GIẢI TRÍ

Nghệ sĩ Thương Tín - đời không như… phim (P.2)

Diệp Y • 10-07-2019 • Lượt xem: 2761
Nghệ sĩ Thương Tín - đời không như… phim (P.2)

Với tính khảng khái, cương nghị, Thương Tín từng thẳng tay đấm một trợ lý phải đi bệnh viện cấp cứu. Anh cũng 2 lần mắc "án oan" khi bị bắt vì đánh bạc và ra mắt cuốn tự truyện bị cho là khoe "chiến tích" tình trường...

Tin, bài liên quan:

Nghệ sĩ Thương Tín - đời không như… phim (P.1)

Thần thái ở phim trường

Nhắc đến Thương Tín, diễn viên Quyền Linh bật mí: “Anh ấy là thần tượng của tôi, thuở mới vào nghề, lương tôi được 25 ngàn thì anh ấy đã lãnh một triệu rưỡi, vậy mà sau mỗi xuất diễn, vẫn được anh ấy mời uống café chung, la cà trò chuyện như anh em trong nhà. Sau này, được dịp đóng phim chung, mỗi lần “đụng độ” trong các phân đoạn diễn chung, tôi sợ nhất là ánh mắt sắc bén như hút hồn của anh ấy, cặp mắt đầy sắc thái… ma mị, từng làm khối người mê mệt, và ngay cả tôi khi nhìn vào đôi mắt ấy, cũng bối rối và quên luôn lời thoại…”.

 

 

Không chỉ gây ấn tượng bởi khả năng diễn xuất, Thương Tín còn được chú ý bởi sự khảng khái, cương nghị. Anh từng tung cú đấm thẳng vào mặt trợ lý, khiến tay này té lăn lốc từ cầu thang xuống đất, phải chở đi bệnh viện cấp cứu tại thị xã Vĩnh Long. Hỏi lại chuyện này, anh trả lời tỉnh bơ: “Đời tôi, ghét là dạng người lừa thầy phản bạn, nên khi hay tin tay trợ lý này mạo danh tôi, để ép hai cô diễn viên trẻ uống nước cam có tẩm thuốc mê, hòng giở trò đồi bại là tôi đánh ngay tại chỗ, đánh thẳng tay cho dù có bị kỷ luật cũng cam lòng”. Tính anh là thế, dám làm dám chịu.

 

Những ngày rong chơi

Anh khoe: “Lần này tôi vào Sài Gòn là để gặp gặp anh bạn Giám đốc nhà sách, biết tình hình tôi đang lênh đênh, ảnh bảo đưa vợ con vào Sài Gòn đi, thuê một chỗ ở tươm tất rồi đi làm cho công ty sách của anh. Nào giờ mình là nghệ sĩ, chỉ biết diễn chứ có nghề nghiệp gì đâu, nghe người ta mở lời thì mừng, nhưng không biết có làm được gì không”.

 

Thấy tôi lo lắng, ảnh bảo: “Anh về tiếp khách cho tôi, xem như là nhà ngoại giao đặc biệt. Vợ anh cứ vào cái chân bán sách, rồi con cho đi học gần nhà, xem như gia đình anh sống khoẻ, lo gì”.

 

 

Nói thiệt nghe người ta giúp đỡ cho mình như vậy, mừng mà trong bụng cứ như đánh lô tô vậy. Giờ tôi đang tính chuyện lo giấy tờ để hợp thức hoá việc đi làm cũng như cho con đi học. Đây được xem là một cuộc “cách mạng” đổi mới vận mệnh của mình. Tháng trước có bà thầy bói gặp tôi phán tỉnh bơ: “Sắp tới anh sẽ lấy lại những gì đã mất…”. Nghe cũng mừng nhưng tôi sợ: Sẽ mất hết những gì đang có… là nguy! Cứ nghĩ mấy chuyện này khiến đầu óc tôi cũng rối lắm, nhiều đêm khó ngủ. Giờ mình cứ sống vui ngày nào hay ngày đó, ai giao mình việc gì làm được tôi đều nhận hết, nhận để có niềm vui, và nhận cũng để có kinh tế mà lo cho gia đình.

 

 

Có người bảo Thương Tín đang rơi vào thế cha già con mọn, lắm lúc anh nghĩ lại cũng thấy vui vui. “Lúc trước, khi có vợ con mình nghĩ chắc cũng bình thường, cứ ráng sống tốt sẽ ổn thôi, nhưng thực tế, ở cái tuổi lục tuần này, chuyện vợ con thấy vậy chứ không đơn giản đâu nhe, chạy cơm hàng ngày cũng căng lắm… Thôi thì, cuộc sống mà, có bao nhiêu chơi bấy nhiêu”.

 

Hai lần mang oan…. án!

Nghe thì thấy khủng, nhưng thực tế còn khủng hơn khi anh nhắc lại những câu chuyện buồn của đời mình khi hai lần mang… oan án.

Lần thứ nhất mang tội đánh bài, lần đó thật chất chỉ là một buổi đánh bài với những người bạn, cứ như “chén tạc, chén thù” với những người anh em ngay tại quán café của tôi. Vậy mà khi công an vào cuộc, lại rơi vào thế tình ngay lý gian khi tiền vàng trong việc mua bán đang nằm trong người tôi, nó cứ như tang chứng vật chứng rõ ràng, làm tôi khổ sở cả một thời gian dài. Đây là bài học xương máu chứ chẳng chơi!

 

 

Lần thứ hai khi cuốn tự truyện ra đời, cứ nghĩ chỉ là những câu chuyện vui buồn của một đời nghệ sĩ được kể lại qua một nữ nhà báo đầy kinh nghiệm chấp bút. Vậy mà, khi xuất bản, dư luận cứ cho rằng tôi đang khoe “chiến tích” tình trường, thế là gạch đá cũng ào ạt vào mình. Thôi thì cũng phải cam chịu tiếng chì tiếng bấc, chứ biết làm sao. Tôi tiếc nhất trong chuyện này, nếu như ai đó từng phản bác tôi, đọc hết quyển tự truyện đó sẽ hiểu hết được câu chuyện của mình, chứ đọc có một khúc, nghe có một đoạn rồi phán như thế tôi chẳng biết phân tỏ làm sao. 

 

 

Thời điểm đó có nhiều bài báo viết về tôi cứ như trên trời rơi xuống, càng đọc tôi càng mắc cười, vì rõ ràng nhà báo đó có gặp tôi đâu mà tả ghê quá, nào là Thương Tín những ngày trên đất Mỹ vùng California cứ mỗi lần nhìn tuyết rơi là nhớ quê hương yêu dấu, để cuối cùng anh chọn về Việt Nam để phục vụ tổ quốc non sông. Tôi đọc mà cứ nghĩ mình đang nằm mơ, vì hổng hiểu chuyện gì xảy ra với mình. Có điều an ủi nhất trong đời tôi là những khoảnh khắc rong chơi thế này, nhiều khán giả nhận ra tôi, tới làm quen, xin chụp hình…. Vui lắm, tôi nhận thấy họ vẫn còn yêu mến mình dù bây giờ đã là một “ông già” mon men ở cái tuổi 60”.