VĂN HÓA

Nghệ thuật vẽ đèn lồng tô điểm nét đẹp cho phố cổ Hội An

Nguyễn Hậu • 20-09-2023 • Lượt xem: 4170
Nghệ thuật vẽ đèn lồng tô điểm nét đẹp cho phố cổ Hội An

Phố cổ Hội An để lại trong lòng du khách trong và ngoài nước nhiều ấn tượng sâu sắc, đặc biệt là những chiếc đèn lồng với hoa văn độc đáo và ánh sáng rực rỡ về đêm trở thành một nét đẹp văn hóa khó quên.

Theo quan niệm của người dân phố cổ Hội An, ánh sáng của chiếc đèn lồng có thể mang lại những điều may mắn và hạnh phúc cho gia đình. Những chiếc đèn lồng ở phố cổ Hội An được làm rất tinh xảo và bắt mắt được treo khắp các hàng quán và đường đi ở đây. Chúng đã trở thành một biểu tượng của phố cổ và là điểm check in thu hút rất nhiều khách tham quan về đêm, đặc biệt là giới trẻ đến để chiêm ngưỡng và chụp hình lưu niệm.

Giới trẻ thích thú chụp hình với đèn lồng ở Hội An.

Đèn lồng Hội An có lịch sử hơn 400 năm, chúng theo chân các thương lái đến đây. Theo nhiều người kể rằng đèn lồng Hội An có nguồn gốc từ những người Trung Quốc mang họ Thái, La, Châu... đến đây làm ăn. Họ đã đem theo những chiếc đèn lồng và treo chúng trên cửa nhà để vơi bớt nỗi nhớ quê nhà. Nhiều người dân thấy đẹp cũng áp dụng theo và trở thành một thói quen được duy trì tới ngày nay. Đèn lồng Hội An hội tụ nhiều nét đẹp tinh túy đến từ các nền văn hóa khác nhau như Trung – Việt – Nhật bởi nơi đây xưa kia là một thương cảng Quốc tế sầm uất, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

Sự đa dạng của đèn lồng Hội An.

Ông tổ của nghề đèn lồng tại Hội An là nghệ nhân Huỳnh Văn Ba – người đã làm sống lại một Hội An lung linh huyền ảo, rực rỡ, hấp dẫn du khách về đêm. Ông là người đi tiên phong trong việc phục chế lại những chiếc đèn lồng cổ làm từ khung tre và bọc vải thường thấy như hiện nay. Với nhu cầu của thị trường ngày càng tăng cao thì chiếc đèn lồng Hội An được chế tác ngày càng tinh xảo hơn. Ngoài những chiếc đèn lồng có hoa văn được in công nghiệp thì xuất hiện những chiếc đèn lồng được vẽ bằng tay để đáp ứng với nhu cầu thẩm mỹ cao hơn của khách hàng. Những người thợ vẽ đèn lồng tài hoa của Hội An đã đem linh hồn của người Việt qua hình ảnh chim muông, sông nước, cây cối, công trình kiến trúc... vào trong mỗi tác phẩm để rồi chúng sẽ theo chân du khách tỏa đi khắp nơi trên thế giới.

Hoa văn được vẽ trên đèn lồng mang đậm nét Việt Nam.

Hoa văn được vẽ trên đèn lồng nhìn sống động hơn so với hoa văn được in công nghiệp. Việc vẽ trên những chiếc đèn lồng cũng rất khó do bề mặt đèn không bằng phẳng và đòi hỏi mất nhiều thời gian và công sức. Nếu đèn lồng in được làm trên vải phi dễ in dễ dán hình có sẵn lên, thì với đèn vẽ người nghệ nhân phải tỉ mỉ, nắn nót từng nét vẽ trên hai loại vải là vải phi trơn và vải đũi. Đây là hai chất liệu vải chính của đèn lồng vẽ giúp lưu giữ được màu vẽ tốt hơn và nổi bật chi tiết khi lên đèn. Mặc dù đèn lồng in rất phát triển nhưng đèn lồng vẽ vẫn tạo được chỗ đứng riêng, vẫn phát triển tốt, tạo cơ hội cho các thế hệ nghệ nhân trẻ tiếp nối và gìn giữ nghề.

Sự khéo léo tài hoa của các nghệ nhân trong từng nét vẽ.

Hiện nay, đèn lồng Hội An được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến và rất yêu thích và đã có mặt tại rất nhiều nước trên thế giới. Qua đó góp phần đem hình ảnh của đất nước Việt Nam, giá trị văn hóa của người Việt Nam hội nhập với nhiều nền văn hóa khác.