VĂN HÓA

Mở cửa thư viện nhiếp ảnh lớn nhất châu Phi tại Ghana

Hoài Việt • 28-12-2022 • Lượt xem: 727
Mở cửa thư viện nhiếp ảnh lớn nhất châu Phi tại Ghana

Sau thời gian huy động gây quỹ cộng đồng, cuối cùng ước mơ xây dựng thư viện nhiếp ảnh lớn nhất Châu Phi của nhiếp ảnh gia kiêm nhà làm phim - Paul Ninson cũng trở thành hiện thực. Trung tâm Dikan (theo tiếng địa phương nghĩa là “tiên phong") chính thức được đưa vào hoạt động tại thủ đô Accra (Ghana) với quy mô lưu giữ và trưng bày hơn 30.000 quyển sách, bên cạnh đó là ảnh mà nhà sáng lập đã sưu tập được.

Châu Phi, hay đặc biệt là vùng Tây Phi có lịch sử phát triển lĩnh vực nhiếp ảnh vô cùng phong phú và lâu đời. Một số tên tuổi về những người tiên phong đầu tiên, nói lên những thay đổi về xã hội, chính trị và văn hóa thông qua các tác phẩm lại đến từ các doanh nhân. Họ đóng vai trò như những nhiếp ảnh gia lưu động: chẳng hạn như chủ doanh nghiệp và điều hành các studio - George Lutterodt, phóng viên ảnh James Barnor cho ra đời phòng thí nghiệm màu đầu đời tại Ghana….

Tuy nhiên, những ghi chép về lịch sử, tài liệu nghiên cứu về các tác giả, tác phẩm lại rất hiếm có dẫn đến tìm hiểu tài liệu hết sức khó khăn. Mặc dù hiện nay đã có sự phủ sóng và hỗ trợ từ Internet, thế nhưng lại không mấy hiệu quả. Do vậy, sự thành lập trung tâm Dikan khiến nhiều người không khỏi mong đợi. Bởi lúc này, việc đào sâu nghiên cứu, sáng tạo trở nên dễ dàng hơn gấp ngàn lần nhờ vào số lượng tài liệu lưu trữ đồ sộ. Đó cũng chính là mong muốn và tầm nhìn của Ninson, nhằm thể hiện sự trân trọng và lòng tự hào đối với lịch sử nhiếp ảnh Châu Phi. Từ đó khơi gợi nguồn cảm hứng bất tận cho những tên tuổi nhiếp ảnh gia mới nổi, mang đến công chúng những câu chuyện của riêng mình bằng lăng kính chân thực nhất, giàu cảm xúc nhất. 

Sở thích sưu tập sách ảnh của Ninson bắt nguồn từ năm 2019 khi anh được tham gia vào một khóa học đầu tiên về nhiếp ảnh tại New York. Sau đó không lâu, đại dịch bùng phát khiến các hiệu sách rơi vào tình trạng hoạt động thưa thớt, giá sách lúc này ở tình trạng gần như chạm đáy. Nhờ đó, Ninson nhờ vào số tiền mình đi làm thêm kiếm được và có cả tiền vay đã mua được khoảng 15.000 cuốn sách. Thoạt đầu, anh chỉ có ý nghĩ muốn chia sẻ chúng với các nhiếp ảnh gia quê nhà nhằm tạo cơ hội cho những bạn trẻ trao dồi hay có thêm cơ hội học hỏi.

Thế nhưng cho đến khi Ninson nhận ra bộ sưu tập của anh quá nhiều và có thể tạo nên cả một thư viện để phục vụ cho nhiều người hơn, anh bắt đầu liên lạc thêm với những hiệu sách, các phòng trưng bày, nhà sưu tập tư nhân và đồng thời kêu gọi thêm quỹ cộng đồng cùng đóng góp. Tất cả đều nhận được sự chú ý và ủng hộ đông đảo bởi tính thuyết phục và tiềm năng thực thi của ý tưởng.

Hàng loạt sách về tác phẩm đến từ các nhiếp ảnh gia có xuất thân là người da màu được giới thiệu và đưa đến gần hơn với công chúng. Có thể kể đến nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Phi - Gordon Parks, người đầu tiên có được vị trí nhân viên ở tạp chí Life. Bên cạnh đó còn là chủ nhân của nhiều quyển sách hiếm khác. Một trong chúng là tác phẩm đến từ năm 1852 với chữ ký của Thống đốc Gold Coast - Ghana hiện nay - Stephen Hill. Hay cố nhiếp ảnh gia tài liệu Emmanuel Bobbie (còn được biết với cái tên Bob Pixel) - người đã qua đời vào năm 2021. Được biết, giới thiệu về Bob Pixel cũng là chương trình đầu tiên trong chuỗi giới thiệu tác phẩm và các chương trình thường xuyên tại không gian triển lãm. 

Ngoài ra, tại trung tâm Dikan, không chỉ có kho tàng ảnh và sách với quy mô lớn mà còn có cả studio chụp ảnh cùng các không gian để tổ chức hội thảo, lớp học, tạo cả điều kiện thuê thiết bị nếu cần thiết. Đặc biệt là đầu tư chương trình học bổng trao đến cho các nhà làm phim tài liệu và nghệ sĩ thị giác Châu Phi.