VĂN HÓA

Nét đẹp văn hóa Việt qua hình ảnh nón lá làng Chuông 

An Nhiên • 12-05-2022 • Lượt xem: 941
Nét đẹp văn hóa Việt qua hình ảnh nón lá làng Chuông 

Muốn ăn cơm trắng cá mè
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông

Chiếc nón lá vốn mang vẻ đẹp văn hóa của Việt Nam từ bao đời nay. Nhưng liệu bạn có biết được nơi làm ra những chiếc nón đặc sắc đó chính là làng Chuông - một làng nghề nổi tiếng cả nước với truyền thống làm nón lâu đời.

Làng Chuông nằm ở xã Quốc Trung, Thanh Oai cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km. Đây là một làng nghề làm nón truyền thống với hơn 300 năm tuổi. Trước đây, làng Chuông sản xuất rất nhiều loại nón cho nhiều tầng lớp khác nhau như nón dấu, nón quai thao, nón chóp, nón ba tầm… Nhưng từ năm 1940, làng Chuông chỉ còn làm duy nhất là nón lá. Và mỗi lần nhắc đến tên làng Chuông, ai nấy đều mường tượng được hình ảnh những chiếc nón duyên dáng, khiến khách nước ngoài phải gật gù yêu thích.

Nón lá làng Chuông đặc biệt hơn những nơi khác từ nguyên vật liệu để làm cho đến từng công đoạn khéo léo, tỉ mỉ. Lá làm nón được lấy từ cây lá lụi mọc ở vùng núi Nghệ An, Hà Tĩnh, phải có màu sáng và xanh đều. Sau đó, sẽ lấy lá vò vào trong cát cho mềm rồi đem ra nắng phơi khoảng 2 - 3 nắng, khi nhìn thấy lá gần như chuyển hết sang màu bạc trắng thì sẽ tiếp tục sấy lá qua bếp củi đun với lửa nhỏ. Cuối cùng, là lá bằng chiếc lưỡi cày cũ được làm nóng trên bếp than và miết đến khi lá phẳng mà không bị giòn, hay rách.

Vòng nón sẽ được làm từ thân tre hoặc nứa vót thành dạng mảnh, nhỏ, tròn. Mỗi chiếc nón sẽ có 16 vòng, và 8 cây sườn chính. Người làm sẽ lấy một khung gỗ, sau đó xếp các vòng nón có kích cỡ khác nhau từ chóp trở xuống theo thứ tự từ nhỏ cho đến lớn. Vành cuối cùng chính là vành cái, lớn gấp nhiều lần các vành trên để tạo độ cứng.

Sau đó, người thợ xếp từng lá đã được là vào vòng nón, lá nọ gối lên lá kia với một khoảng cách nhất định, phía trên chóp dùng cước khâu túm lại, những lá đẹp để làm phần ngoài của nón. Cuối cùng là công đoạn buộc len trên hai góc nón tạo thành điểm cố định để buộc quai.

Giai đoạn khâu nón là phần quan trọng nhất. Để làm nên một chiếc nón đẹp đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo, bởi không khéo thì lá sẽ bị rách, nhăn… Khâu một chiếc nón phải mất từ 4 tiếng, khi đã khâu hết 16 vòng, người thợ sẽ dùng kéo cắt tròn đều quanh nón phần lá thừa.

Khi nón hoàn chỉnh, sẽ được hơ thêm qua hơi diêm, khiến nón có màu trắng, không mốc, cuối cùng sẽ được phết một lớp dầu bóng giúp nón trong suốt, nước mưa không thấm vào được.

Ngày nay nón lá còn được trang trí thêm những họa tiết đặc sắc, như vẽ hay thêu thêm lên đó, khiến chiếc nón thêm hút mắt và có nhiều sự lựa chọn hơn cho mỗi người.

Nón lá làng Chuông đã trở thành một hình ảnh gần gũi với đời sống người dân trên khắp đất nước việt Nam, trên đồng ruộng, bờ tre, đầu làng… Và bóng dáng người con gái Việt nghiêng nghiêng vành nón trắng đã làm xuyến xao du khách nước ngoài mỗi khi nhắc đến mảnh đất hình chữ S này.