VĂN HÓA

Ma nhai Ngũ Hành Sơn, di sản độc đáo trong lòng hang động

Lan Hương • 02-12-2022 • Lượt xem: 998
Ma nhai Ngũ Hành Sơn, di sản độc đáo trong lòng hang động

Ma nhai, văn tự khắc trực tiếp lên vách đá tồn tại suốt khoảng 400 năm trong lòng hang động Ngũ Hành Sơn ẩn chứa vẻ đẹp lịch sử, văn hóa độc đáo qua từng nét chữ cổ.

Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng đã được UNESCO ghi nhận là Di sản tư liệu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thuộc Chương trình Ký ức thế giới diễn ra tại Andong (Hàn Quốc) vào ngày 26/11 vừa qua. Đây là di sản tầm khu vực đầu tiên được công nhận của thành phố Đà Nẵng, hứa hẹn sẽ là điểm hút khách du lịch đến tham quan trong thời gian tới.

Văn thơ được khắc trên vách đá

Xét về ngữ nghĩa, “ma” tức là mài dũa, “nhai” là vách núi. Theo đó, ma nhai là loại hình thạch thất theo phương thức chế tác là những áng văn được điêu khắc trực tiếp trên các phiến đá của các vách núi.

Ma nhai Ngũ Hành Sơn là kho tàng tư liệu gồm 76 bia chữ Hán và 2 bia chữ Nôm với nội dung phong phú, phong cách đa dạng, hình thức độc đáo với nhiều thể loại như: Ngự bút, câu đối, bia ký, đề từ, đề danh, tán, thơ văn… của các vị vua quan nhà Nguyễn, các cao tăng, tao nhân mặc khách dừng chân tại nơi đây đã lưu lại trên vách đá của hang động.

Các tác phẩm được khắc trên đá ấn tượng độc đáo với nhiều kiểu chữ viết như chân, hành, thảo, triện, lệ… Là những tư liệu cực kỳ giá trị, đặc sắc và chân thực. Thể hiện tính giao thoa, hòa điệu về văn hóa, xã hội, kinh tế giữa các quốc gia như Nhật – Trung – Việt tại Việt Nam khoảng thế kỷ 17 đến thế kỷ 19.

Theo Ban quản lý danh thắng tại Ngũ Hành Sơn, các văn bản khắc trên núi đá có niên đại rất lâu đời. Tâm bia lâu nhất có tuổi đời hơn 400 năm hiện nằm tại động Hoa Nghiêm và động Vân Thông. Các bia còn lại hầu hết đều có tuổi đời trên 100 năm.

Các chuyên gia nhận định, đây chính là kho tàng tư liệu quý hiếm không thể thay thế. Được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm bởi giá trị phong phú về mặt lịch sử, văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ, tôn giáo, địa lý và văn học.

Ý nghĩa lịch sử qua từng năm tháng

Hệ thống bia ma nhai Ngũ Hành Sơn là kho tài liệu gốc, đây cũng là tư liệu duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên vách núi đá của hang động. Đặc biệt vua Minh Mạng đã có rất nhiều bài thơ ngự chế, trong đó hai tấm bia khắc thể hiện tư duy của người đứng đầu nhà Nguyễn chính là đại tự Vọng Giang đàiVọng Hải đài. Sự kiện đã được ghi chép trong nhiều tài liệu lịch sử như Đại Nam thực lục, Đại Nam thống nhất chí… Ngoài ra còn rất nhiều thơ đề của các đại thần nổi tiếng như Đào Tấn, Cao Xuân Dục, Nguyễn Thuật…

Có thể thấy rằng, mỗi văn tự tư liệu Hán Nôm khắc trên vách đá tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, mang đậm dấu ấn thời chúa Nguyễn, là sợi dây nối kết giữa tiền nhân và hậu thế.

Đặc biệt là hai tác phẩm Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc và Phổ Đà Sơn linh trung Phật, hai bia này có ý nghĩa vô cùng lớn về mặt sử liệu. Đánh dấu mốc thời gian quan trọng của quá trình phát triển của Phật giáo Việt Nam thời kỳ này. Đây cũng là tư liệu lưu giữ những ký ức về sự giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị của Việt Nam với các nước khu vực trên con đường hàng hải. Ngoài ra còn thể hiện vai trò của người phụ nữ Việt trong hôn nhân quốc tế vào những năm của thế kỷ 17.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng (Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP Đà Nẵng) nhận định: So với các địa phương lưu dấu ma nhai trên cả nước, ma nhai Ngũ Hành Sơn chứa đựng hệ thống văn khắc Hán Nôm trên các vách đá hang động vượt trội về số lượng, đa dạng về thể loại, và có sự ghi dấu của nhiều tác giả khắp 3 vùng Bắc – Trung – Nam cũng như ngoại kiều.

Với những giá trị kể trên, ma nhai Ngũ Hành Sơn đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khắt khi mà UNESCO đề ra. Từ đó xứng đáng trở thành tư liệu di sản thế giới và được bảo tồn và lưu giữ một cách triệt để.