VĂN HÓA

"Mẹ ơi, con sẽ lại về" và những hối hận muộn màng của người làm con

Diên Vĩ • 18-08-2024 • Lượt xem: 2647
"Mẹ ơi, con sẽ lại về" và những hối hận muộn màng của người làm con

Hoa hồng ngoài sân nhà vừa nở.

Khó khăn lắm hoa mới nở, vậy mà lại chẳng có ai để khoe.

~ Nhật kí ngày 18 tháng Sáu năm 1986

Mỗi năm cứ đến rằm tháng Bảy, tôi thường dành một vài buổi chiều ngồi nói chuyện tâm sự cùng ông Thầy. Ông không dạy tôi chữ nhưng dạy tôi sống nên tôi gọi là ông Thầy. Gần ngày lễ Vu Lan, ông Thầy hay kể tôi nghe chuyện xưa, chuyện cũ, chuyện của những người đã khuất. Năm nay, vì ông bận việc ở xa nên rằm tháng Bảy tôi chỉ ngồi một mình đọc sách. Vô tình hay hữu ý, tôi lại chọn ngay cuốn “Mẹ ơi, con sẽ lại về" của Hong Young-nyeo và Hwang Anna.

Cuốn sách là một sự kết hợp giữa những dòng nhật ký của bà Hong Young-nyeo, cũng là mẹ của bà Hwang Anna, và những tâm sự của bà Anna. Điều ít ai có thể ngờ đến khi đọc quyển sách này, chính là bà Young-nyeo học viết vào lúc bà đã 70 tuổi, và bà đã âm thầm viết những dòng nhật ký này. Nếu như bà Anna không vô tình tìm thấy 8 quyển nhật ký của bà Young-nyeo, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ thấy và đọc được những tâm tình cao cả cũng như nỗi cô đơn của bà Hong Young-nyeo, những nỗi lòng mà chắc người mẹ nào cũng tâm tư.

Cuốn sách “Mẹ ơi, con sẽ lại về” nói về những thăng trầm trong cuộc đời của bà Young-nyeo và suy nghĩ của bà, đặc biệt là những khoảng thời gian cuối đời của mình. Bà sống sót qua Thế chiến thứ 2 và Chiến tranh Triều Tiên, nhưng chồng bà mất sớm để bà một mình nuôi 6 người con cả trai lẫn gái.

ảnh: chân dung mẹ Hong Young-nyeo từ sách

Đọc đến đây thì tôi chợt nhớ đên ông Thầy và mẹ ông. Có rất nhiều những điểm tương đồng ở những người mẹ già, dù cho đó là một người mẹ người Hàn Quốc hay một người mẹ Việt Nam. Bà Young-nyeo, cho đến lúc bà mất, vẫn chỉ thích dùng những món đồ cũ bỏ đi của con cái mình. Đến cả cái tủ lạnh, các con bà đã phải dùng không biết bao nhiêu công sức để thuyết phục bà dùng một cái tủ lạnh mới. Thế mà, chỉ vỏn vẹn vài năm sau thì chiếc tủ lạnh đó đã trở thành vô chủ.

Mặc dù con cái đã trưởng thành, có cơ ngơi sự nghiệp, nhưng bà Young-nyeo vẫn giữ thói quen tiết kiệm từng đồng để cho con cho cháu. Bà bỏ tiền vào một cái áo cũ rồi quấn chặt trong nhiều lớp giấy và túi nilon, để cuối cùng con cháu bà không hề hay biết, lại đem đi đốt cùng với rác. Cũng giống như vậy, mẹ của ông Thầy cũng giữ từng tờ tiền lẻ một, cuộn tròn lại và bỏ túi nilon, bà cất giấu “kho báu” của mình khắp nơi, trong những chiếc hộp thiếc đựng trà đựng bánh khắp trong nhà. Đến lúc con cháu đến thăm, bà lại lấy một ít ra cho chúng nó mua cái bánh cái kẹo.

Ảnh: Trích nhật kí của bà Hong Young-nyeo

Bà Young-nyeo thích ở một mình và trồng trọt chăn nuôi. Bà thích được chờ các con về ăn chung bữa cơm, và cầm ít rau quả về cho gia đình. Và dù chỉ là rau quả bình thường, của một đồng công một nén, công sức, thời gian, và tấm lòng của bà quý giá hơn rất nhiều so với việc đi mua rau cải ngoài chợ. Bà Young-nyeo thích ăn cá, có mấy miếng cá ngon thì bà đều nấu ngay, nhưng chỉ dám xé miếng da nhỏ xíu ra ăn, còn thịt thì chờ con về ăn. Mẹ của ông Thầy cũng vậy, có ít trứng gà từ đàn gà cũng để tủ lạnh chờ mấy đứa cháu đi học nơi xa về ăn. Thế mà đám cháu thì đi cả một hai năm mới về, mà chúng có về cũng có lên thăm bà mấy đâu, thế là đống trứng lại vữa hết và bà phải vứt đi. Có lẽ những chuyện như thế này ở đâu cũng thế, vì ngay cả chuyện này chỗ ông Thầy và các con của bà Young-nyeo cũng giống nhau nốt.

Ông Thầy tôi làm việc lớn, việc thiên hạ nên thường phải đi ngược xuôi nhiều ngày. Mấy đứa cháu lớn rồi cũng dành nhiều thời gian cho bạn bè rồi đi học xa. Thế là chỉ còn bà ở nhà một mình với đám cây cỏ và chó gà. Bà Young-nyeo cũng thế. Các con bà càng lớn thì càng bận rộn, càng đối mặt với nhiều việc hơn. Thế là họ cũng không thăm bà đưọc nhiều. Câu “mẹ ơi, con sẽ lại về" dường như là câu quen thuộc của mỗi gia đình, và đôi khi lại là một lời nói có phần vô tâm. Đối với bà Young-nyeo, đó chính là động lực để sống tiếp. Những ngày tháng chờ đợi cho bà thêm hy vọng. Những bữa cơm, những cuộc gặp mặt, dù chỉ vài giờ hay vài ngày thì đều chóng vánh đối với bà. Khi cuộc mọi người ra về, bà hy vọng sẽ sớm có ngày gặp lại. Bà luôn băn khoăn và hy vọng thần chết sẽ để cho bà có thêm một lần gặp gỡ nữa. Và khi sức khỏe bà ngày càng yếu dần, bà lại mong muốn mình được ra đi mà đừng làm khổ con cháu dâu rể của mình.

Và rồi vào một ngày mùa thu, bà Young-nyeo té ngã khi cố sức ra đồng để làm ruộng, bà nghĩ năm nay là năm cuối cùng bà có thể trồng vừng và làm đồ ăn cho con, nên bà đã cố chút sức còn lại để ra ngoài đồng. Đó cũng là lần cuối cùng dáng hình nhỏ bé của bà xuất hiện trong khu vườn mùa thu năm ấy. Sau lần té ngã đó bà đã nhập viện, và 2 năm 8 tháng sau, bà Young-nyeo ra đi trong sự đau buồn của gia đình. Mẹ của ông Thầy thì khác một chút. Cũng một đêm giông bão, vì lo cho mấy con chó mấy con gà trong nhà, bà bị vấp ngã. Nhưng khác với bà Young-nyeo, mẹ của ông Thầy ra đi vĩnh viễn ngay ngày Vu Lan tháng Bảy.

Ảnh: trích dẫn từ quyển sách “Mẹ ơi, con sẽ lại về"

Sau đó là những chuỗi ngày của sự ân hận và tiếc nuối. Bà Anna và ông Thầy tôi đều thơ thẩn với những câu giá như, giá như được ở cạnh mẹ thêm một chút, giá như có thể ăn thêm với mẹ một vài bữa ăn, giá như đừng nói những điều mình đã nói, giá như đừng làm những gì mình đã làm… Thế nhưng, có ai nghe được những chữ giá như đó ngoài chính bản thân họ. Câu chuyện của bà Anna khép lại với rất nhiều chữ “nếu”, và một “nỗi hối hận muộn màng luôn ám ảnh tôi.", còn ông Thầy thì ngồi tâm sự với cậu học trò vẩn vơ mỗi mùa Vu Lan về.

Mỗi năm ông Thầy tôi hay đăng vài dòng status vu vơ. Nhưng năm nay ông bận chuyện ở nơi xa, tôi đành thay ông gửi đến người đọc vài dòng. Thay mặt cho bà Anna, thay mặt cho ông Thầy, tôi xin gửi lời đến những ai còn mẹ, hi vọng mọi người sẽ không phải nói câu “mẹ ơi, con sẽ lại về" trong sự hối tiếc, hi vọng những người mẹ sẽ có thể nghe câu “mẹ ơi, con đã về đây" cùng với một chiếc ôm thật chặt, đủ để xóa tan sự cô đơn của những người mẹ đang trông ngóng những đứa con từ xa trở về.