ĐỜI SỐNG

Mỗi người mẹ đều yêu con theo một cách khác nhau trên thế giới này

Uyên Nguyễn • 13-08-2024 • Lượt xem: 1698
Mỗi người mẹ đều yêu con theo một cách khác nhau trên thế giới này

Theo một nghiên cứu mới đây, những người mẹ ở các quốc gia trên thế giới có nhiều cách khác nhau để thể hiện tình yêu thương con mình.

Một người mẹ thì bồng đứa con đang khóc và đưa qua đưa lại dỗ dành; nhưng một người mẹ khác thì lại quay đi, để mặc đứa con khóc cho đến khi tự nín khóc.

Cả hai người mẹ đều yêu con mình nhưng lại có cách thể hiện tình yêu khác nhau.

Nghiên cứu của Jennifer Lansford đã tập trung khám phá những hình thái khác nhau của tình mẹ. Đối với bà, ngày nào trong năm năm qua cũng là Ngày của Mẹ.

Lansford, một giáo sư tâm lý học và nhân học văn hóa tại Đại học Duke ở Bắc Carolina, đã khảo sát khoảng 1.400 người mẹ và người con ở chín quốc gia. Khi dự án 10 năm của bà đi được nửa chặng đường, một số sự tương phản hấp dẫn đã xuất hiện.

“Nhìn chung, một trong những nhiệm vụ chính của người mẹ là khiến con cái cảm thấy được yêu thương, chấp nhận và coi trọng mặc cho bối cảnh văn hóa lúc ấy có ra sao đi chăng nữa. Những người mẹ có thể làm được điều này thành công sẽ nuôi dạy được những đứa con thích nghi tốt hơn", bà nói.

Tuy nhiên, cụ thể mỗi người mẹ làm điều này như thế nào thì lại khác nhau tùy theo từng nền văn hóa.

Người mẹ tốt ở Nhật Bản cố gắng dự đoán nhu cầu của con trước khi con khóc. (Ảnh: Internet)

Ví dụ, ở Mỹ, một người mẹ tốt là người biết chờ phản ứng của con mình, Lansford nói. Người mẹ ấy sẽ đáp ứng nhu cầu của đứa trẻ, cho ăn hoặc thay tã cho con khi con khóc. Ngược lại, một người mẹ tốt ở Nhật Bản là người chủ động, cố gắng dự đoán nhu cầu của con trước khi con khóc.

"Những người mẹ Nhật Bản cố gắng ngăn tiếng khóc trước khi nó xảy ra", Lansford chia sẻ. "Họ sẽ bảo rằng, 'Con tôi thường ăn sau mỗi hai giờ, vì vậy có lẽ đã đến lúc cho con bú' ''.

“Khi những người mẹ ở Nhật Bản tương tác với trẻ sơ sinh bằng cách dự đoán trước như vậy, nó tạo ra cảm giác mẹ con phụ thuộc lẫn nhau. Ngược lại, tại Mỹ, nếu người mẹ đợi trẻ sơ sinh tỏ ra đầy đau khổ trước khi phản hồi lại chúng, thì tức là họ đang dạy trẻ sơ sinh cách thể hiện nhu cầu ... đó là vì họ tin rằng đứa trẻ sẽ trở nên độc lập".

Lansford thừa nhận rằng nghiên cứu của bà chỉ đưa ra góc nhìn khái quát về văn hóa và cảnh báo rằng không nên đưa ra kết luận bao quát nào vì có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia và nền văn hóa.

Người mẹ Mỹ âu yếm và khen ngợi con (Ảnh: Internet)

Trong khi những người mẹ Mỹ có xu hướng thể hiện sự ấm áp trực tiếp bằng cách âu yếm về mặt thể xác và khen ngợi con, thì những người mẹ ở những nơi khác trên thế giới lại làm như vậy một cách gián tiếp.

“Ở Bangladesh, một người mẹ sẽ gọt vỏ cam hoặc táo rất cẩn thận và đưa từng miếng cho con mình. Đứa trẻ sẽ nhận ra rằng người mẹ đang làm điều gì đó đặc biệt cho nó và hiểu rõ hành động đó là biểu hiện của tình yêu: ‘Mẹ yêu mình nhiều đến mức bà ấy đặc biệt nỗ lực làm điều này cho mình’ ”, Lansford nói.

Ở Scandinavia, những người mẹ khuyến khích con cái của họ trở nên độc lập, tạo nhiều cơ hội để con đưa ra quyết định.

Ở các quốc gia khác, chẳng hạn như Kenya, cha mẹ mong con cái ngoan ngoãn và nghe lời. Trong khi ở một số trường hợp, hành vi này có liên quan đến các mối quan tâm về an toàn (như là lời dặn dò “Về nhà ngay đi!”), Lansford cho biết những nền văn hóa này có xu hướng tập thể hơn, nơi mà mong muốn cá nhân của con cái không quan trọng bằng sự hòa hợp và lợi ích của toàn thể gia đình.

“Không có cách nào tốt hơn cách nào cả”, bà nói. “Chúng chỉ là những hướng khác nhau để tiếp cận các mối quan hệ trong gia đình và những cách làm khác nhau để hiểu về con cái”.

Gia đình nhập cư mang theo phương pháp nuôi dạy con cái của họ đến một quốc gia mới (Ảnh: Internet)

Lansford cũng đã bắt đầu nghiên cứu các gia đình nhập cư khi họ mang theo phương pháp nuôi dạy con cái của họ đến một quốc gia mới.

"Các phương pháp nuôi dạy con cái được chấp thuận ở quốc gia này thậm chí lại có thể bị xem là lạm dụng hoặc bỏ bê con cái trong một bối cảnh văn hóa khác", bà chia sẻ.

Điều này có thể gây căng thẳng cho cả cha mẹ và con cái.

Đó là lý do tại sao, khi được yêu cầu đưa ra kết luận về các phương pháp nuôi dạy con cái khác nhau trên khắp thế giới, Lansford cho biết tất cả đều phụ thuộc vào bối cảnh.

"Nếu cha mẹ đối xử chuẩn mực với con cái theo bối cảnh văn hóa ... thì chúng sẽ thích nghi tốt hơn".