VĂN HÓA

Một vòng miền Tây cuối tuần, thiên nhiên và dấu ấn lịch sử mà bạn chưa bao giờ biết đến…

Quỳnh • 08-11-2024 • Lượt xem: 1656
Một vòng miền Tây cuối tuần, thiên nhiên và dấu ấn lịch sử mà bạn chưa bao giờ biết đến…

Quyết định đăng ký một tour lượn vòng miền Tây dịp cuối tuần không hề nằm trong kế hoạch của mình, nó đến rất bất chợt, như một sự hữu duyên nào đó.

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, sát ngay cạnh các tình miền Tây, nhưng số lần mình đi đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thật sự có thể đếm trên đầu ngón tay của hai bàn tay. Mình cũng không rõ lí do tại sao, mặc dù mình vẫn thường đi Đà Lạt, Nha Trang vài lần một năm, nhưng mình hiếm khi nào nghĩ đến việc đi đến các tỉnh miền Tây. 

Nói thêm một chút về bản thân, mình là một người thích tự đi du lịch, tự lên kế hoạch và thực hiện những chuyến đi của bản thân, nên việc mình đăng ký đi du lịch theo tour lại còn hiếm hoi hơn việc mình đi các tỉnh miền Tây. Mình không rõ lúc đó mình nghĩ gì khi quyết định, có thể mình muốn tìm kiếm một làn gió mới mát lành nào đó giữa chuỗi ngày làm việc căng thẳng.

Và quyết định đó của mình có lẽ là một quyết định đúng đắn. Mặc dù chuyến đi khá mệt vì phải di chuyển nhiều khá nhiều trên xe du lịch, nhưng mình cảm thấy thỏa mãn với những giây phút trải nghiệm.

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) có lẽ là một điểm đến quá nổi tiếng, dù bạn từng đến đó hay chưa, chắc chắn bạn đã từng nghe qua. Chợ nổi được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20, chủ yếu buôn bán các loại nông sản, trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là loại hình chợ độc đáo và đặc trưng của miền quê sông nước mà không nơi nào khác trên đất nước Việt Nam có được, và Chợ nổi Cái Răng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016.


Bến thuyền Ninh Kiều 

Để tham quan và trải nghiệm một cách trọn vẹn nhất, bạn nên có mặt vào thời điểm 5-6h sáng, là lúc Chợ nổi buôn bán đông đúc tấp nập nhất. Đoàn mình đến chợ nổi cũng đã tầm 10h sáng, nên chỉ còn có thể đi thuyền và nghe giới thiệu về lịch sử và quá trình hình thành chợ nổi, sau đó được dẫn đi tham quan một số xưởng sản xuất đặc sản Cần Thơ nói riêng và miền Tây nói chung. Ấn tượng nhất với mình chắc là các món kẹo dừa đã được cải tiến, không còn là kẹo dừa nhai miếng nào dính răng miếng đó, nay người dân miền Tây đã sáng tạo ra nhiều phiên bản khác nhau: kẹo dừa không dính răng, kẹo dừa tự nhiên ít ngọt…


Các loại kẹo dừa đặc sản


Các loại nuôi đủ màu sắc từ rau củ 

Thật lòng thì trải nghiệm này với mình thì không được trọn vẹn lắm, vì mình đã mong đợi có thể thấy cảnh Chợ nổi mua bán đông vui sầm uất hơn, thể hiện rõ hơn về cuộc sống của những con người sống trên miền quê sông nước. Các bạn có ý định đi tham quan Chợ nổi Cái Răng hãy lưu ý kĩ về giờ giấc nhé.

Nhà công tử Bạc Liêu

Ngày còn nhỏ thỉnh thoảng mình vẫn hay được nghe câu ca vang vang từ máy cát-sét “nghe danh Công tử Bạc Liêu, đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu…”, mặc dù mình không biết nhân vật “công tử Bạc Liêu” đang được hát đấy là ai, nhưng mình biết đó là một vị công tử rất rất giàu, một sự giàu có ngoài sức tưởng tượng của một đứa con nít.

Nhà của công tử Bạc Liêu đã tồn tại hơn 100 năm, nhờ được bảo tồn và trùng tu cẩn thận, ngôi nhà vẫn giữ lại được sự bề thế và những nét kiến trúc ấn tượng. Với thiết kế mang phong cách kiến trúc phương Tây, cùng với những hiện vật quý giá vẫn đang được lưu giữ cẩn thận, thời gian 100 năm trôi qua thế mà không hề làm phai nhạt đi hình ảnh lối sống xa hoa bậc nhất một thời của công tử Bạc Liêu.


Một góc sân nhà công tử Bạc Liêu 


Chiếc Peugeot thể thao sản xuất năm 1922, lúc bấy giờ cả miền Nam chỉ có hai chiếc là của công tử Bạc Liêu và của vua Bảo Đại 


Một góc nội thất đậm chất phương Tây

Cùng là những “chứng nhân” của lịch sử từ thời đầu thế kỉ 20, nhưng nhà của công tử Bạc Liêu lại mang đến một cảm giác vô cùng khác. Nếu Chợ nổi Cái Răng mang đến sức sống mạnh mẽ, sự náo nhiệt của con người miền Tây, thì nhà của công tử Bạc Liêu lại mang đến cảm giác yên tĩnh và trầm lắng của nhân tình thế thái. Ông bà mình từ xưa đã nhắc nhở răn đe con cháu rằng “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, rằng vạn vật trên đời sẽ luôn luân chuyển, nhưng những lúc giàu sang phú quý mấy ai nhớ được lời dặn dò của ông bà. Giây phút đứng nhìn ngắm ngôi nhà, dưới bầu trời rộng lớn, mình dường như cảm nhận được lời nhắc nhở bên tai rằng hãy học cách trân trọng những gì bản thân đang có.

Thường điểm tham quan này sẽ chỉ mất tầm 30-60 phút tuỳ theo đoàn, mình cảm thấy thời gian ở đây trôi qua rất nhanh, và cũng rất xứng đáng đến tham quan một lần cho biết.

Đất mũi Cà Mau

Và điểm đến cuối cùng chính là đất mũi Cà Mau và rừng ngập mặn, cũng là trải nghiệm mình thích nhất trong chuyến đi lần này.

Rừng ngập mặn Cà Mau được mệnh danh là một trong số những cánh rừng ngập mặn lớn nhất thế giới, với tổng diện tích lên đến 63 ngàn hecta. Phần lớn rừng ngập mặn đều nằm trong khu vực dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, và hơn 15 ngàn hecta rừng thuộc địa phận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Và rừng ngập mặn Cà Mau còn được ví như một lá phổi xanh của khu vực Đông Nam Bộ, đóng vai trò to lớn trong việc điều hòa khí hậu, cân bằng hệ sinh thái động - thực vật cũng như bảo vệ môi trường.


Một góc rừng ngập mặn Cà Mau 


Những hàng cây chót vót 


Nếu muốn góc nhìn đẹp và toàn cảnh, các bạn tranh thủ chọn chỗ ngồi phía trước nhé, nếu không sẽ giống chỉ có thể ngắm nhìn hai bên mà thôi

Cảm giác lúc ngồi trên thuyền đi xuyên ra rừng ngập mặn ra cửa biển với mình thật sự là một trải nghiệm hiếm có. Được bao nhiêu lần trong đời bạn có thể có cơ hội ngồi thuyền đi xuyên qua những “con đường nhỏ” len lỏi dưới rừng cây? Mình nghĩ rằng dù bạn yêu thích thiên nhiên nhiều hay ít, khoảnh khắc đó bạn sẽ cảm thấy được kết nối với thiên nhiên, và thêm phần trân trọng những rừng cây đang bảo vệ trái đất, bảo vệ hệ sinh thái của chúng ta.

Và kết thúc chuyến đi thuyền, mình có thêm một ít thời gian để tham quan và check-in các điểm Cột mốc quốc gia Đất Mũi, Cột cờ Mũi Cà Mau, Mốc điểm cuối đường Hồ Chí Minh… Đây có thể không phải là những cảnh đẹp khiến bạn khắc sâu vào lòng, nhưng đây chính là những điểm nhấn để bạn có thể cảm nhận rõ ràng tình cảm của mình dành cho đất nước nơi bạn đã sinh ra và lớn lên. Tình yêu quê hương đất nước là một điều gì đó ai cũng thường hay nghe đến, nhưng không phải lúc nào bạn cũng cảm nhận được. Khoảnh khắc đứng dưới Cột cờ Mũi Cà Mau, nhìn lá cờ tung bay mạnh mẽ trong gió, mình bỗng dưng thấy cảm động vô cùng, rằng đất nước mình tươi đẹp như vậy, dân tộc mình mạnh mẽ như vậy… Và mình chợt nhận ra, nếu chỉ quanh quẩn ở phố thị đông đúc và bận rộn, nếu cứ mãi chạy theo guồng quay của cuộc sống, những tình cảm này bị mình quên bẵng đi lúc nào không hay.


Cột cờ Mũi Cà Mau với lá cờ tung bay phất phới trong gió


Cột mốc điểm cuối đường Hồ Chí Minh

Kết

Mình về lại đến Sài Gòn rất muộn, tầm 12h rưỡi sáng thứ hai.


Ráng chiều tuyệt đẹp trên đường trở về

Bốn mươi ba tiếng đồng hồ cuối tuần của mình đã trôi qua tất bật như vậy đấy, nhưng là một trải nghiệm khá vui và hay ho. Điểm duy nhất chính là lịch trình hơi cập rập vì các địa điểm tham quan cách nhau khá xa. Về đến nhà mình chỉ còn vài tiếng nghỉ ngơi trước khi bắt đầu một tuần làm việc mới.

Nếu có dịp quay lại miền Tây vào một ngày nào đó, mình sẽ chọn ở 2 hoặc 3 ngày ở một địa điểm thôi, để có thể trải nghiệm nhiều hơn về cuộc sống, ẩm thực, và sinh hoạt của người địa phương nơi đó.