VĂN HÓA

Nghệ thuật tặng quà tinh tế trong văn hóa của người Nhật

Trần Cẩm Chi • 13-06-2022 • Lượt xem: 1306
Nghệ thuật tặng quà tinh tế trong văn hóa của người Nhật

Tặng quà trở thành một thói quen không thể thiếu trong đời sống thường ngày của người Nhật Bản, thể hiện sự yêu mến và kính trọng lẫn nhau trong các mối quan hệ xã hội, đồng thời phản ánh tính khiêm nhường, trọng lễ nghĩa, kín đáo và tế nhị.

Trong văn hóa Nhật Bản, tặng quà đã trở thành một phong tục rất quan trọng, vì thế mà Nhật Bản còn được biết đến với tên gọi “Thiên đường tặng lễ vật cho nhau”.

Tặng nhiều dịp khác nhau

Ở Nhật có khoảng 70 dịp tặng quà khác nhau mà phổ biến là các dịp lễ tết như Tết dương lịch, lễ Tạ ơn, ngày của cha, mẹ (mới du nhập từ các nước phương Tây), valentine, giáng sinh, ngày sinh nhật, ngoài ra còn các dịp như đám cưới, có tin vui về việc sinh con, lễ nhập học, đi du học, tốt nghiệp, thành niên, mừng nhà mới, thăm hỏi người ốm, tặng quà lưu niệm khi đi du lịch về…

Người Nhật dành riêng cả hai mùa tặng quà nhằm để tỏ lòng biết ơn và gửi gắm những tình cảm của mình đến mọi người trong mối quan hệ xã hội. Chugen là mùa quà tặng giữa năm vào cuối tháng 6, và Seibo là mùa quà tặng cuối năm vào cuối tháng 12. Tặng quà không phải là bó hẹp trong phạm vi các cá nhân, các công ty và cơ sở kinh doanh gửi quà tặng cho khách hàng, đối tác của họ, và khách hàng trung thành của mình…

Tính biểu tượng cao

Quà tặng của người Nhật còn mang tính biểu trưng rất cao, như: quà tặng là xôi đậu đỏ biểu trưng cho sự may mắn, tốt lành; hay người Nhật cũng rất thích tặng nhau đũa, vì trong nhận thức của họ, đũa lúc nào cũng có đôi có cặp, và với công dụng với đũa là “gắp lấy”, người Nhật hình tượng hóa lên với ý nghĩa rằng với đôi đũa họ sẽ “gắp lấy” được những điều tốt đẹp trong cuộc sống như sẽ được lấy một cơ hội tốt, lấy một nghề nghiệp tốt, lấy một người yêu tốt…

Chú trọng hình thức

Với người Nhật, việc chuẩn bị, trang trí một món quà quan trọng hơn giá trị sử dụng của nó. Bởi món quà đó thể hiện sự khéo léo, để ý quan tâm, tình cảm, tính cách của người tặng và đem lại cho họ một món quà thật sự ý nghĩa. 

Cách gói quà của họ cũng rất cầu kỳ, bên trong ba lớp, bên ngoài ba lớp và cuối cùng thắt một sợi dây lụa, dây giấy xinh đẹp. Người Nhật cho rằng nút thắt vặn theo hình dây thừng có gửi gắm linh hồn con người, bày tỏ tấm lòng của người tặng quà. Những dịp chúc mừng họ sẽ thắt dây giấy màu đỏ trắng theo hình chiếc kéo để tương trưng cho may mắn đang đến, nhưng dịp buồn thì thường thắt dây giấy màu trắng đen để tượng trưng cho sự buồn đau và sự đen đủi sẽ không đến nữa.

Mizuhiki là vật trang sức cho những món quà của người Nhật. Nó khiến món quà trở nên sinh động và đẹp đẽ hơn, cũng nhấn mạnh thêm sự chu đáo quan tâm của người tặng đối với người nhận.

Văn hóa ứng xử

Phong tục tặng quà thể hiện nét đẹp trong văn hóa ứng xử cũng như những quan niệm trong phép đối nhân xử thế của người Nhật Bản. Người Nhật coi trọng cộng đồng và các mối quan hệ xã hội nên quà tặng được xem một sợi dây, một chất xúc tác để biểu hiện tâm tư, tình cảm, sự trân trọng với mọi người xung quanh mình. 

Một trong những quy chuẩn trong ứng xử của người Nhật Bản trong phong tục tặng quà của người Nhật là sự chân thành về tình cảm và tính lịch sự của người và người với nhau. Trong việc tặng quà, người tặng phải luôn đựng món quà trong túi kín và không được để cho người được nhận quà nhìn thấy món quà ngay từ lúc đầu gặp gỡ.

Khi tặng quà, người Nhật thường nói "có chút quà mọn tặng ông/bà làm kỷ niệm", để ngụ ý quan hệ mới là quan trọng, còn quà chỉ là vật kỷ niệm. Người Nhật cho rằng khi đã nhận quà của ai thì cần phải đáp lễ ngay. Người được nhận quà cũng tìm cách biếu lại người tặng quà những thứ tương đương, nhưng không nhất thiết phải có hình thức giống hệt nhau.

Những kiêng kị cần tránh

Trước khi chuẩn bị những món quà tặng, người Nhật luôn chú ý đến những chi tiết liên quan đến món quà mà theo họ sẽ không mang một ý nghĩa xấu cho người nhận, chính vì thế trong nhận thức của mình họ luôn kiêng kỵ những chi tiết này: trước hết, người Nhật không bao giờ tặng nhau những món quà có bộ 4 hoặc 9, với họ hai con số 4 và 9 là hai con số cấm kỵ, bởi trong cách phát âm của người Nhật Bản âm của số 4 đồng âm với chữ “tử”, nghĩa là “chết” và số 9 cũng được coi là số không may mắn vì nó đồng âm với nghĩa của từ “chịu đựng”, “đau khổ”.

 

Những món quà mà người Nhật thường không bao giờ tặng cho nhau có thể kể đến như: chiếc lược chải tóc vì từ chiếc lược trong tiếng Nhật là “kushi”, “ku” là sự chịu đựng, sự đau khổ, “shi” đồng âm với từ “chết”, “kushi” là cộng cả hai điều bất hạnh này; những món quà có in hình con cáo, vì họ cho rằng con cáo tượng trưng cho tình tham lam, giảo hoạt; quả lê, vì phát âm chữ “lê” trong tiếng Nhật giống như phát âm chữ “không có gì”.