VĂN HÓA

Nam kỳ thuộc địa, từ Hiệp ước Nhâm Tuất đến Giáp Tuất: Phản lệnh từ Paris hủy bỏ Hiệp ước Aubaret

DDVN • 14-01-2022 • Lượt xem: 499
Nam kỳ thuộc địa, từ Hiệp ước Nhâm Tuất đến Giáp Tuất: Phản lệnh từ Paris hủy bỏ Hiệp ước Aubaret

Khi sứ bộ Đại Nam lên tàu đi Madrid (Tây Ban Nha) thì đầu tháng 12.1863, Pháp hoàng bổ nhiệm Aubaret làm lãnh sự ở Vọng Các (nay là Bangkok, Thái Lan) và giao cho nhiệm vụ đến Huế trao đổi một dự thảo thay cho Hiệp ước 1862 đã được phê chuẩn vào tháng 4.1863.

Trong các cuộc đàm phán giữa đại diện Đại Nam với Charner và Bonard giai đoạn 1861 - 1863, Aubaret đều được tham gia. Ông ta là người có kinh nghiệm, am hiểu ngôn ngữ Trung Hoa và Đại Nam, hiểu và có cảm tình với văn hóa - phong tục nước Đại Nam hơn nhiều người Pháp khác. Dự thảo do Aubaret mang đến Huế dựa trên nguyên tắc, đã được phía Pháp thông qua, là cho triều đình Huế chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, tức dựa trên lựa chọn chiếm đóng một số điểm.

Trở về Huế vào cuối tháng 3.1864, sứ bộ dâng lên vua Tự Đức bản dự thảo hiệp ước mới, vua xem qua 21 điều khoản rồi giao xuống cho đình thần xét duyệt, “các thần phiên, đại thần bàn bạc không giống nhau”. Vua sai trung sứ (chức quan) đem bản dự thảo và các bản đình nghị đến hỏi cựu thần Trương Đăng Quế. Đăng Quế tâu nói: “Trong tờ hòa ước, chỗ quan trọng nhất duy khoản thứ 2 về việc cắt bỏ giới hạn 3 tỉnh, cho họ đóng ở các xứ ấy và khoản thứ 19 số bạc bồi thường chia làm hạn năm, 2 khoản ấy mà thôi. Về khoản cắt bỏ xin theo lời Hoàng thượng phê bảo…” (Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.850 - 851).


Trụ sở của một nhà buôn dưới thời chính quyền La Grandière, Sài Gòn năm 1864

Phản lệnh từ Paris khiến triều đình Huế thất vọng

Aubaret đi Vọng Các nhậm chức ngày 29.1.1864, ngày 24.5 mới đến Sài Gòn, đến Huế ngày 14.6.1864. Lần ra Huế này, Aubaret được đi trên sông Hương vào ban ngày, thể hiện sự cởi mở của phía Đại Nam so với chuyến đi tháng 4.1863 của phái đoàn Bonard. Aubaret ở Huế từ ngày 15.6 đến 20.7.1864, được triều kiến ngày 22.6, bắt đầu thảo luận với phía Đại Nam (Phan Thanh Giản là Toàn quyền chánh sứ, Trần Tiễn Thành và Phan Huy Vịnh là Phó sứ) về dự thảo ngày 23.6, ký kết hai hiệp ước mới về chính trị và thương mại (còn gọi là Hiệp ước Aubaret) ngày 15.7.1864. Nhiều điều khoản trong dự thảo ban đầu thay đổi theo đề xuất của phía Đại Nam.

Hiệp ước có một số điều khoản quan trọng bên cạnh việc trả đất, như Đại Nam cho Pháp đặt lãnh sự tại Huế, phía Pháp yêu cầu được bảo hộ sáu tỉnh Nam kỳ và Đại Nam phải bồi thường chiến phí cho Pháp... Quá trình thương thảo điều khoản 19 kéo dài, phía Đại Nam chỉ đồng ý trả khoản tiền bồi thường chiến phí là 2 triệu franc mỗi năm thay vì 3 triệu như yêu cầu, kéo dài trong 40 năm… Hiệp ước Aubaret được ký kết trừ điều khoản 19 vì bản thân Aubaret không đủ thẩm quyền thảo luận với phía Đại Nam.

Ở Pháp, việc đàm phán ký kết Hiệp ước Aubaret nhận được nhiều dư luận trái chiều từ chính trường cho đến mặt trận báo chí, khởi đi từ bài báo đăng trên tờ La Patrie ngày 12.2.1864, trong đó nổi bật lên quan điểm cho rằng nước Pháp phải bành trướng thay vì chỉ chiếm đóng giới hạn Nam kỳ. Bộ trưởng Hải quân và thuộc địa Chasseloup-Laubat, Đô đốc Rigault de Genouilly, Phó đô đốc Bonard và Phó đô đốc La Grandière là những đại diện nổi bật. Đại úy Rieunier, người tháp tùng sứ bộ Đại Nam sang Pháp, được nhóm chủ trương bành trướng khích lệ viết cuốn sách mỏng có nhan đề La question de la Cochinchine au point de vue des intérêts français (tạm dịch: Vấn đề Nam kỳ từ quan điểm quyền lợi Pháp; Paris, 1864), ký bút danh M.H.Abel, nhằm phân tích thiệt hại nếu Pháp từ bỏ việc chiếm đóng ba tỉnh, gây xôn xao dư luận. Dân biểu Arman, trong một phiên họp tại Hạ viện ngày 18.5.1864, đã đề nghị chính phủ gửi đi một hủy lệnh cho Aubaret…

Năm ngày sau khi ký hiệp ước, khi đang trên tàu rời Huế thì Aubaret mới nhận được phản lệnh từ Paris yêu cầu hủy bỏ việc ký kết hiệp ước mới, thư này được Drouyn de Lhuys gửi đi ngày 6.6.1864. Trong cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng ngày 10.11.1864, Hiệp ước Aubaret không được phê chuẩn, sáu ngày trước đó Bộ trưởng Hải quân và thuộc địa Chasseloup-Laubat đã gửi thư cho Pháp hoàng Napoléon đệ tam yêu cầu hủy bỏ Hiệp ước Aubaret. Quyết định hủy bỏ của Paris, đúng hơn là ý muốn của Chasseloup-Laubat, được ông này thông báo cho La Grandière ở Nam kỳ đầu năm 1865, tất nhiên là vị thống soái mang tham vọng bành trướng rất hoan hỉ.

Ngày 20.1.1865, La Grandière gửi thư cho Thượng thư Bộ Lễ của Đại Nam là Phan Huy Vịnh thông báo quyết định của Paris với lý do là nội dung Hiệp ước Aubaret đã thay đổi quá nhiều so với dự thảo ban đầu nên chính phủ Pháp không thông qua, yêu cầu hai bên quay lại thực thi Hiệp ước Nhâm Tuất.

Trong một diễn biến khác, ngay khi sứ bộ Phan Thanh Giản đang ở Paris điều đình chuộc đất thì ngày 6.11.1863 Phó đô đốc La Grandière đã gửi thư cho Bộ trưởng Chasseloup-Laubat nêu ý kiến thôn tính ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên), rằng “các tỉnh này sẽ thuộc về chúng ta một khi chúng ta muốn […]. Chúng ta không thiếu lý do để đánh chiếm […]. Biện pháp duy nhất để chấm dứt thái độ thù nghịch ngấm ngầm là sáp nhập ba tỉnh [miền Tây Nam kỳ], và cấm các tỉnh ấy buôn bán với thần dân của triều đình Huế” (Trương Bá Cần, Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam kỳ (1862 - 1874), Vũ Lưu Xuân dịch, TuvanBooks và NXB Thế giới, 2011, tr.155).

Hiệp ước Aubaret bị hủy bỏ là cơ sở để La Grandière quyết tâm hiện thực tham vọng thuộc địa hóa Nam kỳ lục tỉnh của mình.

Theo Nguyễn Quang Diệu/Thanhnien.vn