VĂN HÓA

Ngàn năm qua đó

Khuê Việt Trường • 02-09-2022 • Lượt xem: 1527
Ngàn năm qua đó

Cây cầu đó đã có từ ngàn năm trước. Cả ngàn năm mây vẫn trôi qua, dòng nước vẫn trôi qua và những người muôn năm trước đã từng qua nơi này đã về cõi vĩnh hằng từ rất lâu rồi.

Lần thứ hai tôi đến cây cầu cổ đã ngàn năm ấy ,dẫu cảnh vật chung quanh có thay đổi, hàng quán buôn bán nhiều hơn, nhưng cây cầu vẫn thế, một vẻ cổ kính với màu xám đá ông, hai đầu cầu là đầu rắn thần Nagar, thân rắn là thành cầu, kệ nắng mưa trôi qua nơi này đã ngàn năm (hình tượng rắn Nagar được xây dựng khắp nơi tại các ngôi chùa, cổng chùa và đền thờ, với ý nghĩa là vị thần canh giữ chốn thiêng liêng, xua đuổi tà ma. Rắn Naga còn tượng trưng cho sự phồn thực và là loài có khả năng bảo vệ nguồn nước cho người Campuchia).


Đầu cầu với tượng thần rắn Nagar

Cây cầu Kompong Kdei dài 85 mét với chiều rộng 14 mét, 22 nhịp

Dẫu chỉ là cuộc hành trình ghé qua thoáng chốc, nhưng kiến trúc vĩ đại vĩnh cửu với thời gian ấy làm cho tôi có một cảm giác vô cùng cảm phục. Bởi trải ngàn năm dâu bể ấy, bao vương triều đã qua, bao cuộc chinh chiến cũng đã trôi qua trên đất nước Campuchia này, giống như quần thể Angkor Wat kia khuất chìm trong co cây. Vào thời đó, Siêm Rệp bị các vị vua bỏ lại, về Nông Pênh, đền đài cũng bị bỏ lại. Mãi đến năm 1860, một nhà thám hiểm người Pháp tên Herri Mouhot mới phát hiện và khám phá ra ngôi đền Angkor Wat hùng vĩ.


21 nhịp cầu

Cây cầu Kompong Kdei dài 85 mét với chiều rộng 14 mét, 22 nhịp là các vòm chống bằng đá ông nay chỉ dành cho xe thôi sơ, xe máy đi qua như tạo ra những nhịp nhặt khoan của cuộc sống hơn là chức năng đi lại. Ngàn năm trước làm gì có xe cộ, chỉ là những đôi chân đi, là xe kéo đi qua, như chuyện thuở đó dưới thời vua Chayravaman VII, vào thế kỷ 12 (năm 1186) dựng lên đã là một vẽ đẹp vĩnh hằng trên Quốc lộ số 6 từ Phnom Penh đi Siem Reap.


Ngàn năm cây cầu vẫn vững chắc

Xe dừng lại bên này cầu, một người thợ chụp ảnh đã chờ sẵn chụp ảnh, họ sẽ rửa rất nhanh sau khi khách tham quan và bán với giá 50 ngàn tiền Việt. Bức ảnh tôi chụp ba năm sau cũng là cái nền 5 ngọn tháp không khác gì mấy.Cây cầu Kompong Kdei với nền đất, có cột xi măng chắn giới hạn xe, chỉ có những chiếc xe tuk tuk và xe máy đi ngang. Nền cầu óng lên màu đất đoe, có cả cỏ xanh mọc. Dường như đây là cây cầu hiếm hoi phủ đất và cỏ xanh mọc như sự hân hoan cùng thời gian.

Bây giờ trước cổng cầu, nơi hai đầu thần rắn Nagar đã đặt thêm hai lư hương và để sẵn bó nhang. Những người khách đến, đốt nhang khấn nguyện, mỗi người cầu nguyện một cách khác nhau, số khác đi lên cầu chạm vào thành cầu làm bằng đá ong đỏ sẫm. Thời gian đã bào mòn những phiến đá ong, nhưng những thành cầu vẫn vẹn nguyên. Chuyện kể ngày xa xôi cầu còn có một cái vòm, mà cả ngàn năm rồi còn lại chiếc cầu có thể để cho nhân gian qua lại nhìn ngắm cũng đã là kỳ tích.


Xe qua cầu

Du khách tham quan tại đây

Những người đi cùng chuyến đi với tôi đến các sạp hàng nhỏ của những người dân địa phương bán hàng. Họ bán bánh bò thốt nốt, bánh tôm, nước thốt nốt, các loại bánh khô, trứng luộc và nhiều vật lưu niệm. Món được mua nhiều nhất là bánh bò làm nho nhỏ, rưới đường thốt nốt lên. Khách mua vì vui, vì tìm cảm giác hơn là có nhu cầu ăn uống, còn những người bán hàng thì nhận cả tiền Việt và chẳng phiền lòng dẫu khách chỉ lướt qua.

Mùa này Campuchia có những cơn mưa chiều. Cuộc hành trình của chúng tôi trên những con đường mưa, bắt gặp những cây thốt nốt, bắt gặp cả những cái bẫy dế khá độc đáo bằng những tấm nhựa trắng gắn đèn (vào ban đêm dế bị lóa đèn bay vào tấm nhuwaja sẽ rớt xuống vũng nước bên dưới, không thoát ra được). May mà đến cầu Kompong Kdei trời không mưa. Tôi qua bên mép cầu, dưới chân cầu có nhiều gộp đá, có những cây cổ thụ và có những chiếc lá rơi. Dưới chân cầu, những phiến đá ong ngàn năm nâng đỡ tạo ra những vòm vòng cung, một màu xám trộn màu thời gian ở đó, con nước vẫn chảy ra, gội rửa những tảng đá. Những con nước đã trôi qua đó đã ngàn năm.

Bài và ảnh: Khuê Việt Trường