Miệt thị ngoại hình là lời nói nửa đùa nửa thật nhằm miệt thị, chê bai, bình phẩm ngoại hình của người khác. Có người vô tình, có người hữu ý thế nhưng dù thế nào đi nữa những lời nói này cũng tác động trực tiếp đến tâm trạng, cảm xúc của người nghe và gây ảnh hưởng đến tâm lý kéo dài. Vậy làm sao để nhận biết và vượt qua được vấn nạn này?
Miệt thị ngoại hình là gì?
Miệt thị ngoại hình tiếng anh là body shaming là một cụm từ dùng để ám chỉ các hành vi xúc phạm, hạ thấp, chê bai, miệt thị ngoại hình của một người nào đó. Nó xảy ra ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới không chỉ riêng ở Việt Nam.
Miệt thị ngoại hình mang tính chất tiêu cực, nó mang đến cho người nghe những cảm xúc tiêu cực, sự tổn thương, sợ hãi, tự ti, mất động lực trong cuộc sống thậm chí tệ hại hơn là trầm cảm, tự tử. Hiện nay, tình trạng này xảy ra rất phổ biến trên các nền tảng xã hội. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của miệt thị ngoại hình. Những người thành công, nổi tiếng cũng có thể trở thành nạn nhân.
Mới đây nhất là trường hợp của Kim In-hyeok, 28 tuổi, một vận động viên bóng chuyền chuyên nghiệp của Hàn Quốc đã tự sát tại nhà riêng. Theo người thân thì anh đã gặp vấn đề tâm lý do những bình luận tiêu cực trên mạng xã hội. Trước đó anh đã từng giải thích rằng gương mặt của anh không hề trang điểm, anh không dùng mascara hay chì kẻ mắt. Thế nhưng hàng nghìn bình luận mỗi ngày vẫn không tha cho anh và luôn soi mói mỗi lần anh xuất hiện. Những lời dè bỉu về ngoại hình và những tin đồn về giới tính đã quấy rối anh trong nhiều năm. Cho đến khi có một cái chết mới khiến mọi người giật mình thức tỉnh nhận ra những lời nói là con dao vô tình gây sát thương lớn như thế nào. Xung quanh chúng ta những câu chuyện body shaming xảy ra không hề ít.
Những hình thức miệt thị ngoại hình thường gặp
Body shaming có thể tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau, có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhằm mục đích chỉ trích, chê bai, châm biếm ngoại hình của người khác. Body shaming cũng có thể là những lời trêu chọc, đùa giỡn lặp đi lặp lại nhiều lần khiến cho người khác cảm thấy khó chịu, bực tức.
Nạn nhân của vấn nạn miệt thị ngoại hình này là những người có thân hình quá cỡ hay có những bộ phận khác lạ như béo mập, da đen, bụng bự, ngực nhỏ, đầu hói, thấp, bé, còi cọc, khuyết tật, dị dạng... đều có thể trở thành mục tiêu công kích. Có hai hình thức body shaming đó là miệt thị người khác và miệt thị chính mình.
Hình thức body shaming miệt thị người khác
Đây là hình thức phổ biến nhất hiện nay xuất hiện khắp nơi trên thế giới do sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội. Ngày nay hầu hết mọi người đều sử dụng điện thoại thông minh, laptop, máy tính và có tài khoản mạng xã hội. Điều này khiến cho vấn nạn body shaming ngày càng gia tăng. Những lời bình luận sử dụng những từ ngữ châm biếm, miệt thị, bới móc để hạ nhục người khác. Có người chỉ có ý đùa giỡn, có người hùa theo số đông, có người với động cơ cạnh tranh hoặc trả thù. Những anh hùng bàn phím này không lường trước được sự sát thương của những lời nói. Vì vậy đã gây ra những vụ tự sát đau lòng.
Hình thức body shaming miệt thị chính mình
Những người này thường có tính cách nhút nhát, rụt rè, tự ti, mặc cảm về thân hình, vóc dáng, cân nặng hoặc bất cứ khuyết điểm nào trên cơ thể họ. Họ luôn có cái nhìn tiêu cực và tự đưa ra những đánh giá thấp cho chính mình. Hoặc họ có thể so sánh bản thân với những người có ngoại hình tốt hơn. Điều này khiến họ cảm thấy lo lắng, bất an và sợ hãi khi đối diện với người khác đặc biệt là trước đám đông. Họ luôn tìm các che dấu những khiếm khuyết trên cơ thể của mình.
Cách nhận biết hành vi miệt thị ngoại hình.
Một vài ngôn ngữ body shaming phổ biến như:
Đối với người khác: trông bạn dạo này béo thế, dạo này mặt bạn nhiều mụn thế, trông bạn như một con heo, trông bạn như một người khổng lồ, da đen, môi thâm, răng hô, nhìn như pê đê, mày bị ái à...
Đối với bản thân: Sao tôi xấu vậy, tại sao tôi không được như người khác, tôi luôn gặp xui xẻo vì xấu xí, tôi phải phẫu thuật thẩm mỹ để đẹp hơn...
Tác động của miệt thị ngoại hình
Body shaming giống như một hình thức giết người không dao, giết người gián tiếp gây cho người nghe sự tổn thương, ám ảnh nghiêm trọng khiến họ tìm mọi cách để giảm cân hoặc làm đẹp gây ra tình trạng lạm dụng thuốc giảm cân, hay nghiện phẫu thuật thẩm mỹ. Có người sẽ cảm thấy buồn tủi, thất vọng về bản thân, họ tin rằng mình thật sự xấu khiến họ tự ti về ngoại hình và mắc các chứng bệnh về tâm lý như trầm cảm, ám ảnh, lo âu...
Làm gì để vượt qua vấn nạn miệt thị ngoại hình
Body shaming không chỉ gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống hàng ngày. Chính vì vậy ngay khi nhận ra mình đang bị body shaming thì bạn cần nhanh chóng tìm các phương pháp để vượt qua nó.
Mỗi người trong chúng ta là một cá thể riêng biệt và duy nhất trên thế giới, vì vậy mỗi người sẽ có vẻ đẹp khác nhau. Đó chính là sự đa dạng của cuộc sống này. Bạn có quyền tự hào về bản thân mình, không ai có quyền phán xét ngoại hình của bạn. Bởi trên đời này không ai là hoàn hảo cả.
Vì vậy, thay vì buồn tủi bởi những lời nói miệt thị ngoại hình đó thì bạn hãy lắng nghe và chọn lọc những thông tin mang tính hỗ trợ giúp bạn nhìn nhận lại bản thân để thay đổi tốt hơn. Hãy phát huy những ưu điểm của bạn, nâng cao sự hiểu biết và giá trị con người bạn.
Hạn chế dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội. Hãy rời xa những người luôn miệt thị ngoại hình của bạn. Và hãy tiếp xúc với những người có những lời nói mang tính tích cực dần dần bạn sẽ có những suy nghĩ tích cực về bản thân mình hơn, biết cách chăm sóc ngoại hình, tạo dựng những thói quen tốt cho sức khỏe như ăn uống lành mạnh, tập thể dục, đọc sách. Ngoài ra bạn cần hiểu bản thân mình, học cách yêu bản thân mình, biết mình có những điểm mạnh gì, đáng yêu ở đâu thì sẽ không dễ dàng tin vào những lời nói của người khác và bị body shaming tác động vào.