Cuộc sống với nhiều nỗi lo toan, những điều không như ý muốn khiến chúng ta cảm thấy căng thẳng, bực bội, khó chịu. Và một trong những sai lầm mà chúng ta hay mắc phải đó là trút bỏ cảm xúc cá nhân, sự cáu giận nên người thân của mình. Điều đó thật đáng buồn phải không?
Một câu chuyện hay, ý nghĩa
Tôi từng nghe một câu chuyện có tựa đề “Cây phiền muộn”. Câu chuyện kể về người thợ mộc với những phiền muộn và bực dọc vì vất vả lo toan cho cuộc sống mưu sinh. Thế nhưng mỗi ngày, trước khi bước vào nhà anh đều dừng chân vuốt nhẹ lên đầu một ngọn cây thấp bé được trồng trước cửa. Và sau khi bước chân vào cánh cửa, anh thay đổi thái độ như biến thành một người khác, ân cần hỏi thăm mẹ già, tươi cười rạng rỡ ôm vợ con. Khi được hỏi về hành động kỳ lạ đó, anh trả lời:
“Ồ! Đó là cây phiền muộn của tôi. Tôi biết mình không sao tránh khỏi những phiền toái trong công việc và chắc chắn không nên đem về nhà những phiền toái ấy để gây khó chịu với vợ con, những người đã đợi tôi cả một ngày dài”.
Và thế là mỗi khi về nhà, anh lại đem hết những muộn phiền gửi lên ngọn cây rồi sáng hôm sau lại mang chúng đi làm.
Câu chuyện trên không dừng lại ở đó, nó mở ra cho chúng ta nhiều điều đáng suy ngẫm. Cuộc sống ngoài kia không hề dễ dàng, có những khó khăn, vất vả, có những muộn phiền, nhưng không phải ai cũng biết kiềm chế cảm xúc giống như anh thợ mộc mà phần lớn chúng ta đều tìm sự giải tỏa bằng cách lớn tiếng với mọi người xung quanh, đặc biệt là những người thân trong gia đình. Chúng ta không nhận ra rằng mình đã vô tình làm tổn thương đến những mình yêu quý nhất.
Các bạn có bao giờ cáu giận với người thân?
Chắc hẳn trong các bạn, sẽ có ai đó, vào một lúc nào đó cũng giống như mình. Mình có một tật xấu đó là mỗi khi đi làm về mà mệt mỏi là hay quạu ngang với người thân trong gia đình. Có khi chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt như nhà cửa bừa bộn do em nhỏ bày ra chơi, đồ đạc không xếp đúng chỗ nên khi muốn kiếm cái gì phải lật tung mọi thứ mà vẫn không tìm thấy hay đơn giản là món ăn không vừa miệng vừa mặn, vừa cay… và thế rồi mình la làng um sùm cả nhà.
Trong cuộc sống, nhiều khi là những chuyện chẳng có gì to tát nhưng dường như tất cả cảm xúc bực bội tích tụ lại cùng một lúc, mình đã vùng vằng giận dỗi và bộc phát ra những câu nói vô tâm khiến ba mẹ, người thân buồn lòng. Rồi mọi chuyện qua đi, cảm xúc lắng xuống, mình nhận ra rằng mình đã sai. Nhưng thật khó để đối mặt với việc đó và nói lời xin lỗi, phải không?
Tại sao chúng ta thường nổi nóng với người thân nhưng lại bao dung với người lạ?
Khi ra ngoài xã hội, gặp gỡ với những người không thân quen hoặc những người xa lạ chúng ta thường khoác lên mình bộ áo giáp, dù có buồn đau, chán ghét hay tức giận cũng sẽ tìm cách che giấu, cất giữ ở trong lòng. Chúng ta luôn tỏ ra vui cười thân thiện, lịch sự, khách khí, giữ kẽ để tạo ấn tượng tốt, xây dựng hình ảnh đẹp vì đơn giản chúng ta muốn tránh những điều tai tiếng, những bình luận không hay về bản thân mình và những rắc rối, tranh cãi trong các mối quan hệ có thể xảy ra.
Sau khi về đến nhà, mọi nguồn năng lượng đã dần cạn kiệt, chúng ta cởi bỏ lớp áo giáp đó ra, trở lại con người thật của chính mình. Chúng ta cư xử tùy ý với những gì mình không hài lòng, gắt gỏng với những lời khuyên bảo ban của bố mẹ, giận dỗi la hét bắt người thân phải nuông chiều, lắng nghe. Bản thân mỗi chúng ta đều hay nghĩ rằng những người thân thiết, gần gũi với chúng ta nhất sẽ luôn ở bên bao dung và không bao giờ rời bỏ chúng ta.
Một mái ấm an toàn, sự quen thuộc, gần gũi giữa những người thân trong gia đình khiến chúng ta coi thường những điều nhỏ nhặt và dễ dàng bị kích động bởi những điều gì đó không vừa ý. Chúng ta bộc phát ngay lập tức mà không cần suy nghĩ, dễ dàng trút bỏ những cảm xúc tiêu cực và hướng lên người thân vì chúng ta luôn ỷ lại rằng họ sẽ luôn thấu hiểu và tha thứ.
Làm cách nào để điều chỉnh hành vi không mong muốn để giao tiếp hiệu quả hơn với người thân?
Bất cứ mối quan hệ nào cũng cần sự vun đắp và nỗ lực từ hai phía. Vì vậy điều đầu tiên là hãy luôn tôn trọng những người thân yêu của bạn vì sự tôn trọng tạo nên những mối quan hệ lành mạnh tốt đẹp. Học cách lắng nghe và thay đổi suy nghĩ, hãy đặt bản thân mình vào người khác để cảm nhận và thấu hiểu. Chắc chắn bản thân bạn không muốn mình trở thành cái “thùng rác” để mọi người trút những cơn giận dữ, những câu nói không hay và hiển nhiên người khác cũng vậy.
Thay đổi tư duy một cách tích cực về các vấn đề mà bạn gặp phải trong cuộc sống để có những suy nghĩ, hành động và lời nói đúng đắn. Ông bà ta thường nói: “Lời nói là con dao hai lưỡi”, những lời hay ý đẹp sẽ làm mọi người cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, nhưng những lời nói nặng nề, chỉ trích sẽ làm người khác cảm thấy buồn bã, đau khổ, tổn thương. Chính vì vậy, trước khi nói, hãy suy nghĩ thật kỹ “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” để không dùng những từ ngữ làm tổn thương người khác, đặc biệt là những người thân của mình.
“Nụ cười có thể hàn gắn mọi thứ, còn sự tức giận có thể giết chết hàng triệu điều. Cái bắt tay có thể động viên hàng chục người, trong khi cái chỉ tay khiến hàng ngàn người rời xa bạn” (Isaelmore Ayivor).
Chúng ta mỗi khi tức giận, cáu gắt thường hay vô tình nói ra những lời nói hoặc hành động không hay. Hãy học cách kiềm chế cảm xúc bằng cách: “Hạ thấp giọng, giảm tốc độ nói, mở rộng lồng ngực, hít vào thở ra đều đặn”. Nó sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và dễ dàng tìm ra hướng giải quyết các vấn đề, giữ gìn được các mối quan hệ tốt đẹp.
Việc nóng giận đặc biệt là với người thân hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu mỗi con người đều biết cách giữ bình tĩnh, học cách lắng nghe và thấu hiểu. Mỗi người trong chúng ta ngay từ bây giờ hãy trồng những “cây phiền muộn” trước cửa nhà để trút bỏ những lo âu, bực dọc nên đó và ươm mầm nên những “cây hạnh phúc” trong tâm hồn và trái tim bạn để cuộc sống trở nên ấm áp, bình yên.