VĂN HÓA

Nghề làm nem Lai Vung trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Minh Nhân • 21-11-2023 • Lượt xem: 1243
Nghề làm nem Lai Vung trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Mới đây, theo công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết nghề làm nem Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp (xã Tân Thành và thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đã được vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Với hơn 60 năm lịch sử hình thành và phát triển, nghề làm nem Lai Vung được biết đến là làng nghề truyền thống nổi tiếng từ lâu đời ở Đồng Tháp. Nem Lai Vung nức tiếng gần xa, nổi danh khắp vùng Tây Nam Bộ với hương vị thơm ngon cùng vị chua chua, ngọt ngọt đặc trưng. Nem Lai Vung thường được thực khách thưởng thức từng chiếc hoặc ăn chung với bánh cuốn, bánh ướt, tré trộn, thậm chí với cả cơm đều được. Nhưng đặc biệt nhất phải kể đến kết hợp cùng với bún, ăn kèm một ít rau thơm tạo nên một món ăn hấp dẫn, gắn liền với biết bao thế hệ người miền Tây.

Một số nguyên vật liệu làm nên món ngon đặc biệt này như thịt heo, da heo, lá vông, lá chùm ruột, lá chuối, dây chuối,... cùng một số gia vị không thể thiếu như tỏi, tiêu, đường, muối, ớt xanh,... đều là những nguyên liệu đơn giản, quen thuộc, sẵn có của xứ “sen hồng”. Điểm khác biệt lớn nhất giúp phân biệt nem Lai Vung với nem ở các vùng khác là được gói bằng lá vông hoặc lá chùm ruột bên trong thay cho lá ổi. Theo bà con nơi đây, lá chùm ruột giúp nem lên men nhanh hơn và hương vị chiếc nem cũng hài hoà hơn. 

Để làm ra một chiếc nem Lai Vung ngon chuẩn vị, người thợ cần đảm bảo yêu cầu khắt khe về mặt nguyên liệu, đặc biệt thịt phải là loại thịt đùi tươi ngon. Các nguyên liệu như thịt, bì sau khi được sơ chế kỹ lưỡng sẽ được mang đi xay nhuyễn và tẩm ướp với các loại gia vị. Nem sẽ được đặt lên trên một lá vông (hoặc lá chùm ruột) và gói bằng lá chuối tươi bên ngoài cho lên men khoảng 3 - 5 ngày là dùng được.

Cách chế biến nem Lai Vung tuy không cầu kỳ, phức tạp nhưng đòi hỏi ở người thợ sự công phu, chăm chút tỉ mỉ để cho ra sản phẩm đúng vị. Và ở riêng mỗi cơ sở sản xuất, những người thợ lại có cho mình những bí quyết đặc biệt để giúp cho sản phẩm được hài hòa và bắt mắt nhất. 

Chia sẻ về nguồn gốc của nghề làm nem và người có công khởi xướng ra món ăn đặc biệt này, bà Phan Thị Vũ Quyên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp cho biết, nghề làm nem ở huyện Lai Vung ra đời vào khoảng những năm 60 của thế kỉ trước. Theo đó, người đầu tiên khởi xướng ra món ăn này là bà Nguyễn Thị Mặn (hay Tư Mặn), ở ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, quận Đức Thành, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Những chiếc nem đầu tiên ra đời được bà Tư làm cho các bữa cơm trong gia đình hay để cúng tổ tiên trong các dịp giỗ, lễ Tết. Tiếng lành đồn xa, bà con trong vùng ăn thấy ngon nên tìm đến bà học nghề rồi đem ra chợ bán. Từ cơ duyên đó mà món ăn bình dân giản dị có cơ hội phát triển, nổi danh rộng rãi như ngày nay. 

Từ một vài hộ làm nem theo quy mô gia đình ban đầu, nay trên toàn huyện Lai Vung có hơn 20 cơ sở sản xuất nem với quy trình sản xuất, máy móc chuyên nghiệp. Nhiều cơ sở trở nên nổi tiếng, ngày càng mở rộng quy mô và tạo ra cơ số việc làm cho lao động tại địa phương. Ước tính, có hàng trăm chiếc nem Lai Vung được sản xuất và tiêu thụ mỗi ngày, giúp bà con người dân ngày càng cải thiện cuộc sống. Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất nem Lai Vung đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và được Cục Sở hữu Công nghiệp cấp giấy chứng nhận có giá trị 10 năm như: Giáo Thơ (xã Tân Thành), Tư Minh (thị trấn Lai Vung), Út Thẳng (xã Long Hậu) và cơ sở Thúy Ngoan (thị trấn Lai Vung).

Trước khi được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, nem Lai Vung từng được Sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận nằm trong Top 10 đặc sản nem, chả nổi tiếng của Việt Nam vào năm 2012. Đồng thời, được vinh danh trong Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam lần thứ nhất do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công bố năm 2013.