giác thèm ăn.
Thông tin dinh dưỡng
Một khẩu phần 20 quả nhãn tươi không bỏ vỏ và hạt cung cấp:
38 calo; 0,1 gam chất béo; 9,7 gam carbohydrate; 0,7 gam chất xơ; 0,8 gam protein; 53,8 miligam vitamin C; 13,4 miligam phốt pho; 170,2 miligam kali; 0,08 miligam riboflavin.
Nhãn khô có nhiều calo hơn và thành phần dinh dưỡng hơi khác một chút. Một khẩu phần 20 quả nhãn khô cung cấp:
97 calo; 0,1 gam chất béo; 16,3 miligam natri; 25,2 gam carbohydrate; 1,7 gam protein; 9,52 miligam vitamin C; 66,6 miligam phốt pho; 224 miligam kali; 0,18 miligam riboflavin.