VĂN HÓA

Món ăn cổ truyền giàu hương vị của người Trung Quốc

Châu Anh • 21-01-2020 • Lượt xem: 10008
Món ăn cổ truyền giàu hương vị của người Trung Quốc

Nếu như ngày xuân, mâm cơm của người Việt có bánh chưng, thịt kho, hành muối, đồ chua hay thịt đông... thì mâm cơm của người Hoa trong những ngày này cũng có những món thật độc đáo, không chỉ ở hương vị mà còn ở cả tên gọi.

Món măng - Đến từ những con đường mòn ven núi

Mặc dù mùa Đông ở miền Nam Trung Quốc có phần ôn hòa hơn, những nó nổi tiếng với cái lạnh ẩm ướt đến thấu xương. Tuy nhiên, khi tiết trời ấm áp trở lại, nhiều người dân miền Trung và Nam Trung Quốc ăn mừng bằng cách men theo những con đường mòn lên núi tìm măng Xuân. Những chồi măng non nớt thường được đào lên khỏi mặt đất vào khoảng hai tuần tuổi. Măng tươi có vị đắng và phải được đun sôi trong nước để loại bỏ những độc tố tự nhiên. Chúng thường được chiên hoặc hầm với thịt mặn và bắp cải muối, vị mặn nồng hòa quyện tuyệt vời với hương vị tươi mát, mộc mạc của măng.

Trà xuân - Những mẻ lá thu hoạch đầu tiên trong năm

Mùa Xuân là thời điểm lý tưởng nhất để thưởng thức đồ uống cổ truyền của Trung Quốc. Người Trung Quốc đặt tên cho các loại trà theo mùa, và trà Xuân dùng để chỉ những mẻ lá đầu tiên được thu hoạch sớm nhất trong năm. Tại thời điểm này, những chiếc lá non nhú lên ở độ mềm và ngọt nhất, mang lại hương vị tươi mát và tinh tế cho chất trà làm ra. Thời gian để hái những chiếc mầm ngon này cực kỳ ngắn ngủi, chỉ độ 10 đến 14 ngày. Ở các tỉnh trồng chè phía Đông như Chiết Giang và Giang Tô, mùa hái thường bắt đầu vào đầu tháng 4, mặc dù các vùng sẽ có thời điểm thu hoạch khác nhau tùy thuộc vào khí hậu. Sau thời kì nảy mầm đầu tiên, các bụi chè bắt đầu phát triển nhanh hơn, lá lớn hơn khiến chất lượng trà giảm dần. Trà được làm từ mầm Xuân có nhiều chất dinh dưỡng như vitamin và axit amin, rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên giá cả cũng vô cùng đắt đỏ. Loại lá sớm nhất, được hái từ những bụi chè tốt nhất cả nước, chẳng hạn như trà Dragon Well từ Hàng Châu, còn đắt hơn cả vàng cho mỗi kg.

Mầm tuyết tùng - Hương thơm độc, lạ

Đất nước Trung Quốc trải rộng nên không thể tránh khỏi sự khác biệt truyền thống và văn hóa trong mỗi vùng miền. Văn hóa ở đất nước này được phân chia rõ rệt theo trục Bắc – Nam, được xác định bởi dòng Dương Tử hùng vĩ. Mùa Đông ở miền Bắc lạnh lẽo, khắc nghiệt, nên Xuân về là lúc thưởng thức hương vị rau lá xanh tươi sau một mùa trụi lá. Một đặc sản theo mùa đặc biệt phổ biến là lá non và chồi của cây tuyết tùng Trung Quốc, loại cây gỗ cứng lâu năm, còn được gọi là gỗ gụ. Đối với người dân địa phương mà nói, bắt gặp và ngửi thấy hương thơm độc đáo của loại cây này ở các chợ Bắc Kinh có nghĩa là tiết trời đang dần ấm áp hơn. Mọi người tận dụng hai tuần ngắn ngủi cây mọc mầm, chế biến với trứng, gạo hoặc đậu phụ để thêm độ giòn dễ chịu và hương vị tương tự như hành tây. Giàu vitamin và chất chống oxy hóa, lá chồi tuyết tùng là khởi đầu hoàn hảo cho một mùa Xuân ăn uống lành mạnh.

Bánh xèo xuân - Vừa ăn vừa "cắn vào mùa xuân"

Theo lịch âm của Trung Quốc, tiết Lập Xuân là sự khởi đầu của mùa xuân. Trong gần 2.000 năm, người dân phía Bắc đất nước đã ăn mừng một mùa mới bằng cách ăn bánh xèo mùa Xuân. Ngày nay, những chiếc bánh xèo Trung Quốc này được bọc quanh rau và thịt tươi (thường là thịt lợn), đôi khi người ta còn thêm quả óc chó và đường để có vị ngọt hơn. Được làm từ bột pha nước, những chiếc bánh này thường mỏng và lớn hơn một chút so với loại để ăn với vịt quay Bắc Kinh. Khi ăn những chiếc bánh này, mọi người nghĩ rằng mình đang “cắn vào mùa Xuân” và mong cầu một năm mùa màng bội thu.