Hải Phòng được biết đến là thành phố cảng lớn nhất miền Bắc. Và ở đó đến nay vẫn có một dấu ấn kiến trúc - đô thị cũ từ thời Pháp khá đậm nét, cho dù trong quá trình phát triển đã có nhiều thay đổi. Nét xưa cũ ấy làm nên một gương mặt riêng của thành phố hoa phượng đỏ.
Hải Phòng từng là thành phố quan trọng bậc nhất Việt
Cho đến nay, Hải Phòng vẫn giữ vị trí quan trọng; là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương và là thành phố lớn thứ 3 của cả nước (sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, sự phát triển đô thị của Hải Phòng không quá nhanh và cấp tiến như các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, hay Đà Nẵng với tốc độ xây dựng chóng mặt và trào lưu cao ốc; nên Hải Phòng vẫn giữ được nhiều nét xưa cũ... Dấu ấn quy hoạch, kiến trúc thuộc địa vẫn hiện diện khá rõ nét ở phố cảng, dẫu ít nhiều có những phôi phai. Vẫn có thể thấy những không gian đô thị, công trình kiến trúc mang dấu ấn từ thời thuộc địa, những công trình cũ gợi nét u hoài; mà tiêu biểu là ở khu vực trung tâm - quận Hồng Bàng, và các quận Lê Chân, Ngô Quyền.
Là một thành phố lớn, là trung tâm công nghiệp, đầu mối giao thông; song Hải Phòng lại có sự trầm lắng, không quá xô bồ, đông đúc. Thực tế, khu vực trung tâm thành phố lại rất bình yên. Và những dấu ấn kiến trúc cũ vẫn đang tồn tại tạo nên một nét riêng của phố cảng.
Một tòa biệt thự phố ở góc phố Lý Thường Kiệt - Kỳ Đồng (quận Hồng Bàng). Ở Hải Phòng có và còn khá nhiều những kiến trúc thể loại này: Có quy mô và tính chất như một biệt thự, nhưng giáp mặt hè đường, hoàn toàn không có sân vườn. Hiện công trình là Trung tâm Y tế quận Hồng Bàng.
Mặt tiền một ngôi nhà phố trên phố Lý Thường Kiệt (quận Hồng Bàng), vẫn còn nguyên vẹn, chưa bị thay đổi và biến dạng, kể cả bởi biển quảng cáo.
Một cư xá mini ở góc phố Lý Thường Kiệt - Phạm Bá Trực (quận Hồng Bàng). Dấu ấn kiến trúc cũ vẫn còn nguyên. Kiến trúc loại này cũng còn khá nhiều.
Cũng là dạng cư xá mini, ở phố Bến Bính (quận Hồng Bàng), gần bến phà Bính cũ trên sông Cửa Cấm.
Phố cổ Tam Bạc bên sông Tam Bạc, nơi đây vẫn còn bến đò ngang.
Nhà cổ trên phố Tam Bạc. Từng là một tuyến phố cổ đẹp, nhưng Tam Bạc bây giờ cũ nát và điêu tàn.
Nhà phố ở góc đường Quang Trung - Nguyễn Thái Học bên hồ Tam Bạc (quận Hồng Bàng).
Nhà phố liền kề trên đường Quang Trung (quận Hồng Bàng). Thể loại kiến trúc nhà phố liền kề cũng còn khá nhiều. Có những dãy nhà có bộ mái lớn, như dãy nhà này.
Nhà phố liền kề trên đường Quang Trung (quận Hồng Bàng) nhìn từ bên kia hồ Tam Bạc. Có nhiều đổi thay, che lấp ở mặt tiền nhưng cấu trúc mái gần như còn nguyên vẹn.
Một kiểu biệt thự phố trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng). Thời Pháp thuộc, con đường này được coi là đẹp nhất Hải Phòng.
Dãy nhà phố liền kề trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Hồng Bàng). Con đường này cùng với đường Đinh Tiên Hoàng là hai trục giao thông chính nằm hai bên hông nhà hát thành phố đi từ quảng trường nhà hát về phía cảng sông Cửa Cấm.
Một công trình kiến trúc công sở, hiện là trụ sở Phòng giáo dục & đào tạo quận Hồng Bàng (đường Nguyễn Tri Phương, quận Hồng Bàng).
Nhà phố liền với biệt thự phố nằm ở góc đường Phan Bội Châu – Hoàng Văn Thụ (quận Hồng Bàng).
Một ngôi biệt thự với kiến trúc đẹp, có sân vườn trên phố Hai Bà Trưng (quận Lê Chân), dù đã bị cơi nới, nhưng cấu trúc, hình hài chưa bị phá vỡ hoàn toàn. Hiện công trình là phòng khám của Bệnh viện đa khoa quận Lê Chân.
Nhà phố liền kề trên đường Nguyễn Đức Cảnh bên hồ Tam Bạc (quận Lê Chân). Nhiều ngôi nhà đã mang những gương mặt mới.
Dãy nhà phố liền kề trên đường Trần Phú (quận Ngô Quyền) ngay trước quảng trường nhà hát thành phố. Đây cũng là khu trung tâm thương mại. Mặt tiền dãy nhà ít nhiều có thay đổi nhưng cấu trúc tổng thể vẫn còn.
Một dãy nhà phố liền kề đã bị phá vỡ, đứt đoạn theo chiều ngang. Nhà hiện đại mới xây ở phía trong, bên ngoài chưa phá dỡ, vẫn còn dấu kiến trúc cũ (đường Lạch Tray, quận Ngô Quyền).
Một kiến trúc thuộc địa cũ đang được thi công cải tạo và nâng thêm tầng.
Ga Hải Phòng (có cổng chính ở đường Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền), là một trong những công trình đẹp nhất Hải Phòng, và cũng là một trong những nhà ga xe lửa đẹp nhất mà người Pháp để lại ở Việt
Cùng với Nhà hát thành phố, Nhà ga xe lửa; Bưu điện trung tâm thành phố (góc đường Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Tri Phương, quận Hồng Bàng) là một kiến trúc quan trọng từ thời thuộc địa, và cũng là một trong những kiến trúc đẹp nhất thành phố.
Trụ sở UBND thành phố, một trong không nhiều công trình kiến trúc còn khá nguyên vẹn (quận Hồng Bàng).
Toà giám mục Hải Phòng, công trình tôn giáo lớn nhất thành phố (quận Hồng Bàng).
Bảo tàng Hải Phòng (quận Hồng Bàng), là nơi trưng bày các hiện vật và thông tin về lịch sử thành phố từ thời tiền sử tới nay. Tòa nhà Bảo tàng Hải Phòng vốn là trụ sở của Ngân hàng Pháp - Hoa thời Pháp thuộc.
Nhà hát thành phố Hải Phòng, niềm tự hào của phố cảng. Quy hoạch xây dựng nhiều đô thị ở Việt Nam, song người Pháp chỉ để lại 3 nhà hát ở các thành phố: Hà Nội, Sài Gòn, và Hải Phòng. Đây là công trình văn hóa, trung tâm, là điểm nhấn đô thị; và cho đến giờ Nhà hát và quảng trường Nhà hát thành phố Hải Phòng vẫn giữ được nguyên vẹn chức năng, ý nghĩa đó.