VĂN HÓA

Nghề làm muối: Khi hạt muối không chỉ mặn

Cẩm Chi • 07-08-2023 • Lượt xem: 1439
Nghề làm muối: Khi hạt muối không chỉ mặn

Những hạt muối trắng không chỉ thấm đẫm vị mặn của biển cả mà còn kết tinh cả vị mặn mòi từ mồ hôi, công sức lao động vất vả của người diêm dân; mang lại gia vị đậm đà cho mỗi món ăn, đồng thời trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và là điểm đến du lịch khám phá độc đáo.

Một nắng hai sương

Nghề làm muối đòi hỏi các diêm dân sự cần cù, chịu khó cùng những tri thức, kinh nghiệm sản xuất gắn với thiên nhiên. Trong tiếng sóng rầm rì của biển cả, bạn sẽ được nhìn thấy vẻ đẹp của cánh đồng muối sống động với sự chăm chỉ, cần cù của những người diêm dân.

Bước đầu, trên mỗi ruộng muối, người làm muối sẽ xử lý nền đất cho thật chặt, hạn chế tối đa nước biển thấm vào đất. Sau đó, tiếp tục cho nước biển vào phơi khô để thêm độ rắn cho đất. Khi nền ruộng muối đã đạt yêu cầu, người dân mới bơm nước biển vào bên trong.

Người dân chuẩn bị làm đất kỹ lưỡng trước khi làm muối.

Ruộng ban đầu cho nước biển vào người dân gọi là "ruộng phơi", dưới ánh nắng mặt trời lượng nước trong nước biển bốc hơi bớt, lúc này nồng độ mặn trong nước tăng cao hơn so với ban đầu. Người dân mới tháo phần nước này xuống phần ruộng bên dưới để tạo muối, ruộng này gọi là "ruộng ăn".

Khi muối bắt đầu kết tủa, diêm dân mới dùng dụng cụ để cào muối tập trung lại thành những hình chóp trên mỗi ruộng. Quy trình như vậy lập đi lặp lại cho đến khi thu hoạch xong… Toàn bộ các công đoạn làm muối cho đến thu hoạch đều thực hiện dưới trời nắng gắt. Cho nên, nước da của diêm dân lúc nào cũng đen bóng vì cháy nắng. Sau đấy, muối sẽ được cào thành gò nhỏ cho khô sau đó thu gom về các kho trữ muối thô, rồi được đưa về các nhà máy để làm sạch.

Công đoạn cào muối thu hoạch dướt nắng gắt

Dù đã tiến hành cơ giới hóa nhiều khâu trong quy trình sản xuất muối nhưng hầu hết các diêm dân thường sử dụng kỹ thuật sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống: phơi “Xa kề, nhì kề, xắp chuối” (tương ứng với các cấp bay hơi: Sơ, trung và cao cấp) để nước biển kết tinh thành những hạt muối có rắn chắc, khô.

Thành quả của những ngày dầm mưa dãi nắng là từng hạt muối trắng, to tròn. 

Dù vất vả thăng trầm là thế nhưng những người diêm dân thường gắn bó lâu đời với nghề vì thương cái vị mặn mà của muối mà hễ xa là nhớ, vẫn cứ "chung tình" với muối. Tình yêu giữa người và muối không chỉ đi vào thơ ca mà trong quá trình lao động nhọc nhằn, diêm dân còn sản sinh ra những câu ca dao đầy tự tin, hào sảng, thể hiện tinh thần lao động không biết mệt mỏi: "Chừng nào chưa cạn biển Đông, Bạc Liêu còn muối anh không sợ nghèo".

Những làng muối di sản khắp đất nước

Làng muối Diêm Điền - Thái Bình nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 110km về hướng đông nam, là một trong số 3 khu dự trữ sinh quyển lớn nhất của vùng châu thổ sông Hồng. Biển Diêm Điền có nồng độ mặn của nước biển đạt tiêu chuẩn để có thể làm ra được những hạt muối trắng ngần. Khác với nhiều nơi, Diêm Điền lại có thời gian thu hoạch muối là vào tháng 4 đến tháng 7. Làng nghề truyền thống làm muối biển ở đây đã xuất hiện từ rất lâu đời và được nhiều du khách lựa chọn là điểm tham quan.

Làng muối Sa Huỳnh là một địa điểm nằm ở cực nam của tỉnh Quảng Ngãi, thuộc huyện Đức Phổ. Được hình thành từ thế kỷ 19, cánh đồng muối Sa Huỳnh đã trở thành một trong những vựa muối quan trọng và nổi tiếng ở miền Trung. Đến Sa Huỳnh vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau, bạn sẽ có cơ hội được thấy tận mắt một vẻ đẹp hết sức mộc mạc, bình dị của những người dân làm nghề muối nơi đây. Họ đã chăm chỉ và cần cù từ sáng đến tận chiều tối để cho ra những hạt muối trắng tinh đậm vị nhất. Đó cũng chính là lý do vì sao mà nghề làm muối ở nơi đây vẫn được gìn giữ, lưu truyền, giúp người dân có thể kiếm sống, ổn định mức tài chính.

Nhắc đến vùng đất nắng gió Ninh Thuận nhiều người thường nhắc tới làng muối Cà Ná với hình ảnh một làng chài nhỏ yên bình với lịch sử hơn 100 năm trong nghề làm muối từ thời Pháp thuộc. Với địa thế bầu tròn với những dãy núi Nam Trung bộ bao phủ xung quanh và chắn gió cũng chính là nguyên nhân khiến cho vùng đất này ít phải chịu ảnh hưởng gió mùa Tây Nam, vô tình đã mang lại lợi thế khô hạn rất lý tưởng để có thể làm muối. Không chỉ là một trong những nơi sản xuất muối lớn nhất Việt Nam, Muối Cà Ná được xem là sản phẩm chất lượng nhất nước ta, được ưa chuộng chính nhờ hương vị đậm đà, thanh thanh đặc trưng. Đây cũng là nguyên liệu chính yếu để làm nên một món đặc sản trứ danh khác của đất Ninh Thuận đó là nước mắm Cà Ná.

Tại miền Tây, vùng đất Bạc Liêu là địa phương nổi tiếng nhất về nghề làm muối với lịch sử hình thành và phát triển cách đây hơn 1 thế kỷ. Từ những năm đầu thế kỷ XX, Bạc Liêu được xem là “thủ phủ muối” của Việt Nam và là tỉnh có sản lượng muối lớn nhất. Nhờ đường bờ biển kéo dài hàng chục ki lô mét, tại đây đã hình thành những ruộng muối trải dài từ đoạn giáp với biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đến cửa biển Gành Hào và tập trung nhiều nhất ở 2 xã Long Điền Đông, Long Điền Tây (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu).

Muối Bạc Liêu mang hương sắc đặc trưng của nước biển phù sa, có kích thước lớn, màu trắng hồng, hạt khô chắc, không mùi, không đắng chát, không lẫn tạp chất, vị mặn đậm đà và ngọt hậu. Hiện nay, muối Bạc Liêu được xuất sang Campuchia để muối cá, làm nước mắm, làm khô; là sản phẩm muối duy nhất của nước ta được đưa vào thị trường Nhật, Hàn Quốc… Năm 2020, nghề làm muối ở Bạc Liêu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó, những cánh đồng muối ở Bạc Liêu còn là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách.

Hình ảnh: Internet