VĂN HÓA

Miện Bình Thiên - biểu tượng đế vương thời Trần

DDVN • 10-10-2021 • Lượt xem: 641
Miện Bình Thiên - biểu tượng đế vương thời Trần

Ở nước ta, xưng đế có từ thời Đinh, tức hoàng đế Đinh Tiên Hoàng (968 - 979) và được các triều đại về sau tiếp nối đến hết triều Nguyễn.

Thời Trần, Đại Việt là một trong những quốc gia hùng cường, uy danh lừng lẫy. Đây là một vương triều sáng chói, nhưng rất tiếc là các di tích, di vật không còn tồn tại là bao.

Về quân sự, năm 1258, nhà Trần đẩy lùi cuộc tấn công xâm lược của quân Mông Cổ. Năm 1285, nhà Trần đánh tan hơn nửa triệu quân Nguyên xâm lược. Năm 1288, nhà Trần thắng trận Bạch Đằng lịch sử, đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lược của quân Nguyên. Về văn hóa, nhà Trần đặt ra học vị thái học sinh và đến năm 1442 đổi gọi là tiến sĩ. Năm 1247, định lệ tam khôi là danh hiệu cao quý, đó là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa...

Đây là một vương triều sáng chói, nhưng rất tiếc là các di tích, di vật của thời kỳ này không còn tồn tại là bao. Còn về y phục thì hiện nay chỉ được biết đến bức tượng Kim Cương trên ngói với chiếc mũ Đầu hổ (tượng đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia). Tiếp đến là bức chân dung của vua Trần Nhân Tông với đầy đủ cổn miện (trang phục) ngồi trên ngai rồng được khắc tạc trên bia Ngô gia thị bi, hiện lưu giữ ở chùa Giầu thuộc hai thôn Đinh và Trung, ở xã Đinh Xá, H.Bình Lục, Hà Nam (ảnh 1).

Nhận thấy về y phục ở thời kỳ này vô cùng là khiếm khuyết, để đáp ứng nhu cầu của rất nhiều các bạn trẻ yêu cổ phục, và cũng là giúp các nhà làm phim cổ trang sát với sử hơn, tôi đã có bài viết Phát hiện mới về 2 bức tượng cổ quý hiếm ở Việt Nam (Thanh Niên ngày 10.12.2020) về chiếc mũ Đầu hổ. Còn trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn nói đến chiếc miện Bình thiên trong chân dung vua Trần Nhân Tông như đã nêu trên.

*Bia Ngô gia thị bi thời Trần xứng đáng là bảo vật quốc gia

Bia Ngô gia thị bi phải nói rất giá trị, không những ở văn khắc mà còn cả về nghệ thuật chân dung ở thời kỳ này, nên đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và họ cũng đã tốn khá nhiều giấy mực về nội dung và hình người được tạc trên bia. Điển hình là nghiên cứu của PGS Chu Quang Chứ với bài Tấm bia chùa Giầu với niên đại thời Trần và chân dung vua Trần Nhân Tông (Thông báo Hán Nôm học 2001). Nhìn chung, bia đã được xác định niên đại (gồm cả văn bia và hình người) cụ thể là năm 1366, và hình người cũng được công nhận là chân dung vua Trần Nhân Tông đã ngự giá về đây năm 1298, đồng thời còn cho đây là hình ảnh về vua Việt Nam sớm nhất hiện nay được biết đến.

Về cổn miện của vua cũng được các nhà nghiên cứu miêu tả nhận định chính xác, nhưng đi vào chi tiết trang trí ở miện Bình thiên, tôi nhận thấy như sau.

Theo ấn phẩm Ngàn năm áo mũ của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức thì tác giả đã dựa vào Trung Quốc y quan phục sức đại từ điển và cho rằng trang trí ở trán miện là dải Thiên Hà đới, xuất hiện vào thời Đường - Trung Hoa, đến thời Tống chỉ còn thấy qua ghi chép (tr.36, 37). Tiếp đến là nghiên cứu của họa sĩ Trịnh Quang Vũ, được thể hiện bằng bản vẽ trong video Đi tìm trang phục Việt, thì hình tròn lớn ở giữa trán mũ được thể hiện ở hai bên là hai vân kiên đối xứng, nhưng ở phía dưới không có gì trong khi thực tế có nhiều hoa văn. Còn đối xứng ở hai bên có lẽ họa sĩ cho đó là chòm sao nhưng lại chỉ có 5 sao (ảnh 2).


Nghiên cứu của họa sĩ Trịnh Quang Vũ

Thế nhưng, với hình ảnh chất lượng cao của nhà nhiếp ảnh Hiếu Trần, cùng bản dập của Bảo tàng Hà Nam, qua đối chiếu là hoàn toàn khớp với nhau và cho biết rất chi tiết. Tôi đã đồ lại phần trang trí ở trán miện rồi đánh dấu bằng số và chữ để dễ phân tích như sau (ảnh 3).

Tại chính giữa trán miện là một hình tròn to có nhiều hoa văn ở phân nửa phía dưới, được đánh dấu số 1, đối xứng ở hai bên có nhiều hình tròn nhỏ được đánh dấu là các chữ A, B, C, D, E, F. Tuy nhiên, ở bên trái còn có thêm 1 chấm tròn nữa sát cạnh trán mũ, tiếp nữa là theo ảnh chụp phần nhô ra ở miện tại hai cạnh bên cũng cho thấy mỗi bên có 1 chấm nhỏ nữa.

Qua xem xét tôi cho rằng đây là đồ án trang trí thuộc về lĩnh vực thiên văn, gồm có mặt trời (số 1), hai bên là hai chòm sao, mỗi chòm là 6 sao (A, B, C, D, E, F).

Về hình mặt trời, ở hai bên và phía dưới có những hoa văn chạm bị đứt quãng và hình như không được đầy đủ nên rất khó nhận diện, nhưng vẫn nhận ra có sự đăng đối ở hai bên, và hình như đó là các đao lửa cách điệu. Còn phía dưới có lẽ vẫn là các tia, nhưng lại cho thấy thể hiện chếch xuống về bên phải, tạo hiệu ứng trông như mặt trời đang di chuyển từ phải qua trái. Rất có thể đây là dấu hiệu thể hiện về sự vận hành trong vũ trụ của nghệ nhân xưa, và hoàn toàn không có sự can thiệp về sau, chẳng hạn như một nghịch phá nào đó chạm thêm vào.

Với các phát hiện nêu trên, cùng với những phát hiện của khảo cổ học ở thời kỳ này, còn cho thấy mặt trời xuất hiện trên nhiều hiện vật với đồ án trang trí như lưỡng long hoặc song phượng triều nhật, thú vị nhất là rồng phượng còn chầu cả hoa cúc nữa. Đây có lẽ là khởi đầu về những đồ án mang tính đế vương mà sau này triều Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng, Nguyễn, tiếp nối và rất được phổ biến. Hình ảnh mặt trời cùng với miện Bình thiên ở đây chính là một trong những biểu tượng đế vương của vương triều Trần.

Được biết hiện nay Bảo tàng tỉnh Hà Nam đang làm hồ sơ trình lên Bộ VH-TT-DL để công nhận tấm bia Ngô gia thị bi thời Trần là bảo vật quốc gia khiến giới nghiên cứu rất mừng bởi việc làm này của bảo tàng là hết sức có ý nghĩa và tỏ lòng biết ơn các tiền nhân.

Theo Vũ Kim Lộc/Thanhnien.vn