GIẢI TRÍ

Lý Hùng “bật mí” vai tướng cướp đầu tiên trong đời

Lữ Đắc Long • 23-05-2019 • Lượt xem: 1918
Lý Hùng “bật mí” vai tướng cướp đầu tiên trong đời

Nổi tiếng thời thập niên 90, cái tên Lý Hùng như một bảo chứng cho các phòng vé khiến nhiều nhà sản xuất và bầu show đưa ra những lời mời kèm theo con số catse thuộc hàng khủng. Anh thường gắn liền với hình ảnh tráng sĩ, bạch mã hoàng tử, chàng đại gia sành điệu… cùng những mối tình thơ mộng và nghiệt ngã… Ít ai nhớ, Lý Hùng từng thể hiện vai tướng cướp lừng danh Trương Sỏi trong bộ phim đình đám “Người không mang họ” của đạo diễn Long Vân.

Tin, bài liên quan:

“Ông hoàng phòng vé” Lý Hùng – sức hút suốt 3 thập niên

Lý Hùng tiết lộ danh tính hàng loạt 'người yêu' trên sóng truyền hình

Cha con, chú cháu "thanh toán" nhau… vì phim

Đây là vai diễn ấn tượng sâu sắc với một chàng trai mới 19 tuổi đời như Lý Hùng lúc bấy giờ… Ngoài tính cách gan lì, trượng nghĩa, đa tình, nhân vật còn là một cao thủ võ lâm trong giới giang hồ với nhiều trận đánh “long trời lở đất” nhằm giành địa bàn và xưng hùng, xưng bá.

Diễn viên Lý Hùng "hồi tưởng" lại vai diễn đáng nhớ trong sự nghiệp

Hình ảnh quen thuộc của Lý Hùng trên màn ảnh nhỏ những năm 90

Lý Hùng ở tuổi 19 đã là một đẹp trai, giỏi võ với sự huấn luyện của ba anh là võ sư Lý Huỳnh, người từng thượng đài nhiều lần với các võ sĩ quốc tế. Với nhiều thuận lợi như thế, nên Lý Hùng vào vai này một cách tự tin và xuất sắc. Nhắc lại vai này, Lý Hùng bồi hồi nhớ lại: “Trong phim tôi có khoảng 6 trận đánh lớn nhỏ khác nhau, nhưng trận đánh đáng nhớ nhất là khi so tài với bang chủ Sơn Đông mãi võ (NSND Lý Huỳnh thủ vai), ông là thầy võ của tôi ngoài đời lẫn trên phim".

Chuyện hai nhân vật trong phim là thầy trò, ngoài đời là… cha con phải giải quyết bằng một trận đấu sinh tử vì Lý Hùng dám “quyến rũ” sư mẫu trong một mối tình nghiệt ngã, khiến bang chủ Lý Huỳnh nổi giận lôi đình, quyết thanh toán môn đồ. "Hai cha con tôi đánh nhau trên một bãi cát và sau đó còn kéo nhau xuống biển đánh một trận tơi bời hoa lá, tức nhiên kết quả là tôi bị te tua vì cái tội tày trời: Yêu nhầm sư.. mẫu!.

Hai cha con Lý Hùng "quyết đấu" trong phim "Người không mang họ"

Lần đó, để trận đấu được hấp dẫn, cha con tôi phải soạn các thế võ có tính chất phức tạp và đẹp mắt, tập luyện hàng tháng trời mới ăn ý với nhau trên phim trường. Ba tôi nổi tiếng là kỹ tính và khắt khe trong các đòn thế. Với ông, ngoài chuyện phải đánh cho hấp dẫn, còn phải diễn làm sao cho những người có võ, họ thấy mình là dân có nghề, chứ đánh mà người ta cười là kể như… uổng công.

 Chưa hết, cũng trong phim này tôi phải đụng độ một trận ác liệt với chú Lê Văn Nghĩa, nguyên là võ sư ngũ đẳng Taekwondo thứ thiệt. Chú Nghĩa vào vai Trương Sĩ Hợp một chiến sĩ công an đi truy lùng tên cướp lừng danh Trương Sỏi và hai người có một trận tranh tài cao thấp.

Theo kịch bản, đây là hai nhân vật có võ rất cao siêu. Ngoài đời, tôi trẻ tuổi có sức khoẻ tốt, cộng với độ gan lì, nhưng so với chú Nghĩa thì tôi chả là gì, vì chú là dân võ chính hiệu… Các đòn thế của chú chính xác và đạt độ khó rất cao, nên cả hai phải sắp xếp cũng như tính toán thật hợp lý… chứ không tôi mệt là cái chắc!

Tôi mê chú Nghĩa có cú đá bay 360 độ trên cao, rồi xoay đá vòng cầu rất dũng mãnh… Riêng tôi chơi đòn đá chẻ và cả những cú đá liên hoàn cước rất nhuần nhuyễn khiến cả đoàn phim ai nấy đều khoái chí. Những cảnh quay này, chú cháu tôi phải đánh từ 7 giờ tối đến 2 giờ sáng mới kết thúc. Lần đó bác đạo diễn khen quá trời, cả đoàn phim ai cũng phấn khởi vì có những hình ảnh rất đẹp từ hai người có võ đánh với nhau. Phần chú Nghĩa sau trận đánh ra sao thì tôi không biết, riêng tôi về nhà, hai cánh tay bầm xanh, sưng to, ê ẩm mấy ngày trời, vì hầu hết các đòn thế đều phải đánh thật. May là tôi cũng có tí võ, còn trẻ có sức chịu đựng tốt. Khi về nhà, mẹ tôi phải dùng rượu thuốc gia truyền xoa bóp liên tục mấy ngày trời tôi mới được “êm ấm” trở lại".

Nhân vật nhiều huyền bí

Nếu tinh ý, người xem sẽ thấy ngay từ cái tựa phim cũng đủ biết nhân vật Trương Sỏi của Lý Hùng rất ư phức tạp. Bởi theo tư liệu từ nhà văn Xuân Đức, tên cướp này có quá nhiều cái tên trong suốt hành trình giang hồ của mình: Trương Hiền, Nguyễn Viết Lãm, rồi cuối cùng là Trương Sỏi…

Vì sao nhân vật này lại có tên Trương Sỏi? Để lý giải điều này, trong phim có một phân đoạn mà Lý Hùng rất thích: Nhân vật cầm viên sỏi lên nhìn ngắm, sau đó nhìn lên trời rồi tự cười, hỏi: “Ta là gì ở trên đời này, ta sống để làm gì, có tốt cho xã hội hay không, hay là ta chỉ là một hòn sỏi trơ trọi giữa cuộc đời phiêu du”.

Theo Lý Hùng, ngoài đời nhân vật này có quá nhiều giai thoại nên khi tiểu thuyết "Người không mang họ" ra đời đã thu hút hàng triệu bạn đọc, đưa tên tuổi nhà văn Xuân Đức trở thành một cái tên được yêu mến nhất thời đó. Nhân vật Trương Sỏi được hư cấu từ chính cuộc đời của tuớng cướp khét tiếng miền Trung Trương Hiền ở thập niên 1970 kéo dài đến năm 1980. Băng cướp do Trương Hiền cầm đầu với 30 đệ tử đã gây nhiều vụ chấn động thành phố Vinh, gây bất an cho người dân. Mãi đến 10 năm sau, băng cướp này mới bị xóa sổ với 4 bản án tử hình, 4 bản án chung thân... Với hơn 30 nghìn bản phát hành, tiểu thuyết “Người không mang họ” nhanh chóng được dựng thành phim, chính thức ra mắt khán giả vào năm 1990.

Lý Hùng cho biết thêm: “Trương Sỏi trong phim là nhân vật đệ nhị Sơn Đông mãi võ, ngoài sự lì lợm, anh ta còn là người lì đòn và rất khỏe. Anh ta học rất nhiều thầy võ nên lối đánh rất đa dạng. Đây là nhân vật được thêu dệt bởi nhiều huyền thoại ly kỳ như: Võ nghệ siêu quần, xuất quỷ nhập thần, bắn súng bằng hai tay bách phát bách trúng, cướp của người giàu chia cho người nghèo… nên lúc mới nhận vai này, tôi rất hào hứng".

Những cảnh quay nhớ đời

Thời đó, Lý Hùng cùng với ba Lý Huỳnh, ngày đêm bàn bạc theo kịch bản, rồi tập luyện rất hăng say, nhằm khắc hoạ tốt nhất một tay cướp trượng nghĩa luôn có khát vọng hoàn lương mạnh mẽ. Có một cảnh quay không thể quên được đối với Lý Hùng là khi đạo diễn yêu cầu anh dùng tay không chặt bể chai rượu, nhằm dằn mặt các tay giang hồ đang muốn gây chuyện.

Nói thì dễ, nhưng khi quay là có vấn đề. Những năm 90 làm gì có chai rượu giả làm bằng đường hoá chất, làm gì có kỹ xảo như ngày nay, nên Lý Hùng phải làm thật. Anh dùng tay sử dụng thế võ “cương đao phạt mộc” chặt một phát, chai rượu bể tan tành, kèm theo cạnh tay phun máu tuôn chảy thành dòng, khiến cả đám giang hồ xanh mặt. Đạo diễn nhìn màn hình khoái lắm, nhưng dứt cảnh quay là phải chở Lý Hùng đi bệnh viện khâu hết 9 mũi.

Riêng cảnh Lý Hùng bơi qua sông vào lúc nửa đêm nhằm vượt vĩ tuyến 17 tìm đường mưu sinh. Cảnh này tổ khói lửa, thiết kế một đường dây kíp nổ song song hai bên, Lý Hùng sẽ bơi chính giữa và đạn sẽ nổ hai bên nhằm tạo sự gây cấn và hấp dẫn.

Giữa lúc hoang mang, phải bơi làm sao cho chính xác để góc máy thu hình chuẩn, thì chú khói lửa phán một câu xanh lè: “Lý Hùng ơi, ráng bơi ngay chính giữa hai làn dây điện nhe con, con mà bơi trật qua một bên, kíp nổ nó văng vào mắt là đui chứ hỏng phải giỡn chơi nhe!”.

Lý Hùng bật mí: “Nói thật, lúc đó tôi sợ đến xanh mặt nhưng vẫn cố gắng giả bộ “men lì” trả lời lí nhí: Ok, chắc không sao đâu, con bơi ngon lành mà… Sau pha diễn này, Lý Hùng tự cảm thấy “số má” giang hồ của mình cũng lên được chút đỉnh, bởi ai cũng ngạc nhiên, ngoài cái tài đánh võ anh còn là một tay bơi khá giỏi".

Riêng các cảnh quay tình cảm “mùi mẫn” với hai cô người yêu là nghệ sĩ Lan Hương (đoàn kịch Công an Nhân dân) và nữ võ sư Kim Chi, Lý Hùng cho biết: “Run và hồi hộp lắm, vì ngoài đời lúc nào cũng gọi bằng cô, nhưng suốt quá trình thu hình trên phim trường cứ phải là tình nhân mùi mẫn khiến tôi lúc nào cũng sượng sượng vì… ngượng, trai mới lớn mà, may nhờ có đạo diễn động viên, thị phạm nên cũng vượt qua một cách an toàn”.

Ký ức thời đã xa

Ngẫm về một vai diễn thuở thiếu thời này, Lý Hùng hào hứng: “Một bộ phim muốn hay phải là công sức của cả tập thể. Trong nhiều khâu chuẩn bị, theo tôi quan trọng nhất vẫn là kịch bản. Kịch bản cho một câu chuyện hay thì chúng ta mới làm ra được một bộ phim hay.

Ngoài ra, những câu chuyện từ hậu trường cũng rất thu hút khán giả, từ cái thẹo trên người, rồi những cái tai nạn nghề nghiệp, rồi những mối tình ngang trái, sự thanh toán giữa cha và con… luôn luôn là những điều hấp dẫn thu hút người xem phim. Nói thật tới giờ nhắc lại, tôi thấy mình quá may mắn và hạnh phúc khi được đảm nhận vai diễn này”.