VĂN HÓA

Nghệ thuật trà đạo của người phương Đông

Tam Nguyên • 27-10-2022 • Lượt xem: 755
Nghệ thuật trà đạo của người phương Đông

Trà trong văn hóa phương Đông trở thành đạo riêng. Người uống trà, pha trà, luận trà thể hiện được cốt cách của mình.

Khi cây trà hoang được phát hiện lần đầu tiên, người xưa thu hoạch lá trà tươi và nấu chúng trong nồi thành canh để thưởng thức. Lá trà ban đầu được coi như rau cải, chúng giống như món rau trong bữa ăn, chứ không hề có phương thức nấu ăn đặc biệt và đồ đựng riêng gì cả. Vậy nên, đồ dùng uống trà đầu tiên trong lịch sử cũng chính là chiếc bát được dùng để ăn trà. Tiếp đến, việc sản xuất đồ dùng trà đã bị ảnh hưởng sâu sắc từ chiếc bát, cho nên phần lớn đều không có tay cầm.

Trà làm khỏe người, giải cơn khát, nhưng không phải chỉ có thế mà nó còn tạo nên không khí giao tiếp, trong cách uống trà có chất thẩm mỹ riêng và yếu tố nghi lễ.

Nghệ thuật thưởng trà của người phương Đông

Nhắc đến uống trà là người ta nghĩ ngay đến trà đạo và nhắc đến trà đạo là nhắc đến nét văn hóa – nghệ thuật đặc sắc đậm chất Á Đông. Không chỉ vậy, trà còn được mệnh danh là “quốc ẩm” của một số quốc gia phương Đông như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam,… Mỗi nơi lại có một văn hóa uống trà riêng biệt, không lẫn vào nhau.

Việc thưởng trà cũng là văn hóa chung của phương Đông, từ đó hình thành nên những không gian trà trong tự viện, tư gia. Ngoài trà thì còn có ấm, tượng, âm nhạc, hương trầm... cùng hòa quyện - để người uống trà chiêm nghiệm tự thân. Uống trà khi đó không chỉ là uống trà, mà nó trở thành nghệ thuật, thành đạo.

Trà đạo Nhật Bản

Cùng với các nghi thức pha trà, uống và thưởng thức trà đã trở thành một nét văn hóa rất độc đáo được người Nhật coi trọng. Họ xem đây là tôn giáo vì đó không chỉ là những phép tắc uống trà đơn thuần, mà còn là phương tiện để làm sạch tâm hồn và lẽ dĩ nhiên là phải hòa mình vào với thiên nhiên trước tiên để tu sửa nội tâm, nuôi dưỡng tính tình và đạt cảnh giới giác ngộ.

Văn hóa uống trà ở Nhật Bản vốn có khởi đầu từ Trung Hoa, do một vị cao tăng người Nhật là Eisai đã mang những hạt trà về trồng trong sân chùa sau chuyến đi tham vấn học đạo của mình. Sau này, ông cho ra đời cuốn “ Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký” (Kissa Yojoki) ghi chép lại mọi chuyện liên quan đến việc uống trà. Và cũng bắt nguồn từ đây, người Nhật đã kết hợp việc uống trà với tinh thần thiền định của Phật giáo và lấy bốn nguyên tắc cơ bản tắc “Hòa, kính, thanh, tịch” để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà.

Trà đạo Trung Quốc

Nghệ thuật trà đạo Trung Hoa do Lục Vũ đời Đường sáng lập nên và ông đã dùng cả cuộc đời của mình để nghiên cứu về trà đạo và cho ra đời cuốn sách nổi tiếng “Trà Kinh”. Ông cũng là người khởi xướng việc dung nhập cầm, kỳ, thi, họa vào trong trà đạo để đề cao lối sống tiết kiệm, đạm bạc và yên tĩnh.

Trong văn hóa trà, người Trung Hoa không chỉ chú trọng đến khâu lựa chọn lá trà mà còn rất coi trọng nghệ thuật thưởng thức trà bao gồm phương pháp thưởng thức trà: thế trà, thưởng trà, văn trà, ẩm trà và tu dưỡng tâm hồn thông qua ẩm trà. Tư tưởng “thanh tịnh, yên tĩnh” của triết học phương Đông và “tu tâm hướng nội” của Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo chính là nền của thưởng trà và ẩm trà giúp con người tĩnh tâm, vững tinh thần và khiến cho tình cảm trở nên sâu đậm hơn.

Trà đạo Việt Nam

Cách thưởng thức trà của người Việt Nam mang đậm dấu ấn riêng khác với “Trà Kinh” của Trung Quốc hay “Trà đạo” của Nhật Bản. Trước khi uống, người thưởng thức thường đưa tách trà qua mũi để tận hưởng hương vị của trà rồi dần dần mới đưa xuống miệng nhấp một ngụm nhỏ, cảm nhận được vị chát đắng dần chuyển sang ngọt dịu của trà rồi sảng khoái bình luận.

Phong cách uống trà của người Việt Nam thường rất đa dạng và không theo bất kỳ chuẩn mực hay quy tắc nào. Mỗi thời điểm và mỗi vùng miền lại có cách thưởng thức trà khác nhau, ví như người trong Hoàng cung trước kia khi pha trà phải rất cầu kỳ và công phu, hứng từng giọt sương trên búp sen lúc chưa có ánh nắng chiếu rọi, còn các bậc tiền nhân thường dùng nước mưa pha trà để giúp nước trà tăng thêm vị ngọt.