VĂN HÓA

Nghệ nhân ưu tú A Biu và nhạc cụ độc đáo âm sắc Tây Nguyên

d • 19-12-2020 • Lượt xem: 744
Nghệ nhân ưu tú A Biu và nhạc cụ độc đáo âm sắc Tây Nguyên

Nghệ nhân ưu tú A Biu được ví như "bảo tàng sống" về văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na khi ông rất giỏi sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc, chỉnh chiêng, thuộc và kể rất nhiều bài sử thi, truyện cổ dân gian Ba Na.

Trong không gian của tiết trời mùa xuân, tiếng đàn T’rưng của nghệ nhân A Biu – làng Plei Klech, xã Ngọk Bay, thành phố Kon Tum thanh thoát, mang đầy thêm hoài niệm về âm thanh xa xưa nơi núi rừng Tây Nguyên. Không cầu kỳ, phức tạp, đàn T’rưng tuy giản đơn nhưng lại tinh tế, từng bậc âm thanh hòa tấu như mang cả hơi thở, nhịp sống hoang sơ của vạn vật trở về.

“Ngày xưa cuộc sống bà con đơn giản lắm, đi lên núi cao vào rừng sâu, sông suối săn bắt không có cái gì để tạo được niềm vui. Sau đó thì bà con nghĩ ra dùng tre, nứa, lồ ô để làm cái đàn T’rưng như thế này. Tại sao gọi là đàn T’rưng, vì dựa vào tiếng suối chảy, gió thổi mà bà con chế tác thành đàn T’rưng”- nghệ nhân A Biu chia sẻ.

Nghệ nhân A Biu hướng dẫn du khách và các cháu trong làng sử dụng nhạc cụ dân tộc

Với âm thanh vui tai, tiết tấu nhanh và rộn ràng, thế nên tiếng đàn T’rưng được vang lên để xua đi nỗi buồn của bà con những khi một mình, khi phải xa làng, xa nhà lên nương rẫy. Có thể vì thế mà người dân Tây Nguyên ngày xưa, gia đình nào cũng có đàn T’rưng mang theo khi đi làm xa, những lúc nghỉ ngơi lại lướt nhẹ đôi tay trên từng phím đàn, tạo niềm vui cho chính mình.

Nghệ nhân A Biu tiếp lời: “Như khi lên nương rẫy, trước khi làm việc thì bà con sẽ đánh lên, nhất là khi vào buổi chiều tối, bà con đánh đàn T’rưng để đuổi thú dữ không phá hoa màu, biết là có người để tránh xa ra. Đặc biệt là đàn T’rưng không bao giờ được dùng những lúc có người mất hoặc là đám tang, chỉ đánh lên trong những dịp vui vẻ, những dịp cô gái chàng trai gặp mặt nhau”.

Ngày xưa, bà con dân tộc Ba Na chỉ có chiêng tre bản địa truyền thống, sau khi người Lào sang trao đổi mua bán, cồng chiêng mới bắt đầu được bà con sử dụng, biến tấu để trở thành nhạc cụ độc đáo riêng trong các dịp lễ hội truyền thống quen thuộc của mình. Quen thuộc đến nỗi chỉ cần nghe âm thanh vang vọng lên là bà con có thể phân biệt được tiếng cồng hay tiếng chiêng.

Nghệ nhân A Biu tâm sự: “Nói về những chiếc cồng, có núm to ở giữa, bà con gọi là Yong vì nó to, thứ hai là cồng Pông hay còn gọi là Mông và một loại cồng nữa là loại cồng Pep. Tại sao gọi là cồng Pep vì âm thanh đánh lên như tiếng chim kêu, âm thanh của cồng vang lên thế nào thì bà con đặt tên cồng như thế”.

Chiêng cũng được chia thành 03 loại: chiêng Rơ wăl, chiêng Brông và chiêng Brong. Trong đó, bộ chiêng Rơ wăl thường có 08 cái, mỗi cái có âm thanh khác nhau, tương ứng với mỗi âm khi đánh đàn T’rưng. Chiêng Brong có thể được dùng trong cả những dịp lễ hội hay khi trong làng có chuyện không vui. Còn riêng chiêng Brông thì chỉ vang lên mỗi khi có người mất mà thôi.

“Bà con chỉ cần nghe cồng Yong hay cồng Pep, nhịp điệu nhanh hay chậm là biết đang có chuyện vui hay chuyện buồn. Bà con dù có đi đâu xa, lên núi lên rừng, nghe tiếng cồng chiêng vang lên là sẽ biết trong làng có việc, nhịp cồng Yong nhanh là có có người mất, còn chậm là có chuyện vui như đâm trâu, mừng nhà mới…” – Già A Biu giảng giải.

Vừa đeo chiếc trống lên vai, già A Biu vừa thủ thỉ:“Không chỉ có đánh cồng chiêng, mà bà con còn sử dụng trống. Đây gọi là trống Rơ wăl, loại trống nhỏ, có thể mang vác. Ngoài ra còn một loại trống nhỏ hơn, vừa mang vác đi vòng quanh vừa dùng tay để đánh trống. Và cái thứ ba là trống cái, hay còn gọi là Tơ nân, đó là loại trống to, chỉ đặt một chỗ, không di chuyển”.

Tiếng cồng chiêng âm vang, đàn T’rưng rộn rã hay tiếng trống đánh lên dồn dập, cùng hòa tấu tạo nên âm sắc mạnh mẽ, phóng khoáng và mộc mạc như chính con người nơi đây. Trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên qua bao thế hệ.

Bà Nicole trải nghiệm đánh cồng chiêng cùng nghệ nhân A Biu

Đến thăm làng Plei Klech, xã Ngọk Bay, thành phố Kon Tum vào buổi chiều muộn, bà Nicole, du khách đến từ đất nước Canada rất thích thú trước những nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ba Na: “Khi nghe những nhạc cụ truyền thống ở đây tôi thấy rất là thú vị, thấy những đứa trẻ cũng biết đánh, biết được dùng những nhạc cụ này sẽ dùng trong những lúc đám cưới hay là đám ma, những dịp lễ hội. Khi đến Việt Nam tôi đã đi qua nhiều tỉnh thành, nhưng tôi rất ấn tượng với Kon Tum và thực sự muốn ở lại lâu hơn để tìm hiểu, trải nghiệm các phong tục tập quán, bản sắc văn hóa truyền thống của người dân Kon Tum”.

Nhạc cụ dân gian truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên vốn đơn sơ, giản dị nhưng vẫn không mất đi sự độc đáo. Bằng sự sáng tạo, bàn tay khéo léo và tâm hồn phóng khoáng, bà con nơi đây đã mang cả âm thanh của không gian núi rừng vào từng nhạc cụ, biến tấu và hình thành nét văn hóa đặc sắc riêng, đậm đà bản sắc dân tộc                                                         Theo kontum.gov.vn

Tag: