VĂN HÓA

Miệt thị ngoại hình người khác và hệ quả khó lường

Hà Chi (Tổng hợp) • 14-11-2020 • Lượt xem: 5406
Miệt thị ngoại hình người khác và hệ quả khó lường

Nhiều người trong chúng ta dành một phần đáng kể thời gian để mải mê với việc kết nối với bạn bè qua các trang mạng xã hội. Like ảnh và bình luận về ngoại hình của người khác là việc chúng ta thường làm, và thông thường, nó là niêm vui vô hại. Nhưng một trong những mặt trái của việc này đó là hành vi body shaming. Body shaming là gì? Nó ảnh hưởng tới mỗi người ra sao? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Thế nào là body shaming?

Body shaming hay còn gọi là miệt thị ngoại hình, được định nghĩa là hành động đưa ra nhận xét không phù hợp và tiêu cực về cân nặng hoặc ngoại hình của người khác. Thông thường, đây là điều mà những người thừa cân phải chịu nhưng bên cạnh đó còn có xu hướng chỉ trích những người trông "quá gầy".

Body shaming là hiện tượng phổ biến. Nó có trong tạp chí, báo, chương trình truyền hình, phim, cuộc trò chuyện giữa bạn bè, trên Internet và các trang mạng xã hội. Body shaming khiến người bị nhận xét, miệt thị cảm thấy khó chịu hoặc thậm chí thấy mình bị xúc phạm.

Những hình thức body shaming

Nhiều người vô tư nhận xét về ngoại hình của người khác một cách không kiêng nể. Họ nghĩ rằng đó là một điều bình thường, không có gì xấu. Thậm chí, nhiều người còn thấy rằng đó là những đóng góp mang tính xây dựng, giúp người khác trở nên tốt đẹp hơn. Đó hẳn là suy nghĩ nông cạn, thiển cận cần phải chấm dứt ngay lập tức.

Body shaming thể hiện theo nhiều cách:

1) Tự chỉ trích ngoại hình của mình, thông qua việc đánh giá hoặc so sánh với người khác. (ví dụ: Tôi thật xấu so với cô ấy; Hãy nhìn xem vai tôi rộng như thế nào).

2) Chỉ trích ngoại hình của người khác trước mặt họ, (Ví dụ: Với cặp đùi đó, bạn sẽ không bao giờ được một chàng trai nào theo đuổi. Dạo này trông cậu có vẻ tăng cân nhỉ).

3) Chỉ trích ngoại hình của người khác mà họ không biết. (tức là: Bạn có thấy hôm nay cô ấy mặc gì không? Không phải nịnh đâu; Ít ra thì trông bạn không giống cô ấy).

Body shaming xuất hiện dưới dạng là những lời nói mang ý nghĩa tiêu cực và trong thế giới hiện nay hiện tượng này xuất hiện rất nhiều. Ở Việt Nam, hình thức này đặc biệt xuất hiện nhiều trên mạng xã hội, và những người nổi tiếng do có sự xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, là đối tượng chú ý nên họ thường bị body shaming.

Body shaming nguy hiểm như thế nào?

Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo mọi người rằng hậu quả của body shaming rất nghiêm trọng, nó có thể góp phần gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu đã chỉ ra body shaming có thể làm gia tăng các vấn đề về ăn uống. Ví dụ: "béo xấu hổ" tức là một người bị chê béo, thừa cân, quá khổ có thể khiến họ ăn nhiều hơn và tăng thêm cân. Ngược lại, với một người liên tục bị nói rằng họ gầy, họ có thể bắt đầu ăn ít hơn vì quá căng thẳng hoặc vì họ quá sợ hãi để tăng cân do bị soi xét.

Body shaming phá hủy lòng tự trọng và sự tự tin của con người. Nó khiến những người lâm vào hoàn cảnh bị body shaming cảm thấy bản thân mình thật xấu xí, thua kém người khác.

Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng tới sức khỏe. Những phụ nữ có mức độ xấu hổ trên cơ thể cao cho biết số lượng bệnh nhiễm trùng cao hơn, sức khỏe tổng thể kém hơn, các vấn đề tiêu hóa và đau đầu thường xuyên hơn.

Thậm chí, khi phụ nữ body shamed cũng cảm thấy xấu hổ về các chức năng tự nhiên của cơ thể. Ví dụ, kinh nguyệt, đổ mồ hôi và ăn uống trở thành những vấn đề cần che giấu. Do đó, họ có xu hướng từ chối dịch vụ chăm sóc chất lượng của bản thân, dẫn đến ốm đau và bệnh tật nhiều hơn.

Body shaming không chỉ giết chết tâm hồn, sự tự tin mà còn giết chết sinh mạng quý giá của con người. Trên báo chí, truyền thông đã có nhiều trường hợp body shaming gây hậu quả nghiêm trọng.

Tờ The Guardian của Mỹ đã đưa tin về Jessica Laney, một học sinh trung học, đã tự kết liễu cuộc đời mình khi mới 16 tuổi chỉ vì em không chịu nổi những lời miệt thị cay nghiệt từ những người xung quanh về ngoại hình của mình như : “ Cô béo thật đấy”, “Sao cô không đi chết đi ?”, “Chả có ai quan tâm đến một người béo như cô đâu”.

Hoặc Brenda Vela, một cô bé 18 tuổi, bị các bạn cùng lớp bắt nạt và chế giễu vì cân nặng của mình trong một thời gian dài. Mặc dù, gia đình của Brenda đã thông báo với cảnh sát và văn phòng của nhà trường nhưng không nhận được sự giải quyết. Hậu quả là Brenda tự sát bằng súng ngay trước mặt bố mẹ và ông bà tại nhà.

Hay ở Việt Nam, người mẫu Cao Ngân, trong đêm chung kết cuộc thi Vietnam Next Top Model All Stars 2017, cô bị cư dân mạng và rất nhiều người chế giễu với những lời bình luận vô cùng phản cảm : “da bọc xương”, “nhìn như bộ xương di động”, hay “ nhìn mà liên tưởng đến nạn chết đói năm 1945”. Họ chỉ nói cho sướng miệng mà đâu biết rằng lúc đó Cao Ngân đang phải chống chọi với bệnh tật. Những lời nhận xét ác ý của cư dân mạng đã khiến bệnh tật của cô trở nên trầm trọng hơn.

Có thể làm gì về body shaming?

Chúng ta không thể kiểm soát hành động và nhận xét của người khác nhưng chúng ta có thể ngăn bản thân bước vào vòng luẩn quẩn của body shaming.

Ngừng body shaming bản thân - mọi người đều có những ngày và thời gian tồi tệ khi họ cảm thấy họ muốn thay đổi điều gì đó về bản thân. Cố gắng chấp nhận con người của bạn hơn là lên án bản thân vì điều đó. Nếu xung quanh bạn là những người đang than vãn về ngoại hình của họ, thay vì tham gia, hãy bỏ đi và làm điều gì đó khiến bạn cảm thấy hài lòng về bản thân.

Đừng tham gia - bạn có thể gặp phải hoặc đã gặp phải body shaming thường xuyên và cảm thấy tội lỗi khi tham gia, thậm chí có thể bạn không nhận ra. Điều tốt nhất bạn có thể làm là tránh hoàn toàn đưa ra những nhận xét tiêu cực.

Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ hãi body shaming

Nếu bạn thấp, không có nước da trắng, hàm răng không sáng bóng và khuôn mặt không V-line thì điểu đó cũng không vấn đề gì. Đừng biến mình thành nạn nhân của body shaming.

Bỏ ngoài tai những nhận xét của người khác về bản thân mình là điều chúng ta nên làm. Vì mỗi người sinh ra có những đặc điểm khác nhau. Có thể bạn không có một thân hình chuẩn như các cô người mẫu, nhưng bạn sẽ có những điểm đặc biệt riêng của bản thân. Thế nên, ngưng so sánh mình với người khác. Việc này chỉ làm cho bản thân bạn cảm thấy tự ti, xấu hổ, thấy mình thua kém hơn mà thôi.

Thay vì so sánh, hãy tự “làm đẹp” bản thân bằng các kĩ năng, bằng kiến thức, bằng sự thông minh, bằng một cơ thể khỏe mạnh... Điều này không có nghĩa vẻ đẹp hình thức không quan trọng. Bạn cũng phải quan tâm đến ngoại hình của mình, đừng bỏ bê nó: ăn những món ăn lành mạnh, tập thể dục đều đặn, dưỡng da hàng ngày, tô một chút son môi hay mặc một bộ quần áo tươm tất khi ra đường.

Những điều này sẽ khiến bạn cảm thấy tự tin hơn ở chính mình. Khi yêu bản thân, bạn sẽ vượt qua được nỗi hợ hãi của các hành vi body shaming.

Tuy nhiên, vấn đề là không phải ai cũng vượt qua được nỗi sợ hãi này. Vì vậy, bạn cũng có thể tìm đến sự giúp đỡ của bạn bè, gia đình, người thân khi mình là nạn nhân của body shaming. Chia sẻ những khó khăn mà bạn đang gặp phải, mọi người sẽ cho bạn những lời khuyên bổ ích, và giúp bạn thoát ra khỏi những suy nghĩ tồi tệ về bản thân.

Ngưng body shaming phải trở thành thông điệp được truyền bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Đừng để nó gây nên những hậu quả đáng tiếc cho cuộc sống của chúng ta.