VĂN HÓA

Nét độc đáo trong lễ cấm bản của người Hà Nhì

DDVN • 17-07-2019 • Lượt xem: 1161
Nét độc đáo trong lễ cấm bản của người Hà Nhì

Lễ cấm bản, còn gọi là lễ Gạ Ma Thú của người Hà Nhì mang tính chất quan trọng, tổ chức tháng 2 âm lịch hàng năm. Nghi lễ này có ý nghĩa hướng bà con về với cội nguồn và tổ tiên, tri ân trời đất và các đấng siêu nhiên phù hộ cho họ mạnh mẽ. làm ăn tươi tốt.

 

Đến lễ Gạ Ma Thú, người Hà Nhì dừng các công việc trên nương rẫy, không gây mất đoàn kết, không ăn thịt thú rừng, không bắt hoặc mang vào bản các con vật sống trong hang, lòng đất để tránh rủi ro cho nhân dân trong bản…

Lễ Gạ Ma Thú kéo dài 3 ngày. Một trong những công việc đầu tiên là tiến hành dựng cổng bản. Việc này do những thanh niên khỏe mạnh thực hiện. Hai bên cổng, có hai cây gạo được trồng trong 2 sọt đất nhỏ- tượng trưng cho 2 bồ thóc của bản. Bên cạnh 2 cây gạo, người Hà Nhì treo 1 dây xích lớn được đan từ vỏ cây ò mé - loại cây kị ma và dao, súng, nỏ, sáo, ống điếu được đẽo bằng gỗ.

Trong ngày thứ nhất và ngày thứ hai, các gia đình chuẩn bị lễ vật của mình, đàn ông chuẩn bị lợn, gà, đan giỏ đựng trứng; phụ nữ chuẩn bị gạo, trứng gà nhuộm đỏ, xôi nhuộm vàng... Buổi chiều, các gia đình mang lễ vật tượng trưng cho những vật dụng trong sinh hoạt, lao động sản xuất và thể hiện một cuộc sống thanh bình sung túc, vật phẩm phong phú của dân bản để làm 8 mâm cúng, thực hiện các nghi thức: Cúng đầu bản (cúng chính), cúng thần nước (phía Tây), cúng thần rừng (phía Đông), cúng thần gió (phía Bắc), cúng thần đất (phía Nam), cúng vong linh...

Trang phục của phụ nữ Hà Nhì trong lễ cúng bản

Đến ngày thứ ba, vào buổi sáng, khi con gà rừng chưa gáy, núi rừng còn phủ một màn sương trắng thì cả bản đã thơm lừng mùi cơm nếp, bánh ngô để làm quà cho khách phương xa đến chơi.

Trong 3 ngày cúng bản, các thiếu nữ váy áo sặc sỡ, tập trung từng tốp chơi cầu. Quả cầu được làm bằng lông gà và vỏ cây chuối khô. Người nào làm rơi cầu sẽ bị cả tốp xúm lại véo tai đến khi hai tai đỏ lừ mới thôi. Các hoạt động vui chơi như đánh đu, bập bênh, đu quay, ném còn, đánh cù, hát, múa cũng diễn ra trên khắp các bản làng