VĂN HÓA

Nét đẹp nhà sàn dài của đồng bào K’ho

Diệu Huyền • 30-08-2022 • Lượt xem: 2198
Nét đẹp nhà sàn dài của đồng bào K’ho

Nhà sàn dài của đồng bào K’ho là biểu tượng văn hóa phi vật thể đang dần biến mất. Đây cũng là một nét đẹp cần được duy trì và bảo tồn.

Đồng bào K’ho là một trong 54 dân tộc của Việt Nam. Người K’ho sống tập trung nhiều nhất là ở huyện Di Linh của tỉnh Lâm Đồng. Truyền thống của người K’ho là theo chế độ mẫu hệ với hai hình thức gia đình lớn và gia đình nhỏ luôn bảo lưu và duy trì chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Con sinh ra đều mang họ mẹ.

Nhà sàn dài của đồng bào K’ho cũng là một nét văn hóa gắn kết các thành viên của gia đình nhiều thế hệ cha, mẹ - con, cháu cùng sống trong một mái nhà của chế độ mẫu hệ. Căn nhà sẽ được nối dài thêm khi thành viên của gia đình kết hôn.

Nhà sàn dài thường có hai mái lợp bằng lá rsôi, một loại lá mây rất phổ biến hay bằng lá tranh. Lá rsôi được ghép thành từng tấm lớn dài hơn 4m, khi dời nhà thì được dỡ ra và cuốn lại để mang theo. Nhà sàn dài của người K’ho có sàn hiên khác rộng hơn ở một phía bên hông nhà và sàn hiên ở mỗi cửa ra vào. Phần vách và mặt sàn của nhà dài thì được làm từ cây lồ ô, phần kèo của nhà làm bằng tre, cột của nhà sàn bằng gỗ.

Nhà dài thì cấu trúc bên trong rất đơn giản đều có chỗ để tiếp khách chung cho cả nhà. Đây là đầu nhà và cũng là nơi đặt bàn thờ chỗ tôn nghiêm nhất trong nhà dài. Hiện nay bàn thờ làm bằng ván gỗ có chạm trổ không còn nữa, mà giờ đây chỉ còn nhận ra là chỗ thờ cúng nhờ những nhánh cây, bông lúa vắt trên mái đối diện với cửa ra vào. Cả nhà là một buồng dài không vách, giữa nhà là một dãy bếp lửa, có nhà có hơn 10 bếp dùng làm nơi nấu nướng, sưởi ấm cho các gia đình nhỏ.

Dọc theo vách đối diện với cửa ra vào là hàng ché tùy theo mức độ giàu, nghèo mà nhiều hay ít. Nhà nào trong cộng đồng người K’ho có nhiều ché thì càng thể hiện sự giàu có của gia đình đó. Nhà sàn truyền thống của người K’ho được làm từ các loại vật liệu: tre, nứa, lá. Phần cột và thanh gác sàn được thiết kế bằng gỗ tròn, phần vách và cửa của nhà sàn làm bằng phên tre. Sàn sẽ gác một lớp cây lồ ô, bên trên trải lồ ô đã đập giập, mái sẽ được lợp lá mây hoặc cỏ tranh được kết tấm rất chắc chắn.

Bên cạnh nhà sàn dài còn có nhà kho, chuồng gia súc và nhà sản phụ là những kiến trúc phụ không thể thiếu được của loại hình nhà dài. Nhà kho thường là nơi chứa lương thực như lúa, ngô.... Là một nhà sàn nhỏ hơn so với nhà ở, nhưng được xây cất rất chắc chắn và kỹ lưỡng hơn, cửa kho được chạm trổ với mục đích làm đẹp cho kho. Khác với nhà kho thì chuồng gia súc được cất sơ sài hơn nhiều. Thường thì cũng là nhà sàn nhưng rất thấp và nhỏ đủ để cản gia súc không thoát ra ngoài được.

Nhà sản phụ cũng là một nhà sàn nhỏ dài và rộng từ 3 đến 4m dùng để người phụ nữ ở trong giai đoạn sinh nở. Bên trong bố trí rất giản dị gồm có một bếp lửa để sản phụ sưởi ấm, và những vật dụng cần thiết cho người sản phụ như chăn, mền, chum nước.

Hiện nay, trong buôn làng của người K’ho những mô hình nhà sàn cao đã có nhiều thay đổi đáng kể đó là dần dần chuyển sang nhà sàn thấp, đến nhà trệt và mái làm bằng tôn rất phổ biến. Nhà sàn của người K’ho ở giai đoạn hiện đại thì cột chủ yếu được làm bằng gỗ như cột, vì kèo, lan can, cầu thang cũng được làm bằng gỗ có góc cạnh, ván đã được bào chuốt. Một điều đặc biệt nữa là mái nhà đã được lợp tôn thay cho lá mây hoặc cỏ tranh. Cách bày trí bên trong cũng đã thay đổi cùng với những vật dụng mới do có sự du nhập của các tôn giáo và giao lưu văn hóa.

Ngày nay, tại các buôn làng của đồng bào dân tộc người K’ho những ngôi nhà sàn truyền thống không còn nhiều. Do đó nhà sàn dài của đồng bào K’ho là biểu tượng văn hóa phi vật thể, là một nét đẹp cần được duy trì và bảo tồn.