VĂN HÓA

Ngành công nghiệp xuất bản toàn cầu có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch

Minh Nhân • 30-10-2022 • Lượt xem: 807
Ngành công nghiệp xuất bản toàn cầu có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch

Theo một báo cáo mới của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) về tình hình phát triển của ngành xuất bản sau đại dịch, trải qua khoảng thời gian dài chịu ảnh hưởng thị trường xuất bản toàn cầu đã và đang có những dấu hiệu hồi phục đáng mừng.

Lấy dữ liệu từ nhiều thành viên thuộc Hiệp hội các Nhà xuất bản quốc tế (WIPO), trong đó có cả những thị trường rộng lớn như Mỹ hay Anh, báo cáo này đã chỉ ra từng giai đoạn thăng trầm của lĩnh vực xuất bản toàn cầu trong hai năm 2020 và 2021. Theo đó, nếu như doanh thu của ngành xuất bản trong năm 2020 chỉ đạt hơn 64,4 tỷ USD thì trong năm ngoái con số này đã tăng trưởng lên đến hơn 71,6 tỷ USD. Hầu hết các thành viên của WIPO đều đạt tăng trưởng doanh số, trong đó cao nhất phải kể đến Mỹ với mức độ tăng trưởng lên đến 13,6%. 

Điều này hoàn toàn trái ngược với mức doanh thu ngành xuất bản đạt được trong giai đoạn trước đó từ năm 2019 đến năm 2020. Không quá khó hiểu bởi đây là giai đoạn ngành xuất bản nói riêng và nền kinh tế các quốc gia nói chung đều phải đối mặt với những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Theo bà Sheikha - Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất bản quốc tế cho biết để đạt được nhưng hồi phục này không phải là điều dễ dàng và cần sự nỗ lực tiếp tục trong thời gian dài: "Đã có nhiều tác động và sự phục hồi thị trường không đồng đều. Các nước phát triển như Pháp, Đức và Mỹ đã trải qua sự suy giảm doanh thu đáng kể trong làn sóng đại dịch ban đầu nhưng có đà phục hồi rất nhanh. Tuy nhiên, các thị trường xuất bản kém phát triển hơn vẫn đang bị ảnh hưởng cho đến ngày nay".

Góp phần đáng kể vào sự hồi phục này phải kể đến xu hướng số hóa ngày càng phát triển của ngành xuất bản. Theo doanh số bán hàng được thống kê vào năm ngoái, số hàng hóa được bán dưới hình thức trực tuyến chiếm hơn 70% tổng doanh thu. Số lượng đầu sách được xuất bản trong năm này cũng tăng đáng kể, trong đó thị trường tăng trưởng nhanh nhất với kể đến Pháp với hơn 12,5%.

Bày tỏ sự vui mừng trước dấu hiệu hồi phục cùng xu hướng số hóa hiện tại của sách nói, Porter Anderson - biên tập viên tạp chí Publishing Perspectives bày tỏ: “Một trong những nỗ lực đấu tranh lớn của ngành xuất bản là khiến các chàng trai đọc nhiều sách như phụ nữ. Với sách nói, họ đang nghe nhiều hơn vì họ có thể làm những việc khác cùng lúc. Chúng ta đã đạt được lợi nhuận thực sự với khía cạnh này vì mọi người vẫn đang đón nhận sách nói và tiếp tục lắng nghe”.

Những thông tin cùng số liệu được công bố là tín hiệu vô cùng khả quan, tạo động lực đầu tư và phát triển cho ngành xuất bản toàn cầu nói chung sau hơn 2 năm “đóng băng” do tình hình dịch bệnh kéo dài. Tại nước ta, việc đẩy mạnh xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản được xem là mục tiêu sống còn. Bởi đây là cơ hội đưa ngành xuất bản đi vào thực tế đời sống, mở cánh cửa hội nhập với thị trường quốc tế và thích ứng kịp thời với những biến động xã hội.