ĐỜI SỐNG

Nắm bắt xu hướng - AI giúp Gen Z tạo lợi thế cạnh tranh trong môi trường làm việc

Diễm Chi • 07-07-2023 • Lượt xem: 5579
Nắm bắt xu hướng - AI giúp Gen Z tạo lợi thế cạnh tranh trong môi trường làm việc

Thay vì làm việc một cách máy móc và truyền thống thì việc biết vận dụng AI vào công việc đã giúp cho Gen Z tối ưu được hiệu quả làm việc một cách nhanh chóng.

Xem thêm:

Các ứng dụng giúp cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn

Gen Z, còn được gọi là thế hệ Z, là nhóm người được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2012. Đây là thế hệ người trẻ tiếp theo sau thế hệ Y (hay còn gọi là Millennials) và đại diện cho lớp người trẻ đang lớn lên hoặc bắt đầu tham gia vào các công việc và xã hội.

Là thế hệ được sinh ra trong thời đại có sự phát triển vượt bậc về kỹ thuật số với Internet, điện thoại thông minh và mạng xã hội, Gen Z được mô tả là người những sáng tạo, có kỹ năng sử dụng công nghệ cao, khả năng nắm bắt và tiếp thu thông tin một cách nhanh chóng.

Gen Z có khả năng đa nhiệm tốt, thích làm nhiều việc cùng một lúc và có sự chú ý ngắn hạn hơn so với các thế hệ trước đó. Họ thích nhận thông tin ngắn gọn, nhanh chóng và dễ tiếp cận.

Nắm bắt xu hướng sử dụng AI - Gen Z tạo lợi thế cạnh tranh 

Có thể nhìn nhận một điều rằng mặc dù là những người trẻ, chưa có quá nhiều kinh nghiệm nhưng Gen Z lại là những người có khả năng thích nghi cao và không ngại khó khăn. Bên cạnh đó, sinh ra và lớn lên trong thời đại số, Gen Z có sự nhạy bén nhất định với công nghệ, chính vì vậy mà AI cũng trở thành một trợ thủ đắc lực cho thế hệ này trong quá trình làm việc.

Trong một cuộc khảo sát gần đây, AJ Eckstein, một tư vấn viên 24 tuổi, hiện đang làm việc tại một công ty thuộc danh sách Fortune 500, là một trong những nhân sự đại diện cho Gen Z sử dụng AI để phục vụ cho công việc điển hình tại công ty này. 

Với một khối lượng công việc lớn, Eckstein cần phải xử lý rất nhiều vấn đề trong một ngày. Chính vì vậy mà đối với một số công việc như gửi mail cho đối tác hay đồng nghiệp, Eckstein thường tận dụng AI để làm việc đó. Một cách dễ dàng và không tốn quá nhiều công sức, Eckstein nhập lệnh để Chat GPT soạn cho mình một email dùng để gửi cho đồng nghiệp theo đúng cấu trúc và đảm bảo tính chuyên nghiệp, việc của Eckstein chính là tùy biến và chỉnh sửa lại một lần nữa để nội dung không quá máy móc.

Đối với Eckstein, việc vận dụng AI vào công việc đã giúp một số vấn đề Eckstein gặp phải được giải quyết nhanh hơn. Eckstein cũng tiết kiệm được nhiều thời gian hơn, tuy vậy, việc sử dụng AI không giúp Eckstein bớt đi thời gian làm việc mà thay vào đó, Eckstein có thể tập trung tối đa vào những vấn đề cần giải quyết gấp.

Lần đầu tiên được ra mắt, Chat GPT, một trợ lý ảo dựa trên công nghệ AI của OpenAI, đã nhận được lượng lớn sự chú ý từ mọi người. Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 3 của Pew Research đã trả về kết quả cho thấy trong 10.701 người trưởng thành thì nhóm tuổi từ 18 - 29 tuổi có sự hiểu biết nhất định về Chat GPT hơn các nhóm tuổi khác tại Mỹ. 

Chat GPT là một phiên bản của GPT (Generative Pre-trained Transformer), một kiến trúc mô hình ngôn ngữ dựa trên việc chuyển giao (transfer learning) và mạng nơ-ron biến đổi (transformer neural network). GPT-3, phiên bản trước của Chat GPT, được ra mắt vào tháng 6 năm 2020.

Một khảo sát khác của Resume Builder hồi tháng 4 cũng chỉ ra rằng có 9 trên 10 người trong 1200 lãnh đạo ở các công ty lớn tìm kiếm các nhân sự có khả năng ứng dụng AI và có kinh nghiệm sử dụng Chat GPT.

AI - “Điểm mạnh” giúp nhân sự tăng năng suất làm việc

Với sự phát triển của AI, GenZ nói riêng và các nhân sự trong cùng một công ty nói chung có thể tận dụng các công cụ để đặt được năng suất tối đa trong công việc. 

Là một nhân sự làm việc thuộc mảng truyền thông cho một công ty Startup, thay vì sử dụng công cụ tìm kiếm của Google, Lais Silva đã thay đổi hoàn toàn bằng cách sử dụng Chat GPT. Có thể nói, Chat GPT đã giúp Lais Silva tận dụng tối đa thời gian để tìm kiếm và lọc thông tin bởi lẽ khi tìm kiếm, Chat GPT sẽ lập tức trả về đáp án mà Lais Silva muốn tìm. 

Đối với tình huống phải lập kế hoạch nội dung xuyên suốt trong một tháng cho trang Facebook, Lais Silva cũng sử dụng Chat GPT để lên ý tưởng và sau cùng là tùy chỉnh nội dung cho phù hợp với xu hướng mà trang mong muốn hướng đến.

Mang đến nhiều "điểm sáng" trong quá trình làm việc là thế, AI vẫn được xem là một trong những công cụ khó nhằn đối với các nhân sự lớn tuổi. Cũng từ gốc độ đó, có thể thấy Gen Z sẽ là thế hệ nắm bắt và tận dụng tốt công cụ này trong môi trường làm việc.

Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu ở thời điểm hiện tại, mặc dù Gen Z có thể ứng dụng tốt các công nghệ AI nhưng với môi trường cạnh tranh gay gắt thì AI cũng không phải là một trong những công cụ hứa hẹn sẽ đem lại sự bùng nổi to lớn về các cơ hội việc làm.

AI - Công cụ tối ưu, nhanh chóng

Ở thời điểm hiện tại, không ai có thể phủ nhận những lợi ích mà AI mang lại trong môi trường làm việc, một trong những lợi ích mà AI mang lại có thể kể đến đầu tiên chính là tối ưu thời gian tìm kiếm thông tin. Thay vì tìm kiếm trên Google và phải tiêu tốn khá nhiều thời gian để lọc thông tin, AI có thể cung cấp đúng thông tin và kiến thức mà người dùng cần ngay lập tức.

AI cũng có thể thực hiện tự động hóa các nhiệm vụ cần phải lặp đi lặp lại và tối ưu hoá quy trình làm việc một cách dễ dàng. Điều này giúp tối ưu thời gian và công sức cho các đầu việc nhàm chán, giúp nhân sự có thời gian tập trung cao độ vào các nhiệm vụ quan trọng hơn, phát triển kỹ năng sáng tạo.

Ngoài việc cung cấp và lọc dữ liệu, AI còn có thể phân tích và nêu ra những định hướng trong tương lai. Đối với các dữ liệu phức tạp, AI có thể đưa ra các phán đoán một cách chính xác. Nhân sự có thể sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu này để nắm bắt xu hướng của thị trường, phân tích dữ liệu khách hàng và đưa ra quyết định khi cần thiết.