VĂN HÓA

Muốn An được An

Vũ • 03-10-2024 • Lượt xem: 906
Muốn An được An

Nếu tự thân ta không có hạnh phúc, bình an thì chúng ta không thể hiến tặng hạnh phúc và bình an cho ai được, kể cả những người ta thương. Có bình an, hạnh phúc thì chúng ta sẽ mỉm cười và nở ra như một bông hoa, khi đó, mọi người chung quanh ta, từ gia đình đến xã hội, ai cũng được thừa hưởng.

Thầy Thích Nhất Hạnh ắt hẳn là một nhân vật quá đỗi nổi tiếng để bất cứ ai trong chúng ta cũng từng một lời nghe tới tên Thầy. Vậy nhưng mãi sau này tôi mới có dịp đọc sách của thầy sau rất nhiều cuốn sách về đủ mọi thể loại khác nhau.

Có lẽ văn phong nhẹ nhàng mà khiêm tốn là điều tôi thích nhất khi đọc những cuốn sách của nhà sư. Nó không chứa đựng những lời hô hào, khuyên răn mà chỉ là những chia sẻ thủ thỉ tâm tình của một người đi trước hay đã trải qua và bây giờ muốn viết lại để sẻ chia những điều tốt đẹp với mọi người.

Đọc thật chậm rãi từng câu chữ, tôi cảm thấy từng lời, từng câu chữ đều chất chứa những bài học quý báu mà khi đọc mỗi chúng ta sẽ hiểu ngay vì ngôn ngữ giản dị của thầy và có thể lập tức thực hành chúng trong suy nghĩ, hành động và cuộc sống của chính mình. Dường như càng vĩ đại con người ta càng trở nên giản đơn trong lời ăn tiếng nói hay chỉ viết những lời chân thành, không đao to búa lớn thì phải?

Một tựa sách mỏng thôi, nhưng Muốn an được an của thầy thực sự đã làm tốt vai trò mà chính tựa đề cuốn sách đã nêu: nếu muốn an thì chúng ta sẽ tìm thấy cách để được an. Khi bạn đang bận bề với nỗi lo toan của cuộc sống, gia đình, con cái, xã hội... đủ mọi mối lo toan, tôi tin bạn sẽ tìm thấy được an dù chỉ một chút đi cầm trên tay cuốn sách này. Mỗi ngày bạn chỉ cần đọc 1 hay 2 trang thôi cũng đủ khiến cuộc sống của bạn thêm nhẹ nhàng, tâm hồn bạn được an yên thêm đôi chút.

Một số bài học quý báu mà tôi muốn nêu ra cho bạn trích từ cuốn sách Muốn an được an của Thầy Thích Nhất Hạnh

1. Khi hiểu rồi, các bạn không thể nào làm khác được mà chỉ có thương yêu thôi. Các bạn không thể giận được. Để nuôi lớn sự hiểu biết, chúng ta phải nhìn cuộc đời bằng ánh mắt thương yêu. Hiểu được thì thương được. Và khi thương được thì các bạn sẽ làm người kia vơi đi nỗi khổ một cách rất tự nhiên.

2. Bảo vệ kiến thức không phải là cách hiểu biết đúng đắn. Hiểu nghĩa là buông bỏ kiến thức của mình. Chúng ta có khả năng buông bỏ kiến thức của ta như người leo thang. Nếu ta bước lên nấc thang thứ năm và cho rằng ta đang ở nấc thang cao nhất thì ta không có hy vọng leo lên nấc thang thứ sáu. Cách hay nhất là ta phải buông bỏ nấc thang thứ năm. Theo đạo Bụt, muốn hiểu ta phải có khả năng buông bỏ những kiến thức, quan điểm của ta để vượt thoát. Đây là giáo lý quan trọng nhất.

3. Sống khá lâu trong xã hội này, chính bản thân tôi cũng thấy khó sống, không thể đi theo xã hội được. Nhiều thứ xảy ra khiến tôi không muốn làm gì cả, chỉ muốn rút về trong cái vỏ của mình. Nhưng sự thực tập giúp tôi tiếp tục duy trì, tiếp xúc với xã hội bởi vì tôi ý thức rằng nếu từ bỏ xã hội thì tôi sẽ không có khả năng giúp thay đổi tình trạng. Hy vọng những ai đang thực tập đạo Bụt thành công, có khả năng đứng vững trên đôi chân của mình thì ở lại với xã hội.

4. Nếu không có từ bi với chính mình thì ta không có từ bi với ai cả.

5. Nếu tự thân ta không có hạnh phúc, bình an thì chúng ta không thể hiến tặng hạnh phúc và bình an cho ai được, kể cả những người ta thương. Có bình an, hạnh phúc thì chúng ta sẽ mỉm cười và nở ra như một bông hoa, khi đó, mọi người chung quanh ta, từ gia đình đến xã hội, ai cũng được thừa hưởng.

6. Có bình an, hạnh phúc chúng ta sẽ tươi như một đoá hoa và mọi người chung quanh ta, từ gia đình đến xã hội, ai cũng được thừa hưởng.

Mời bạn trải nghiệm cuốn sách quý báu này và tìm được ai cho mình nhé!
Thân mến,